Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Cần xem xét lại việc bãi bỏ cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai phát triển các địa phương

16:12 17/10/2023

Điều 261 của Dự thảo Luật Đất đai là nội dung đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, trong đó nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng cần phải xem xét lại.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Cần xem xét lại việc bãi bỏ cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai phát triển các địa phương

Điểm B khoản 2 Điều 261 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội

Cụ thể: "Bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết: Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa".

Như vậy, Điều 261 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa. 

“Đã là thí điểm phải có sơ kết, tổng kết để xem có hợp lý hay không”

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa được Quốc hội ban hành ngày 16/6/2022. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2022 và được thực hiện trong 05 năm. Trong Nghị quyết cũng nêu rõ tại Điều 9 về Tổ chức thực hiện: “Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 03 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2027.”

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trước khi ban hành, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành Nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Như vậy, Nghị quyết mới có hiệu lực hơn 1 năm, chưa đến thời hạn 3 năm sơ kết việc thực hiện Nghị quyết, thì Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư của Khánh Hòa, cũng như làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương mà Quốc hội đã ban hành.

Nói về nội dung này, khi phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ ngày 11/10 vừa qua, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ rằng Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù cho các địa phương này xuất phát từ yêu cầu của Bộ Chính trị tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Các cơ chế thí điểm chính là tạo ra các không gian phát triển mới, để khắc phục những điểm nghẽn nhưng bây giờ lại bỏ đi. Thêm nữa, đã là thí điểm thì phải có sơ kết, tổng kết để xem thí điểm có hợp lý hay không”.

Ông Nguyễn Hải Ninh cũng cho biết các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa… có diện tích lớn, đa dạng và đặc biệt nhất là đều giáp biển. Các khu vực này có sự kết nối với vùng khác rất đa dạng. Vì vậy, không gian phát triển, định hướng phát triển không chỉ phục vụ liên kết nội vùng mà còn ngoại vùng. “Khu vực này có tiềm năng phát triển du lịch vô cùng lớn. Vì vậy, chúng ta phải phân tích tính chất đặc thù từng vùng từ đó đề xuất giải pháp”, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa nói.

Tương tự, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được Quốc hội ban hành ngày 11/1/2022; các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng đều được Quốc hội ban hành ngày 13/11/2021. Như vậy, 5 Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố này đều mới được ban hành chưa đầy 2 năm.

Cần xem xét lại

Về các quan điểm được nêu trong Điểm b, Khoản 2 của Điều 261 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tại các Nghị quyết đặc thù về cơ chế thí điểm của Quốc hội cho các địa phương là Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Thanh Hóa, Khánh Hòa, chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng nội dung này cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.

“Những quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Thanh Hóa, Khánh Hòa là những nội dung cụ thể hóa, luật hóa một số chủ trưởng, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị. Đồng thời, những Nghị quyết này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ban hành hoặc được ghi cụ thể trong Nghị quyết, trong đó có nêu rõ “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày các Nghị quyết này có hiệu lực mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết đó thì việc áp dụng do HĐND tỉnh/thành phố đó quyết định”, ông Lực nói. Có nghĩa là, điều này tùy thuộc vào việc các quy định nêu trong Luật đất đai sửa đổi sắp tới có ưu đãi hơn hay không và có cho phép HĐND tỉnh/thành phố đó được quyền lựa chọn áp dụng nữa hay không cũng cần làm rõ.

Ông Lực giải thích những Nghị Quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (trong đó có lĩnh vực đất đai) cho các tỉnh, thành phố này xuất từ từ việc muốn phát huy tốt hơn tiềm năng, đặc thù của những tỉnh, thành phố đó. Trước khi đưa ra Nghị quyết này, các Cơ quan, Bộ ngành cũng đã bàn thảo rất kỹ, mục đích chung là phát huy thuận lợi của tỉnh, thành phố đó, của địa bàn đó, gồm cả hướng đến nâng tầm một số thành phố này trực thuộc Trung Ương đến năm 2025 hoặc 2030. Vì vậy, Dự thảo Luật đất đai lần này cần có đối chiếu, rà soát và qui định rõ nhằm đảm bảo nhất quán, xuyên suốt và không để khoảng trống cơ chế, pháp lý xảy ra.

Hiện cả nước có 9 địa phương được thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, chiếm tỷ lệ 14,3%. Theo Đại biểu Trần Văn Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương liên quan đến quản lý đất đai đã được Quốc hội thông qua nhằm mục đích tháo gỡ và khắc phục hạn chế của quy định pháp luật hiện hành. Mặc dù dự thảo Luật Đất đai có phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai và lâm nghiệp nhưng nội dung này không tương tự như cơ chế đặc thù của các tỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Cũng theo ông Tiến, các địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước; còn với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Đại biểu Trần Văn Tiến phân tích: "Thông thường các cơ chế, chính sách này được thí điểm trong vòng 5 năm và phải được tổng kết để có thể đánh giá, nhân rộng hoặc rút kinh nghiệm trước khi triển khai hoặc đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Để kết luận hay đánh giá tại thời điểm này thì hơi sớm nhưng có thể nhận thấy rằng các Nghị quyết này đang được các địa phương triển khai và có kết quả tích cực nhất định, tác động hiệu quả đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương kể trên".

“Theo tôi không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh kể trên. Việc này chưa chín muồi và có thể đi ngược định hướng và mục tiêu của việc sửa Luật Đất đai là “tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển”, ông Tiến nhận định.


(0) Bình luận
Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Cần xem xét lại việc bãi bỏ cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai phát triển các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO