Đây là dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bahnar. Dự án do ĐH VinUni thực hiện vừa được vinh danh tại Hạng mục giải Dự án triển vọng của Human Act Prize 2024.
Theo cảnh báo của UNESCO, một nửa ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ và điều này đe dọa mất mát tri thức văn hóa. Vì vậy, dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bahnar đã tạo ra 1 từ điển tiếng Bahnar, 6 bộ phim tài liệu ngắn, 15 bài nghiên cứu đồng tác giả với lãnh đạo Bahnar cùng hơn 100 bức ảnh và hiện vật văn hóa. Dự án đặc biệt này góp phần định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong bảo tồn văn hóa.
"Bahnar" còn có nghĩa là "người ở núi". Là một trong những người gắn bó ngay từ những ngày đầu với dự án, GS K. David Harrison, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, ĐH VinUni, chia sẻ: "Ngay từ lần đầu tiên khi tôi đến thăm ngôi làng của người Bahnar ở Kon Tum vào năm 2022, tôi rất ấn tượng với lòng hiếu khách của các bạn và khả năng phục hồi về văn hóa của Bahnar. Các em sinh viên và đồng nghiệp của tôi tại ĐH VinUni rất tự hào khi cung cấp một nền tảng cho cộng đồng Bahnar của các bạn để chia sẻ văn hóa của mình với thế giới".
GS Harrison cho biết, các sinh viên và đồng nghiệp của ông tại ĐH VinUni rất vui mừng khi dự án được ghi nhận tại giải thưởng danh giá Human Act Prize.
"Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt hơn 2 năm qua cùng với những người bạn trong cộng đồng Bahnar và đã thấy được những tác động thực sự cũng như những kết quả tích cực của dự án. Chúng tôi đã thu âm và phát hành một album nhạc Bahnar, tạo ra một bảo tàng "Metaverse" đạt giải thưởng, đồng thời phát triển Từ điển Nói Bahnar cũng như nhiều video tài liệu.
Tất cả những điều này chỉ có thể được hiện thực hóa nhờ sự hào phóng của cộng đồng Bahnar, những người đã chia sẻ sự hiểu biết và văn hóa của họ với chúng tôi. Và chúng tôi đã mang văn hóa này đến với thế giới qua một nền tảng toàn cầu", GS K. David Harrison chia sẻ.
"Khó khăn lớn nhất với tôi là giao tiếp trong hơn 2 năm làm dự án"
Thật khó có thể mường tượng ra một "ông Tây" lại đam mê nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bahnar, thậm chí sẵn sàng cùng ăn ở, làm việc với cộng đồng người Bahnar. Tuy nhiên, theo GS K. David Harrison, khi còn là sinh viên 20 tuổi, ông đã gặp một người nói tiếng Karraim, một ngôn ngữ gần như tuyệt chủng ở Lithuania. Kể từ đó, ông bắt đầu yêu thích việc tìm kiếm, lưu trữ kiến thức và trí tuệ quý giá mà những ngôn ngữ sắp biến mất có thể để lại.
Theo GS, Việt Nam sở hữu một hệ thống ngôn ngữ phong phú, với hơn 100 thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều ngôn ngữ chưa từng được ghi nhận khoa học đang có nguy cơ biến mất. Trong số các ngôn ngữ này, GS K. David Harrison đặc biệt yêu thích tiếng Bahnar. GS chia sẻ, tiếng Bahnar cuốn hút ông bởi những cách diễn đạt sống động về thiên nhiên và rừng thiêng.
"Ngôn ngữ Bahnar thực sự là một ngôn ngữ đặc biệt và đáng được biết đến trên toàn cầu. Họ có mối liên kết tâm linh sâu sắc với rừng, điều này được phản ánh trong ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ Bahnar chứa đựng một số bí mật về cách sống bền vững và sinh tồn trên hành tinh đang thay đổi liên tục của chúng ta. Ngôn ngữ này có rất nhiều tri thức về môi trường quý giá và những hiểu biết thực tiễn về cách sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững để sống khỏe mạnh và phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học", GS K. David Harrison nhấn mạnh.
"Tôi đã rất may mắn được gặp TS Trần Hoài (ĐH Quốc gia Hà Nội), người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu văn hóa Bahnar và là thành viên danh dự của cộng đồng này. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ UBND địa phương, những người đã cấp phép cho các nghiên cứu thực địa cũng như được tài trợ từ ĐH VinUni. Với Bahnar, chúng tôi nhận thấy cơ hội khám phá một nền văn hóa độc đáo và giàu bản sắc, đồng thời giới thiệu nền văn hóa này đến với thế giới", Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, ĐH VinUni, bộc bạch.
Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm qua, GS Harrison thừa nhận thử thách lớn nhất đối với ông trong dự án này là học tiếng Việt và tiếng Bahnar để giao tiếp. "Thực ra hiện tôi đang học tiếng Việt nhưng mới ở mức cơ bản. Thật may mắn là một số người trong cộng đồng Bahnar có thể nói được nhiều ngôn ngữ, không chỉ Bahnar và tiếng Việt mà còn cả tiếng Pháp và tiếng Anh", GS Harrison chia sẻ.
Do địa điểm nghiên cứu khá xa nên GS Harrison và các em sinh viên phải bay đến Pleiku rồi di chuyển bằng ô tô tới Kon Tum, sau đó tiếp tục hành trình đến các ngôi làng của người Bahnar. Với các sinh viên, đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, vì nhiều em chưa từng gặp người dân tộc thiểu số trước đây. "Là một nhà giáo dục, mục tiêu của tôi là đưa các em sinh viên ra khỏi lớp học và đến với những ngôi làng thực tế, để có những trải nghiệm học tập chân thực hơn", GS Harrison nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng Bahnar"
Hơn 2 năm gắn bó với dự án, GS Harrison hào hứng cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng Bahnar, tôn trọng mong muốn bảo tồn văn hóa của họ và hỗ trợ họ thông qua công nghệ. Tôi cũng hy vọng sẽ sớm mời được các nghệ nhân xây dựng của Bahnar đến ĐH VinUni để xây dựng một ngôi nhà truyền thống hoặc một chiếc thuyền độc mộc, nhằm giới thiệu cho nhiều sinh viên hơn về khả năng kỹ thuật và trí tuệ môi trường của họ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất các phim tài liệu và mở rộng Từ điển Nói Bahnar (hiện đã có hơn 6.000 từ)".
Mỗi nền văn hóa, dù nhỏ bé hay xa xôi đến đâu, đều có những cá nhân tài năng và những bài học quý giá để dạy chúng ta, nếu chúng ta sẵn lòng học hỏi.
"Sinh viên của chúng tôi có thể trở thành những công dân toàn cầu tốt hơn thông qua sự gặp gỡ trực tiếp với các dân tộc thiểu số tại Việt Nam", Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, ĐH VinUni, khẳng định.
Dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bahnar được ra đời nhằm bảo tồn ngôn ngữ và những giá trị tri thức của người Bahnar. Đồng thời, dự án này giúp bảo vệ người Bahnar trước nguy cơ mất đi nền tảng văn hóa và sinh kế của mình do áp lực của đô thị hóa. Dự án cũng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và đẩy mạnh quảng bá truyền thông các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Trên thực tế, GS David Harrison đã mang ngôn ngữ Bahnar thuyết trình ở rất nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như: ĐH Bahrain (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic ở Abu Dhabi (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic tại Phú Quốc (2022), Cuộc họp thường niên của Daylight Academy ở Lausanne, Thụy Sĩ...
Đặc biệt, vào ngày 9/10/2024, ĐH VinUni chính thức trở thành Unesco Chair đầu tiên của Việt Nam dưới mô hình trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Trong đó, dự án về bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc thiểu số là một trong những sáng kiến nghiên cứu trọng điểm trong giai đoạn 2024 – 2028.
Về tác động của dự án, GS David Harrison khẳng định, cộng đồng Bahnar có thể được hưởng lợi trước tiên từ việc nhận được sự công nhận cùng sự tôn trọng lớn hơn từ công chúng đối với văn hóa và ngôn ngữ của họ. Điều này sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái đến cộng đồng những người Bahnar và tạo thêm cơ hội để người Bahnar quảng bá và giới thiệu văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, người Bahnar sẽ nhận được sự hỗ trợ ngoại lực đáp lại cho những nỗ lực của họ trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa. Điều này vốn thuộc về "Không gian văn hóa cồng chiêng", một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.