Nội dung chính:
- Lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter đều có dấu hiệu xuống dốc.
- Những bất ổn từ nền kinh tế vĩ mô và thị trường cạnh tranh gay gắt đặt các tập đoàn công nghệ lớn vào thế khó.
Khi các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, phải cắt giảm chi phí, quảng cáo và truyền thông thường là mảng bị cắt giảm đầu tiên.
Ngay cả Alphabet - công ty mẹ của Google, một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất trên internet cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu và sự suy giảm của quảng cáo trực tuyến - mảng kinh doanh đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của công ty.
Kết quả kinh doanh của Alphabet - công ty mẹ Google qua các năm.
Quý III/2022, doanh thu của Alphabet tăng 6% nhưng lãi ròng giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 13,9 tỷ USD. Theo FactSet, kết quả này thấp hơn dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Sundar Pichai, giám đốc điều hành Alphabet chia sẻ: “Sự tăng trưởng doanh thu quảng cáo của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng cao của năm ngoái và môi trường vĩ mô đầy thách thức.”
Mặc dù Alphabet đã ít phụ thuộc hơn vào quảng cáo trong những năm gần đây, nhưng quảng cáo vẫn là mảng kinh doanh mang đóng góp phần lớn vào doanh thu của công ty - khoảng xung quanh 80%.
Mức tăng trưởng doanh thu của Alphabet trong quý III là mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đồng thời lợi nhuận ròng của công ty đã sụt giảm 3 quý liên tiếp.
Alphabet đã có 3 quý liên tục giảm lợi nhuận ròng. (Nguồn: Macrotrends)
Quý III/2022 cũng là lần đầu tiên doanh thu quảng cáo trên YouTube (thuộc Alphabet) sụt giảm kể từ khi công ty bắt đầu hạch toán riêng thu nhập từ YouTube vào cuối năm 2019.
Theo Jesse Cohen - nhà phân tích cấp cao tại Investing.com: “Kết quả kinh doanh kém khả quan của Google trong quý III là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình đang xấu đi và nền kinh tế vĩ mô khó khăn khiến các nhà quảng cáo phải cắt giảm chi tiêu.”
Tương tự như Google, lợi nhuận hàng quý của Facebook cũng liên tục đi xuống. Tỷ trọng doanh thu quảng cáo của Facebook cao hơn Google, chiếm đến 98%.
Trong quý III, doanh thu và lợi nhuận của Meta - công ty mẹ của Facebook đều sụt giảm so với năm trước. Riêng lợi nhuận quý III của công ty đạt 4,4 tỷ USD, giảm 52% so với cùng kỳ.
Meta cho biết giá trung bình cho mỗi quảng cáo trong quý III đã giảm 18% so với quý trước đó, do chính sách mới của Apple khiến Meta khó theo dõi và phân phát quảng cáo được cá nhân hóa cho người dùng.
Đến quý III/2022, lợi nhuận ròng của Facebook đã giảm 4 quý liên tiếp (Nguồn: Macrotrends)
Bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất phần cứng và phần mềm thực tế ảo - Reality Labs công bố doanh thu quý III giảm gần 49% so với cùng kỳ do doanh số bán tai nghe thực tế ảo Quest 2 thấp hơn. Reality Labs đã lỗ gần 4 tỷ USD, con số này dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm tới - báo cáo của Meta cho biết.
Nhiều nhà phân tích bình luận Meta đang ở trong một vòng xoáy tham vọng và tốn kém khi tập trung quá nhiều vào metaverse, thay vì các sản phẩm cốt lõi như Facebook và Instagram.
Ngày 9/11 vừa qua, Giám đốc điều hành của Meta - Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ sa thải hơn 11.000 nhân viên, tương đương khoảng 13% lực lượng lao động trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
Mạng xã hội Twitter vừa trải qua thương vụ đổi chủ ồn ào, đến nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Thế nhưng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Twitter đã giảm đáng kể.
Doanh thu quý II của Twitter giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu quảng cáo gần như đi ngang, phản ánh những khó khăn của ngành quảng cáo do tác động vĩ mô và sự không chắc chắn liên quan đến việc tỷ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội này.
Quý II/2022, Twitter ghi nhận lỗ ròng hơn 270 triệu USD. (Nguồn: Trading Economics)
Chi phí tăng cao khiến công ty lỗ ròng lên đến 270 triệu USD, trong khi cùng kỳ lãi 66 triệu USD. Sau khi Elon Musk chính thức sở hữu Twitter, hàng loạt thay đổi về chính sách và bộ máy nhân sự đã được đưa ra.
Những xáo trộn tại Twitter phần nào khiến các nhãn hàng quyết định tạm dừng quảng cáo trên nền tảng xã hội này. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức Volkswagen (sở hữu Audi, Porsche và Bentley), Tập đoàn quảng cáo Interpublic Group (đối tác của Unilever và Coca Cola),...
Theo Elon Musk, Twitter đã chứng kiến "sự sụt giảm lớn về doanh thu", khi ngày càng nhiều nhà quảng cáo tạm dừng chi tiêu cho nền tảng này sau thương vụ mua lại 44 tỷ USD của ông.
Người chủ mới của Twitter cho biết ông đang nỗ lực tăng doanh số đăng ký của công ty để thúc đẩy lợi nhuận và ít phụ thuộc hơn vào doanh thu quảng cáo - vốn chiếm 90% tổng doanh thu của Twitter.
Ngành quảng cáo đang bước vào “vùng trũng”
Kết quả kinh doanh mới nhất của Google, Facebook, Twitter phản ánh phần nào bối cảnh chung của ngành quảng cáo.
Các công ty công nghệ nói chung đều đang đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm môi trường vĩ mô khó khăn, kinh tế toàn cầu dần suy thoái, thị trường cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, những thay đổi trong chính sách quảng cáo của Apple đã tạo thêm thách thức cho nhiều mạng xã hội.
Apple vốn được biết đến với các dòng sản phẩm nổi tiếng như iPad, iPhone, Macbook - thiết bị công nghệ cần thiết để sử dụng mạng xã hội và phân phối quảng cáo.
Nhiều chuyên gia cho biết chi tiêu cho quảng cáo có xu hướng chậm lại trong thời kỳ kinh tế suy thoái dẫn đến thu nhập của các công ty đi xuống. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ liên tục lên giá khiến những đồng tiền khác mất giá đáng kể, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của công ty trong những quý gần đây.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của Youtube, Facebook và Instagram đang chậm lại do chịu sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok.
Facebook và Instagram đồng loạt ra mắt Reels, Youtube cũng trình làng Shorts với giao diện và tính năng tương tự TikTok - nền tảng video dọc dạng ngắn. (Ảnh: Digiday)
Không thể phủ nhận mức độ tác động của TikTok tới thị trường kỹ thuật số nói chung và quảng cáo trên mạng xã hội nói riêng. Cùng với việc trở thành mạng xã hội hàng đầu dành cho giới trẻ, TikTok còn ảnh hưởng đến cách 5 “ông lớn” Facebook, Instagram, Twitter, Linkedin, YouTube phát triển ứng dụng của mình.
Thành công vượt trội của TikTok buộc các nền tảng khác phải thay đổi để bắt kịp, thậm chí là “copy” giao diện tương tự để thu hút người dùng.