Giữa lúc nhiều chủ đầu tư nợ phí môi giới “đầm đìa” thì doanh nghiệp địa ốc này lại mạnh tay “thưởng nóng” để tạo động lực bán hàng

Hạ Vy | 14:35 15/09/2023

Hiện nay các chủ đầu tư nợ phí sàn môi giới hoặc nhân viên gần như trở thành nỗi “ám ảnh” đối với môi giới. Nhiều sàn phá sản vì không có chi phí hoạt động; nhiều môi giới bán hàng 2 năm không lấy được bất kì đồng phí môi giới nào.

Giữa lúc nhiều chủ đầu tư nợ phí môi giới “đầm đìa” thì doanh nghiệp địa ốc này lại mạnh tay “thưởng nóng” để tạo động lực bán hàng

Chia sẻ tại Talkshow mới đây, lãnh đạo một sàn bất động sản quy mô hàng ngàn môi giới đã dốc bầu tâm sự: “Công nợ phí môi giới của công ty hiện đã lên con số mấy trăm tỉ đồng chưa đòi được. Dòng tiền rất khó khăn. Công ty phải lập riêng ban chuyên trách để đòi nợ. Ban này chỉ làm mỗi nhiệm vụ là đòi được phí môi giới về để tiếp tục duy trì hoạt động công ty”.

Một doanh nghiệp khác cũng than đang trên bờ vực phá sản vì không thể đòi được phí môi giới để hoạt động. Chủ đầu tư không trả phí, đồng nghĩa anh em môi giới không có hoa hồng; cả sàn gắng gượng vì khó khăn dòng tiền.

Không chỉ sàn, môi giới cá nhân đi đòi nợ hoa hồng đã trở thành vấn nạn từ trước đến  Hay mới đây, một môi giới chia sẻ “trầy trật” đòi phí hoa hồng của một doanh nghiệp địa ốc. Đến bây giờ xem khoản tiền hàng trăm triệu đồng đó là “mất”, chấp nhận kiếm tiền lại từ đầu.

Mới đây, trên một diễn đàn cộng đồng bất động sản, một môi giới đã chia sẻ: “SKL đang nợ phía sàn và nhân viên. Liệu có nên bán hàng cho chủ đầu tư này nữa không? chủ đầu tư này vẫn tập hợp nhân viên bán căn hộ còn lại, liệu khi nào được trả phí…”

Hà, môi giới của một doanh nghiệp bất động sản khá lớn tại Tp.HCM. Sau khi bán được căn biệt thự tại Bình Thuận tưởng rằng sẽ được nhận hoa hồng 200 triệu. Thế nhưng, từ sau khi công ty khó khăn cho nhiều nhân viên sales nghỉ việc thì “lời hứa” trả hoa hồng cũng bặt vô âm tín. Hơn một năm nay, Hà chưa lấy được đồng hoa hồng nào. Dù nhiều lần hỏi nhưng công ty vẫn báo khó khăn, không có tiền chi trả hoa hồng.

Trái với những chủ đầu tư “chây ì” phí môi giới thì gần đây, một số chủ đầu tư lại tung chính sách đặc biệt dành cho môi giới. Cụ thể, thưởng nóng “liền tay” ngay khi khách cọc; đối chiếu phí phí trong tuần để tạo động lực kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Đây cũng là cách chủ đầu tư “động viên” môi giới khá tốt giữa bối cảnh môi giới “nản lòng” chờ phí môi giới/hoa hồng.

Chẳng hạn mới đây, chủ đầu tư dự án Glory Heights - Vinhomes Grand Park thưởng 5 triệu đồng/sản phẩm khi hoàn tất thủ tục cọc. Hay, chủ đầu tư Honas Rivesidence thưởng ngay 10 triệu đồng/sản phẩm khi khách hàng đặt cọc 30 triệu đồng. Dự án FIATO City đối chiếu phí môi giới và nhân viên kinh doanh hàng tuần…

98c.jpg
Ảnh: Hạ Vy

Trên thực tế, sàn bất động sản khá bị động trong vấn đề phí môi giới. Chủ đầu tư thường thanh toán phí hoa hồng theo tiến độ dự án, chỉ cần dự án có điều gì đó trục trặc hay thanh khoản thị trường kém thì lẽ tất nhiên khoản hoa hồng này sẽ bị chậm chi trả. Nhiều sàn bất động sản phải gồng mình chịu lỗ bởi chủ đầu tư chây ì.

Theo đó, giải pháp để môi giới bất động sản giảm thiểu được rủi ro bị “quỵt” hoa hồng là lựa chọn chủ đầu tư uy tín. Trước đó, môi giới đừng quên làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng ký hợp đồng bảo lãnh phí môi giới để tránh được rủi ro bị nợ phí hoa hồng.

Ngoài ra trước khi hợp tác với chủ đầu tư, các sàn cần tiến hành thẩm định dự án, sau khi xác định được dự án không gặp trục trặc về pháp lý hay có dấu hiệu lừa đảo thì mới tiến hành hợp tác. Để đảm bảo an toàn hơn, các sàn cũng có thể tiến hành phân tích về tính khả thi và tương lai của dự án, tránh hợp tác với những dự án không khả thi. Nhờ những bước xác thực và đảm bảo này, các sàn môi giới bất động sản đã có thể giảm thiểu được tối đa việc bị quỵt tiền hoa hồng từ các chủ đầu tư, qua đó cũng bảo toàn được uy tín của công ty mình, giữ được những nhân viên tâm huyết và cốt cán.

Bên cạnh đo, môi giới bất động sản cá nhân cũng nên lưu ý về việc cắt giảm hoa hồng cho khách hàng. Bởi vô hình chung điều này sẽ làm cho khách hàng được “chiều quá” và gây nên cảm giác hoa hồng của môi giới quá nhiều nên mới chịu dễ dàng cắt bỏ phí hoa hồng như vậy. Với tâm lý đó, khách hàng sẽ luôn có suy nghĩ môi giới không xứng đáng với số tiền hoa hồng được nhận và sẽ tìm các cắt xén hay thậm chí là “quỵt” luôn số tiền đó.


(0) Bình luận
Giữa lúc nhiều chủ đầu tư nợ phí môi giới “đầm đìa” thì doanh nghiệp địa ốc này lại mạnh tay “thưởng nóng” để tạo động lực bán hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO