Mục tiêu còn dang dở
Có thể thấy, vấn đề phát triển nhà ở xã hội nói chung (bao gồm cả nhà ở cho công nhân) đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Tuy nhiên, đến nay theo tổng kết của Bộ Xây dựng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn dẫn đến việc mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020).
Lý giải cho sự “ì ạch” nói trên, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó trọng tâm là việc hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.
Trong công tác tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nhà ở xã hội, người đứng đầu nghành Xây dựng cũng đã từng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Một số địa phương chưa chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất khiến quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế.
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi dẫn đến việc các doanh nghiệp bất động sản còn chưa thật sự mặn mà trong việc quan tâm phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Hài hòa lợi ích, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Một trong những lý do được chỉ ra cho việc “trễ hẹn” của mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thời gian qua là việc các doanh nghiệp dường như chưa thật mặn mà trong việc tham gia phát triển các loại hình dự án nhà ở này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch HĐQT Công ty GP.Invest thực tế các doanh nghiệp luôn sẵn sàng tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nếu có cơ chế chính sách rõ ràng.
Ông Hiệp dẫn chứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng thì có việc là sẵn sàng làm ngay dù lợi nhuận định mức là tối thiểu.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VACC nhận định, thực tế cho thấy nhiều khi vướng mắc lại đến từ việc thừa hành chính sách, do đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi cần phải thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới để các doanh nghiệp không vướng vào cảnh “đầu xuôi mà đuôi không lọt” khi tham gia phát triển phân khúc bất động sản vốn đã được xác định là có biên lợi nhuận thấp.
"Đối với các dự án NOXH và nhà ở cho công nhân khó có thể kỳ vọng mức lợi nhuận cao như các dự án nhà ở thương mại khác. Nếu phải mất thời gian lo thủ tục cộng với các “chi phí khác” nữa chắc chắn sẽ không có lãi do đó các doanh nghiệp thường không mấy mặn mà"- ông Hiệp phân tích.
Về nguồn lực để phát triển các dự án nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp thay vì áp đặt quy định tại 49/2021/NĐ-CP thì có thể quy định theo hướng doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nếu muốn, hoặc được đề xuất hoán đổi quỹ đất xây nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền cho nhà nước theo giá thị trường.
"Nếu cho doanh nghiệp lựa chọn nộp tiền thay vì triển khai, cũng cần tách bạch khoản tiền doanh nghiệp hoán đổi 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội vào một tài khoản riêng, hoặc được hoạch toán riêng để dùng vào việc xây dựng nhà ở xã hội , chứ không nên hòa chung vào vốn ngân sách như hiện nay" - Ông Hiệp đề xuất.