20 ngày trước, mưa lũ, đất đá sạt lở đã san phẳng toàn bộ khu nhà điều hành Nhà máy thủy điện Nậm Lúc khiến 5 cán bộ nhân viên của công ty thiệt mạng. Sau sự cố sạt lở nghiệm trọng, nhà máy thủy điện này vẫn chưa thể vận hành trở lại.
Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời Nhà máy thủy điện Nậm Lúc cho biết, đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng sốc vì những thiệt hại từ sự cố sạt lở.
Ngoài mất mát về con người, ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng dự án lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu.
Theo ông Tất Anh, mưa lũ làm nước sông dâng cao khiến nhà máy này bị ngập trong nước, gây tê liệt hoàn toàn. Đến hiện tại, nhà máy vẫn chưa có điện. Cán bộ công nhân viên phải sử dụng máy phát điện, bơm toàn bộ nước trong hầm thủy điện để khắc phục hậu quả. Do các thiết bị của nhà máy vẫn còn đang ngập trong nước, bùn nên việc kiểm tra từng hạng mục và đánh giá thiệt hại để đưa phương án giải quyết hiện vẫn chưa có.
Chưa kể, toàn bộ đường giao thông đều bị sạt lở khiến Thủy điện Nậm Lúc bị cô lập hoàn toàn, không đi vào, ra được. “Sau 10 ngày, chúng tôi mới có thể đi bộ vào để xem xét hiện trường. Đến nay đã nửa tháng, chỉ có xe nhỏ hoặc xe công trình mới vào được. Trên tuyến đường đi vào nhà máy có nhiều điểm bị sát lở, huyện đã cho xe gạt đi để cho xe đi vào nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tiềm ẩn”, lãnh đạo nhà máy thủy điện Nậm Lúc cho biết thêm.
Nhà máy thủy điện Nậm Lúc là một trong những công trình thủy điện quan trọng tại tỉnh Lào Cai với công suất 28MW. Doanh thu hoạt động của nhà máy vào khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh chưa thể vận hành trở lại dẫn tới không có doanh thu, đối tác tài chính của Nhà máy thủy điện Nậm Lúc là SHB đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này khắc phục khó khăn.
Lãnh đạo SHB Chi nhánh Lào Cai cho biết, hiện tại phía doanh nghiệp có dư nợ tại ngân hàng gần 700 tỷ đồng. Ngân hàng này đã triển khai 3 gói chính sách hỗ trợ khách hàng.
Đầu tiên là giảm 50% lãi cho khách hàng từ giờ đến cuối năm với số lãi giảm là trên 10 tỷ đồng. Ngay trong tháng 9, SHB Lào Cai thực hiện giảm cho khách hàng là 5 tỷ đồng. Gói hỗ trợ thứ 2 là cấp hạn mức 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5% cho khách hàng có nguồn vốn để tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục những hậu quả của cơn bão. Biện pháp hỗ trợ thứ 3 là cơ cấu lại khoản vay cho khách hàng. Đây là giải pháp được thực hiện theo chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do cơn bão số 3.
Cũng theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 25/9, ước tính dư nợ vay vốn bị ảnh hưởng của bão Yagi tại tất cả tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng với hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.
Sau các đợt khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình của khách hàng vay vốn, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các ngân hàng, mời UBND 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do mưa bão cùng làm việc.
Tại hội nghị này, đã có 32 tổ chức tín dụng công bố các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp hơn 0,5-2% lãi vay thông thường. Tạm tính, tổng trị giá các gói tín dụng ưu đãi này vào khoảng 405.000 tỷ đồng.
Ngày 26/9 mới đây, NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 04 hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình, mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn bởi bão lũ để đề xuất các chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp, kịp thời góp phần tích cực, hiệu quả hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.