Cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 đã ngã ngũ, ông Trump chiến thắng áp đảo với số phiếu đại cử tri 312/538 và với số phiếu phổ thông 72,9/141,1 triệu phiếu, đi ngược lại với loạt dự báo và thăm dò dư luận trước đây. Theo ông, tại sao lại như vậy?
Thăm dò dư luận có ý nghĩa tại thời điểm đó và dự báo cũng chỉ là dự báo chứ không phải là thực tế (cười).
Thực tế, đối thủ của ông Trump là bà Kamala Harris - một Phó tổng thống Mỹ, có vai trò không nổi bật, đứng sau Tổng thống Biden trong việc thi hành các chính sách, chiến lược. Thêm vào đó, bà Harris chỉ có khoảng 4 tháng (tức khoảng 15-16 tuần) để vận động tranh cử. Là người người thay thế Biden, bà Harris chỉ có hai lựa chọn: tiếp tục đường lối của Biden, hoặc đưa ra chính sách mới. Thế nhưng, với khoảng thời gian đó, rất khó để có thể đề xuất chiến lược mới. Đây là yếu thế đầu tiên.
Điểm thứ hai, theo góc nhìn của tôi, nhiều người Mỹ chưa sẵn sàng và cũng chưa có tiền lệ bầu một phụ nữ da màu, thuộc nhóm thiểu số làm tổng thống. Mặc dù bà Harris là người rất giỏi, từng là thượng nghị sĩ, công tố viên của California, giáo sư đại học, nhưng ban đầu người Mỹ có thể cổ vũ vì bà là phụ nữ da màu… nhưng đến ngày bầu, họ sẽ phải cân nhắc rất nhiều về việc bầu cho ai.
Bởi lẽ, điều quan trọng nhất với người Mỹ là vấn đề cơm áo gạo tiền. Họ bầu cho người có lợi cho cá nhân, gia đình và đất nước của họ. Đây là yếu thế của bà Harris so với ông Trump vì ông mạnh về điều hành nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Ông Trump luôn theo đuổi sứ mệnh “Make America Great Again” hay Làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại, và để thực hiện điều này thì không gì quan trọng bằng kinh tế.
Trong khi đó, nhìn lại quá khứ, 8 năm của nhiệm kỳ tổng thống Obama, nhiều công ty Mỹ chuyển sản xuất ra nước ngoài, các bang công nghiệp mất việc, nhà máy thép, sắt, sản xuất phải đóng cửa, chuyển sang Trung Quốc. Nên khi ông Trump nói về kinh tế, đó là vấn đề thiết thân của người Mỹ và là thế mạnh đầu tiên của ông Trump.
Tiếp theo, người Mỹ muốn giảm thuế để được chi tiêu nhiều hơn. Chính vì thế, Trump đưa ra biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm thuế cho người dân từ 25% xuống 15%. Khi giảm thuế, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, mở rộng hoạt động, đầu tư thêm, thuê thêm nhân công… và hiệu ứng lan tỏa sẽ giúp kinh tế phát triển, người dân có việc làm. Trong khi đó, Đảng Dân chủ muốn tăng thuế người giàu để lấy tiền hỗ trợ an sinh xã hội. Đây là thế mạnh thứ hai của ông Trump.
Thế mạnh thứ ba của Trump là đánh vào nỗi sợ hãi của người Mỹ với người nhập cư bất hợp pháp. Thống kê không chính thức có 15-18 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, số chính thức là 11 triệu. Theo ông Trump, người dân Mỹ không thể làm việc cực khổ, đóng thuế để Chính phủ lấy tiền đó, hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp. Nên nếu trúng cử làm Tổng thống, một trong những việc ông Trump sẽ làm là trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên, trục xuất đi đâu và đưa họ về đâu, làm thế nào, ai chấp nhận họ… là những vấn đề rất lớn và tốn kém.
Thêm vào đó, dù ăn nói mạnh bạo, có thể bị gọi là diều hâu, nhưng thực tế, trong nhiệm kỳ của ông Trump không có cuộc chiến nào. Đây cũng là một lợi thế của ông trong kỳ bầu cử lần này…
Những lợi thế nói trên giúp cho ông Trump thắng trong cuộc bầu cử này.
Theo ông, vụ ám sát hụt ứng viên Donald Trump khi đi vận động tranh cử có tác động gì đến việc bầu cử Tổng thống của người dân Mỹ hay không?
Theo tôi là có đấy! Đó là sự tác động vào cảm xúc của người đi bầu. Ông Trump thường nói việc mình bị ám sát mà không chết là ý muốn của Thượng đế, và Thượng đế đã cứu ông ấy để Trump có thể cứu nước Mỹ. Tất nhiên, đó chỉ là lập luận của ông ấy, còn có bao nhiêu người tin vào điều đó thì không biết.
Thế nhưng, tất cả người Mỹ đều có thể nhìn thấy hình ảnh ông Trump giơ tay lên 3 lần sau khi bị bắn trượt và hô vang: “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu! (Fight! Fight! Fight!). Đó là hình ảnh của một người Mỹ dũng cảm và kiên định với sứ mệnh của mình. Tôi nghĩ rằng, nhiều người Mỹ bị ảnh hưởng bởi hình ảnh đó.
Lần bầu cử năm 2020, ông Trump đã để mất chiến thắng ở phần lớn các bang “chiến trường” nhưng lần này lại chiến thắng 4/7 bang. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?
Thứ nhất, không ai có thể dự đoán trước tất cả, vì các khảo sát dư luận luôn có sai số, sai từ 1-3% cũng là sai số. Ở Mỹ, có hai nhóm chính ủng hộ Đảng Dân chủ và Cộng hòa, như các bang California, New York, Vermont… thì luôn ủng hộ Dân chủ, trong khi Texas và Florida thường nghiêng về Cộng hòa. Khoảng 45% người Mỹ ủng hộ mỗi bên, còn lại 10% là những bang "chiến trường" - là những nơi dao động, nơi người dân chủ yếu quan tâm đến kinh tế và đời sống hàng ngày.
Năm nay có 7 bang chiến trường Pennsylvania, Georgia, Bắc Carolina, Michigan, Arizona, Wisconsin và Nevada. Những bang này thay đổi qua các kỳ bầu cử gần đây: năm 2016, họ bầu cho ông Trump thì ông Trump thắng, năm 2020 bầu cho ông Biden thì ông Biden thắng. Do đó, cả bà Harris và ông Trump đều dành nhiều thời gian vận động tại những bang này, cả 2 người đều thăm mỗi vùng 5 lần
Những bang dao động này còn được gọi là "đồng hồ quả lắc", chuyển hướng tùy theo tình hình kinh tế và xã hội. Tuy bà Harris có ưu thế là phụ nữ, người da màu và có tiếng tăm, nhưng trong 4 năm dưới thời ông Biden, bà không có vai trò nổi bật. Đến gần ngày bầu cử, bà mới được giao nhiệm vụ về nhập cư, nhưng chỉ thực hiện một vài chuyến thăm hình thức đến Texas.
Thực tế, người Mỹ không quyết định bầu cho ai ngay lập tức mà sẽ cân nhắc trong vài tháng trước bầu cử, rồi hình thành quan điểm dần dần. Đến những ngày cuối cùng, họ mới đưa ra quyết định. Kết quả là ông Trump được cho là mạnh hơn bà Harris ở nhiều vấn đề.
Vì thế, các công ty thăm dò dư luận chỉ có thể đoán được xu hướng trong hoàn cảnh cụ thể, nhưng khó chính xác vào giờ chót. Chính xác nhất chỉ là khi người dân bỏ phiếu xong và trả lời ngay tại phòng bầu cử, nhưng ngay cả lúc đó, cũng không chắc chắn họ đã nói thật.
Ở kỳ bầu cử Tổng thống năm nay, người giàu nhất thế giới - tỷ phú Elon Musk đã “quay xe” và ủng hộ ông Trump trong cuộc đua, với số tiền đóng góp lên tới hơn 100 triệu USD, chưa kể đến việc không bị cấm bởi mạng xã hội X (Twitter trước đây)?
Thực tế, Elon Musk và các doanh nhân khác đều nhìn vào quyền lợi thiết thân của họ. Không thể phủ nhận rằng ông Trump là người có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đảng Cộng hòa là đảng của doanh nghiệp, của giảm thuế, của phát triển kinh tế và muốn nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Để làm được điều đó thì không gì bằng việc đưa ra các chính sách thúc đẩy nền kinh tế, tập trung vào vấn đề hàng hoá Trung Quốc...
Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ của Elon Musk dành cho ông Trump cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Đảng Cộng hòa với Đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ luôn tuyên bố hỗ trợ người nghèo và thực tế, việc hỗ trợ cho người nghèo của họ sẽ bằng biện pháp đánh thuế cao với doanh nghiệp.
Ví dụ, bà Harris đề xuất tăng thuế từ 25% lên 35%. Đây là điều nhiều doanh nghiệp không muốn. Chính vì thế, họ ủng hộ ông Trump vì quyền lợi của mình.
Nhiều người công khai ủng hộ Đảng Dân chủ và bà Harris, trong khi nhiều người khác chỉ bày tỏ ủng hộ Đảng Cộng hòa và ông Trump khi bỏ phiếu bầu. Theo ông, vì sao lại như vậy?
Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - ông Trump không phải là dân ngoại giao mà là một doanh nhân, chủ một doanh nghiệp lớn, nên phong cách cũng khác biệt so với các chính trị gia chuyên nghiệp. Tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ và những phát ngôn mạnh bạo của ông ngay cả khi đã làm Tổng thống, làm cho xã hội Mỹ chia thành hai phe rõ ràng: một là yêu và một là ghét.
Người Mỹ khi bầu cho ông Trump đã chấp nhận phong cách nói năng đó, dù có thể thiếu tế nhị, không giống như các chính trị gia khác, nhưng ông giải quyết được các vấn đề như công ăn việc làm, kinh tế và bảo vệ nước Mỹ. Họ mong muốn thấy nước Mỹ hùng mạnh, nhưng không muốn lấy tiền của dân Mỹ để hỗ trợ cho các nước khác. Cử tri nhìn thấy rõ những điều nay qua cương lĩnh tranh cử của ông Trump và đó là lý do nhiều người sẵn sàng bỏ qua những điều chưa hài lòng về tính khí của ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hoà, để bỏ phiếu cho ông vào ngày bầu cử.
Có thể hiểu là ông Trump thắng trong cuộc bầu cử lần này vì mạnh hơn đối thủ trong vấn đề về chiến lược kinh tế rất thực dựng cho người dân và nước Mỹ hay không?
Việc ông Trump đắc cử có yếu tố quan trọng là chiến lược thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, nhưng không chỉ có yếu tố đó giúp ứng viên Đảng Cộng hoà thắng cử. Đó là tổng hoà của nhiều yếu tố mà 2 câu thể hiện rõ mong muốn của nhiều người Mỹ là “Make America Great Again” – Làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại và “America First” – Nước Mỹ trước tiên hay Nước Mỹ trên hết.
Nhiều người kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc hơn sau màn tái đắc cử ông Trump, điều này có quá lạc quan không?
Ở đây, tôi phân tích một số chính sách dự kiến được ông Trump thực thi góp phần đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn.
Nền kinh tế Mỹ có 3 trụ cột quan trọng. Thứ nhất, đôla Mỹ là loại tiền tự dự trữ lớn nhất thế giới. Đây là lợi thế đầu tiên của Mỹ.
Sức mạnh thứ hai là công nghệ. Thực tế, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc gia số hai thế giới có phần quan trọng nhờ vào công nghệ Mỹ chuyển giao hoặc copy. Thứ ba, nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế tiêu thụ lớn và Trung Quốc đã trở thành "công xưởng của thế giới" nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Mỹ.
Về kinh tế, Trung Quốc không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vị trí này thuộc về Canada và Mexico. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ, thương mại song phương gồm hàng hoá và dịch vụ năm 2022 là 758.4 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc 195.5 tỷ và nhập khẩu từ Trung Quốc 562.9 tỷ.
Ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này, sẽ gia tăng thuế nhập khẩu với hàng hoá từ Trung Quốc, có thể tăng lên đến 60-100% ở một số mặt hàng với hy vọng rằng, chính sách này sẽ buộc các công ty phải chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sản xuất tại Mỹ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu của Mỹ.
Hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư sản xuất ở Mỹ, ví dụ như Foxconn, trước đây sản xuất linh kiện Apple ở Trung Quốc, nay đã chuyển sang Mỹ. Khi sản xuất tại Mỹ, các công ty sẽ sử dụng lao động, nguyên vật liệu, và dịch vụ của Mỹ, góp phần thúc đẩy kinh tế.
Một yếu tố khác cũng tác động đến phát triển kinh tế là vai trò bảo lãnh quân sự của Mỹ cho các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia thông qua các liên minh và hiệp ước…
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Trump không muốn tiếp tục hỗ trợ các quốc gia nếu không nâng ngân sách quốc phòng lên 2% của GDP – điều có thể tác động đến công nghiệp quân sự của Mỹ; không ủng hộ xung đột ở Ukraine và giảm thiểu việc tiếp nhận người nhập cư, vì người nhập cư tiêu tốn nhiều ngân sách và dịch vụ công của Mỹ… Tất cả những điều này đều xoay quanh mục tiêu làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại thông qua phát triển kinh tế.
Với tư duy của một tỷ phú, và những chính sách dự kiến như trên, người dân Mỹ có thể hy vọng vào một nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn dưới thời Tổng thống Trump 2.0.
Còn mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, chính sách dưới thời Trump 2.0 có thể thay đổi ra sao?
Thứ nhất, khi Mỹ đánh thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên 30%, 40%, thậm chí 60%, thì hàng Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chi phí nhập khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn. Chính vì thế, nhiều công ty Mỹ sẽ tìm kiếm hàng hoá từ thị trường khác, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Đây là lợi thế Việt Nam có được từ việc Mỹ nâng thuế với Trung Quốc. Thêm vào đó, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ nên mối quan hệ kinh tế giữa 2 bên sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện.
Ở một góc độ khác, Việt Nam cũng có nguy cơ bị Mỹ "nhìn vào" khi đang có xuất siêu với Mỹ. Tuy nhiên, mức này còn rất nhỏ nếu so sánh với con số khoảng gần 280 tỷ USD xuất siêu hàng hoá của Trung Quốc năm 2023. Mỹ cũng sẽ dần tạo áp lực để Việt Nam mua một số mặt hàng có thế mạnh của Mỹ nhằm giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam.