Tờ Free Malaysia Today (Malaysia) mới đây đưa tin chỉ số giao thông năm 2024 do TomTom, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ định vị và dẫn đường công bố.
Chỉ số này bao gồm 500 thành phố ở 62 quốc gia/vùng lãnh thổ, sẽ tiết lộ những địa điểm có giao thông chậm nhất, sử dụng dữ liệu từ hơn 600 triệu thiết bị được kết nối như hệ thống dẫn đường trên ô tô.
Theo danh sách này, top 10 thành phố kẹt xe nhất thế giới tập trung chủ yếu ở Châu Á.
Đứng đầu là thành phố Barranquilla của Colombia, nơi có thời gian di chuyển trung bình cao nhất là 36 phút để đi hết 10km.
Tiếp theo là ba thành phố của Ấn Độ – Kolkata, Bangalore và Pune – nơi mất hơn 33 phút để đi hết cùng quãng đường.
Thành phố châu Âu xếp hạng cao nhất là London ở vị trí thứ 5, với thời gian trung bình là 33 phút 17 giây. Ở châu Á, Kyoto, Nhật Bản và thành phố Davao, Philippines cũng nằm trong top 10.
Thành phố ở vị trí 500 là Thousand Oaks, California của Mỹ. Người dân thành phố này di chuyển 30 phút chỉ tốn 8 phút 36 giây.
Theo danh sách này, Hà Nội đứng thứ 29 toàn cầu về mức độ kẹt xe, mất trung bình 30 phút 28 giây để di chuyển hết 10km, so với năm ngoái đã tăng 30 giây.
Cùng với Hà Nội, TP HCM đứng thứ 32 toàn cầu về tình trạng kẹt xe. Người dân ở đô thị dẫn đầu Việt Nam về kinh tế mất trung bình 30 phút 14 giây cho quãng đường 10km, tăng đến 40 giây so năm ngoái.
Hà Nội, TP HCM thiệt hại hàng tỷ USD do kẹt xe
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 12/7/2022, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, qua nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển TP, mỗi năm TP HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Để giải bài toán này cực khó, vì TP HCM với hơn 9,3 triệu dân, có mật độ xe quá cao, với hơn 1 triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai. Trong khi đó, mật độ đường giao thông ở TP HCM hiện chỉ đạt khoảng 2,44 km mỗi km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2 khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải.
Giải pháp tối ưu là phát triển vận tải công cộng, đặc biệt TP HCM đang đặt ra mục tiêu đến năm 2045 làm thêm 168,36 km metro, nâng tổng chiều dài lên khoảng 351,08 km. Vào năm 2060, sẽ hoàn thành thêm 159 km để hoàn thành toàn bộ mạng lưới metro dài khoảng 510 km.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, Hà Nội có gần 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó, có hơn 1 triệu ô tô; 6,6 triệu xe máy và gần 185.000 xe máy điện, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4-5%/năm.
Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp (đạt khoảng 10,35%). Hạ tầng giao thông chỉ tăng 0,5%/năm, còn phương tiện giao thông tăng 4-5% dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Phi Thường còn thông tin: Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm. Đó còn chưa kể đến tình trạng ùn tắc giao thông còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024, Hà Nội xác định có 33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Đến hết tháng 11/2024, TP đã xử lý được 13 điểm, còn lại 20 điểm. Tuy nhiên, Hà Nội lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm của thủ đô lên 36.