Giới trung lưu Trung Quốc bỏ tiền tỉ mua ‘cabin trường sinh’ nhằm kéo dài thanh xuân, bù đắp tuổi trẻ vất vả

Thùy An | 10:37 28/09/2023

Dành trọn tuổi trẻ để kiếm tiền, về già lại dùng tiền để mua tuổi trẻ.

Giới trung lưu Trung Quốc bỏ tiền tỉ mua ‘cabin trường sinh’ nhằm kéo dài thanh xuân, bù đắp tuổi trẻ vất vả

Gần đây, công nghệ "cabin kéo dài sự sống", hay "cabin trường sinh" đang trở thành chủ đề hot ở các thành phố lớn ở Trung Quốc. Mặc dù mức giá lên tới 300.000 NDT (khoảng 1 tỉ đồng Việt Nam)/chiếc, và phải đặt chỗ trước qua mạng theo một quy trình rườm rà, nhưng lượt truy cập cũng như mức độ quan tâm về chiếc "cabin thần kỳ" này vẫn tăng lên từng giờ.

Giải mã công nghệ "buồng trường sinh"

"Cabin trường sinh" này thực chất là những buồng oxy cao áp dân dụng, người dùng sẽ được thở oxy với độ tinh khiết lên tới 100% dưới một áp suất nhất định trong một thời gian nào đó. Trong những năm gần đây, thiết bị này được dùng nhiều trong y tế, được giới thiệu là có khả năng kích thích khả năng tự phục hồi của cơ thể.

Năm 2020, giáo sư người Israel Shai Efrati đã cho 30 người đàn ông trung niên và cao tuổi hít thở oxy nguyên chất trong cabin với tổng thời gian lên tới ba tháng. Kết quả cho thấy chiều dài telomere trong nhiễm sắc thể của họ được kéo dài thêm trung bình 20%, tỉ lệ các tế bào già nua bị thải bỏ lên tới 37,3%. Nói cách khác, tế bào cơ thể họ trẻ ra tới 20 năm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này vẫn bị giới khoa học đặt ra nhiều nghi vấn.

Đến năm 2022, Shai Efrati lại công bố thêm một nghiên cứu nữa về oxy cao áp. Các kết quả thí nghiệm cho thấy các đốm đồi mồi trên đầu một tình nguyện viên đã biến mất sau thời gian trị liệu. Ngay lập tức, liệu pháp oxy cao áp đã trở thành một cơn sốt.

Phép màu tuổi trẻ chỉ dành cho người giàu?

Tuy nhiên, công nghệ này lúc đó không dùng để phục vụ người bình thường, chỉ có những người rất giàu mới dám mua. Ban đầu, cabin oxy cao áp Shai Efrati dùng trong phòng thí nghiệm có giá hơn 574.000 USD và chỉ áp dụng cho người khỏe mạnh. Stanley Ho, ông vua sòng bài Macao, sau khi nhập viện đã mua lấy một chiếc với giá 2,4 triệu USD, tức hơn 60 tỉ đồng.

Ca sĩ người Canada Justin Bieber từng bốc đồng mua tận hai cabin, với niềm tin rằng ngoài duy trì vẻ ngoài trẻ trung, việc ngủ trong cabin còn giảm được trầm cảm.

Khi về đến Trung Quốc và được nội địa hóa, các công nghệ tiên tiến của nước ngoài không còn cái giá cao ngất nữa. Chẳng hạn như chiếc máy khiên tân tiến do nước Đức độc quyền công nghệ. Nó từng được xuất khẩu ra thế giới với giá 10 triệu USD/chiếc. Sau khi Trung Quốc chinh phục được công nghệ cốt lõi và sản xuất, mức giá chỉ còn hơn 410.000 USD, giảm gần 20 lần so với hàng của Đức. Hay như sợi các bon dùng cho công nghệ hàng không vũ trụ từng được bán với giá 300.000 USD/tấn thì nay Trung Quốc đã có thể nội địa hóa và tiết kiệm hơn 6 tỉ USD mỗi năm.

Lần này, công nghệ "cabin trường sinh" cũng không phải ngoại lệ. Dù chưa ra mắt chính thức nhưng lượng truy cập vào trang web của công ty Rejuvelab ở Thượng Hải cũng như lượt tìm kiếm trên mạng về công ty này đang tăng lên vùn vụt. Đây là công ty đang tiến hành nội địa hóa "cabin trường sinh" với mong muốn bán ra thị trường với giá rẻ đi nhiều lần.

Vì sao giới trung lưu Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền "mua lại tuổi trẻ"?

Ở Trung Quốc, mức giá hiện tại cho một cabin là 300.000 NDT, tương đương với một chiếc ô tô hạng sang nhưng vẫn thu hút được rất nhiều sự chú ý. Nhóm khách hàng quan tâm chủ yếu là nam giới trên 35 tuổi thuộc tầng lớp trung lưu. Đây là những người đã tích lũy được một lượng tài sản nhất định. Ba mối quan tâm lớn nhất của họ bây giờ là sức khỏe, giáo dục và bất động sản.

Một khách hàng chia sẻ: "Để bù đắp cho tuổi trẻ thì 300.000 NDT hoàn toàn xứng đáng. Trong gần 50 năm đầu đời tôi đã lăn lộn để kiếm đủ số tiền ấy." Khác với những người thuộc nhóm "phú nhị đại" được thừa kế từ cha mẹ, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lại tích lũy được tài sản từ việc lao động miệt mài với cường độ cao trong thời gian dài. Khi còn trẻ, họ phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Từ năm 35 tuổi trở đi, họ thường gặp các vấn đề suy giảm chức năng như rụng tóc, thiếu ngủ, lão hóa sớm, bệnh tật. Dưới gánh nặng kép của thể xác và tinh thần, việc "dùng tiền bù đắp cho mất mát tuổi trẻ" đã trở thành lựa chọn hàng đầu.

Cabin trường sinh của công ty Rejuvelab Thượng Hải không phải là loại đầu tiên được Trung Quốc sản xuất nội địa. Trước đây, các sản phẩm tương tự đã xuất hiện trên thị trường nhưng bị phàn nà là tác dụng không rõ ràng. Hầu hết các cabin oxy cao áp trên thị trường Trung Quốc đều có áp suất là 1,3 ATM, trong khi áp suất tối đa dành cho mục đích dân dụng là 2 ATM. Rejuvelab tuyên bố, cabin oxy cao áp của công ty là loại duy nhất trên thị trường đạt áp suất 1,9 ATM. Có thể đây là một trong những lý do quan trọng khiến nó "gây bão" trong giới trung lưu Trung Quốc gần đây.

Giới trung lưu Trung Quốc bỏ tiền tỉ mua ‘cabin trường sinh’ nhằm kéo dài thanh xuân, bù đắp tuổi trẻ vất vả - Ảnh 1.

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn giữ thái độ cẩn trọng. Mặc dù đã có nhiều thí nghiệm cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của cabin oxy cao áp trong việc làm chậm quá trình lão hóa sinh lý, nhưng việc nó có thể áp dụng cho tất cả mọi đối tượng hay không vẫn là vấn đề cần thời gian để thử nghiệm. Sự nôn nóng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cho thấy họ đang đạt trạng thái dư dả về tài chính, sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ cho bất cứ công nghệ kéo dài thanh xuân nào đang có trên thị trường.

Tham khảo từ: Net Ease


(0) Bình luận
Giới trung lưu Trung Quốc bỏ tiền tỉ mua ‘cabin trường sinh’ nhằm kéo dài thanh xuân, bù đắp tuổi trẻ vất vả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO