Cõng 100 cân mỳ đi bán mỗi ngày để nuôi con
Bà Đào Hoa Bích (sinh năm 1047) là con gái trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ xưa cũ của bố mẹ, bà không có cơ hội được đi học, hoàn toàn mù chữ, chỉ viết được mỗi tên của mình. Đây cũng là điều bà Đào nuối tiếc nhất trong đời.
Tỷ phú Đào Hoa Bích. Ảnh Toutiao
Năm 20 tuổi, thông qua mai mối, bà kết hôn với một người đàn ông trong làng và sinh ra 2 cậu con trai. 8 năm sau, chồng bà qua đời vì bạo bệnh. Lúc này, vì không biết chữ lại còn thất nghiệp, gia đình nhà chồng coi bà là gánh nặng nên đã để mặc bà nuôi con.
Từ đó, Đào Hoa Bích ngày ngày cõng trên lưng 100 cân mỳ, vượt đường núi hiểm trở để đi bán kiếm tiền. Năm 1989, khi tích lũy được một ít vốn, bà mở một tiệm mì nhỏ ở Quý Dương với thực đơn 100% “nhà làm”. Để thu hút khách, bà còn miễn phí cho sinh viên nghèo, do đó bà rất được họ yêu mến và gọi bằng cái tên thân mật Lao Gan Ma (mẹ đỡ đầu).
Nữ tỷ phú mù chữ với “đế chế cay” tỷ đô
Công việc kinh doanh của Đào Hoa Bích ngày càng khởi sắc không phải vì những món mì mà nhờ loại tương ớt đặc biệt của bà. Thậm chí, nhiều khách hàng còn đến chỉ để hỏi mua tương ớt chứ không ăn mỳ. Nhận thấy đây là lợi thế, bà quyết định không bán mỳ nữa mà tập trung vào sản xuất và buôn bán tương ớt. Không ngờ thương vụ này ăn nên làm ra, ngày càng phát đạt chỉ sau 2 năm. Bà đặt tên luôn cho thương hiệu của mình là Lao Gan Ma và công ty mang tên của thương hiệu này cũng chính thức mở cửa kinh doanh vào năm 1997.
Ảnh: Toutiao
Thừa thắng xông lên, Đào Hoa Bích tiếp tục đưa thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài và rất được yêu thích. Lao Gan Ma được mệnh danh là loại tương ớt hàng đầu thế giới. Tại các siêu thị Trung Quốc ở Mỹ, một lọ Lao Gan Ma được bán với giá tới 12 USD (283 nghìn đồng), mặc dù giá cao nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu. Tại Trung Quốc, nhà nào cũng có vài lọ gia vị này.
Vậy là chỉ với lọ tương ớt nhỏ bé, bà Đào Hoa Bích đã tạo nên một “đế chế cay” với giá trị lên đến 4,6 tỷ NDT (gần 15.000 tỷ đồng). Sau hơn nửa đời người chật vật nuôi con và thành công gây dựng đế chế Lao Gan Ma, năm 2014, bà Đào Hoa Bích tuyên bố rời ghế chủ tịch. Từ đó, người dân Quý Châu thường xuyên thấy người phụ nữ này lái siêu xe đi siêu thị, sống ung dung an hưởng tuổi già.
Về công việc kinh doanh, bà giao công ty lại cho cậu con trai cả Lý Quy Sơn quản lý. Bà cũng từng bày tỏ triết lý giáo dục của mình trước công chúng rằng: “Tôi mong con trai kinh doanh giỏi, làm người tốt, không muốn nó đắm chìm vào cổ phiếu, vay nợ…”. Tiếc là triết lý của người mẹ không thu phục được lòng con.
“Về hưu” vẫn phải đứng ra thu dọn tàn cuộc của 2 con trai
Lý Quy Sơn sau khi học quản trị kinh doanh ở nước ngoài nhiều năm đã cho rằng sản phẩm của công ty quá lỗi thời nên bắt đầu cải cách mạnh mẽ. Không muốn mang tiếng “nấp dưới váy mẹ”, anh tin là một lãnh đạo xuất sắc thì phải có công việc kinh doanh riêng nên đã lập công ty Bất động sản Quy Sơn Thiên Dương.
Từ khi cậu con trai cả điều hành, công ty Lao Gan Ma liên tục thua lỗ với tổng số nợ 5 năm liền lên tới 950 triệu NDT (hơn 3 nghìn tỷ đồng). Còn khối bất động sản Thiên Dương mà Quy Sơn điều hành xây dựng cũng trở thành tòa nhà dang dở, không thể tiếp tục thi công vì hết vốn.
Đáng nói, rất nhiều người dân tin tưởng danh tiếng của bà Đào Bích Hoa nên đã bỏ tiền vào đặt cọc nhà của khu chung cư Thiên Dương, điều này khiến họ vô cùng sốt ruột, bực bội. Trước dự án thất bại của con trai, bà Đào lên tiếng: “Đó là việc của nó chứ không liên quan gì đến Lao Gan Ma”. Sau đó, bà quyết định bàn giao lại ghế chủ tịch cho con trai thứ để khôi phục danh tiếng của công ty.
So với anh trai Lý Quy Sơn, Lý Miêu Tinh có ưu điểm là rất tập trung và dành hết tâm trí cho việc kinh doanh. Tiếc là anh không thừa hưởng được sự khôn ngoan của mẹ mình.
Lao Gan Ma sở dĩ trở thành thương hiệu tương ớt được cả nước biết đến là vì sử dụng nguyên liệu chất lượng. Thế nhưng sau khi Miêu Tinh tiếp quản, anh đẩy mạnh việc tiết kiệm chi phí sản xuất. Thay vì sử dụng tiêu Quý Châu thì anh dùng Hà Nam rẻ hơn một chút. Làm vậy trên lý thuyết có thể giảm chi phí mà vẫn tăng doanh thu, nhưng thực tế thì không như thế. Do vị thay đổi nên doanh số bán Lao Gan Ma tụt hẳn, ước tính giảm trung bình khoảng 200 triệu NDT (hơn 650 tỷ đồng) mỗi năm tính đến năm 2018.
Ảnh: Toutiao
Mặt khác, Lao Gan Ma là tâm huyết cả đời của Đào Bích Hoa nên bà luôn coi nhân viên như gia đình, cố gắng hết sức để giúp đỡ họ trong cuộc sống hàng ngày như tài trợ học phí cho con em, lo thuốc thang… Vì vậy, bà Đào rất được lòng nhân viên. Nhưng trong những năm Lý Miêu Tinh tiếp quản công ty, anh sử dụng hệ thống quản lý cứng nhắc và hà khắc khiến mọi người bất đồng, không phục. Thậm chí còn có nhân viên bị cảnh sát bắt giữ vì làm nội gián, tuồn bí mật của công ty ra ngoài.
Thấy công ty càng ngày càng lộn xộn, bà Đào phải ra mặt cứu Lao Gan Ma. Sau khi trở lại, bà liền chỉnh công thức, nguyên liệu, đưa hương vị tương ớt quen thuộc trở lại. Nhờ đó mà doanh số bán hàng của Lao Gan Ma được cải thiện rõ. Năm 2019, doanh thu của công ty đạt khoảng 5 tỷ NDT (hơn 16 nghìn tỷ đồng).
Ảnh: Toutiao
Lao Gan Ma như máu thịt của Đào Hoa Bích. Bà thực sự không muốn nhìn thấy 2 cậu con trai hủy hoại "con trai út" của mình. Cho đến hiện tại, dòng tương ớt này vẫn rất nổi tiếng với 20 dòng sản phẩm, mục tiêu của bà cụ doanh nhân là phát triển hơn 200 dòng gia vị phục vụ khách hàng. Khi nói lên hoài bão lớn lao này, bà Đào đã 72 tuổi. Dù vậy, bà vẫn tiếp tục cố gắng vì uy tín và niềm tin mà khách hàng dành cho Lao Gan Ma.
(Theo Toutiao)