‏Giám đốc Thanh Viet Production: “Làm Gió Mùa không phải chuyện ngồi mát ăn bát vàng, muốn thành công phải có gan gánh lỗ”‏

Phương Thúy / TK: Hải An | 09:11 18/05/2023

Bắt đầu từ năm 2014, sự kiện âm nhạc thường niên của Hà Nội - Monsoon Music Festival (MMF/Lễ hội Âm nhạc Gió Mùa) đã trở thành một nét văn hóa gắn liền với mỗi mùa thu thủ đô.‏

‏Giám đốc Thanh Viet Production: “Làm Gió Mùa không phải chuyện ngồi mát ăn bát vàng, muốn thành công phải có gan gánh lỗ”‏

‏Trong tiết trời se lạnh của Hà Nội, có những người bạn lâu năm không gặp, có những nhóm trẻ hối hả cho sự nghiệp, có những cặp đôi tranh thủ thời gian để ngồi lại bên nhau, cũng có những người chỉ đơn giản tìm kiếm khoảng không cho chính mình.‏

‏Họ cùng đến với Monsoon, tận hưởng không gian và những niềm vui của tuổi trẻ, đôi khi cũng phải đội nắng, đội mưa để được sống trong âm nhạc. Nhưng khi hỏi “Có đáng hay không?”, ai cũng mạnh dạn đáp: “Rất đáng!”‏

‏- Monsoon Music Festival trở lại sau 4 năm không thể tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cảm xúc của anh lúc này thế nào? ‏

‏Với người nghệ sĩ, 4 năm là một khoảng thời gian rất dài. Có người vụt lên, cũng có người biến mất. Chính vì thế, lần này trở lại, tôi muốn đem tới một mô hình mới, một thể nghiệm mới để đem lại những cảm xúc hào hứng hơn cả cho khán giả.‏

‏Đặc biệt, nhìn ở khía cạnh tích cực, 4 năm “nghỉ” cũng là một cơ hội thuận lợi. Thứ nhất, khán giả sẽ có sự chờ mong nhiều hơn. Điều này có thể thấy thông qua những lượt bình luận, tương tác trên các trang mạng xã hội. Thứ hai, các cơ quan quản lý đã nhìn nhận và đánh giá cao những giá trị, sự đóng góp của Gió Mùa đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. ‏

‏Rồi khi sản phẩm làm ra có tính cộng đồng và tạo ra sức hút với công chúng, đem tới tác động cho đời sống người dân, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn lòng đồng hành và tài trợ hơn. Chứ tầm 3, 4 năm trước, khi muốn kêu gọi tài trợ, nhiều doanh nghiệp còn chẳng biết Gió Mùa là gì, music festival ra làm sao. Có người còn hỏi “Mỗi ca sĩ chỉ hát 1 bài xong đi xuống à?” (cười).‏

‏- Khi Gió Mùa đã trở thành một thương hiệu, anh nghĩ đâu là nét đặc trưng hấp dẫn nhất?‏

‏Thực tế, điều quan trọng nhất khi đến với một festival chính là: Không khí. Khi đến với Gió Mùa, người ta tận hưởng bầu không khí lễ hội mang lại. Đó cũng là một dịp để các hội bạn bè, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, đều cùng tụ tập, dành thời gian bên nhau. Chẳng hạn, thay vì đi họp lớp, họ cùng đi Gió Mùa. Nó hoàn toàn khác với việc tham gia một đêm nhạc. ‏

‏Bên cạnh đó, không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, hiếm có lễ hội âm nhạc nào tổ chức tại một thành cổ giữa trung tâm thủ đô như Gió Mùa. Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một nhân tố không thể thiếu, góp phần làm nên nét đặc trưng của chương trình.‏

‏Trước đây, người ta thường có thói quen chỉ đi nghe những người mình biết. Nhưng khi hòa mình vào bầu không khí của Gió Mùa, dù đó là một bài hát chẳng nổi tiếng, hay là một ban nhạc hiếm ai từng nghe tên, bạn vẫn có thể tận hưởng trọn vẹn. Vẫn vui, vẫn gần gũi, và rất tự nhiên.‏

‏Có thể sẽ cần thêm thời gian để mọi người dần quen với trải nghiệm mới mẻ này, đem lòng say mê, rồi “nghiện” lúc nào không hay. Không phải tự nhiên mà chương trình có một lượng khán giả trung thành, tham gia hết năm này tới năm khác, không quản ngại đội nắng đội mưa.‏

‏- Nhiều năm liên tục tổ chức chương trình âm nhạc phi lợi nhuận, động lực lớn nhất của anh là gì? Kinh phí có phải một yếu tố trong đó?‏

‏Đối với tôi, Gió Mùa là nơi đem tới sự hứng khởi cho công chúng, giúp họ tận hưởng những tháng năm tuổi trẻ (và cả tuổi không trẻ) một cách tự nhiên nhất. Họ có thể quên đi những áp lực hằng ngày, trở về với niềm vui thuần khiết rất đỗi tự nhiên. Sự tận hưởng của khán giả chính là sự đền đáp tốt nhất.‏

‏Đồng thời, giá trị văn hóa cũng là một động lực quan trọng. Năm 2017, qua Monsoon, kênh CNN đã mời tôi là nhân vật giới thiệu về Hoàng Thành, giới thiệu về Hà Nội. Nhiều người dù sống ở Hà Nội hàng chục năm, nhưng chưa một lần đặt chân tới Hoàng Thành. Vậy thì qua các lễ hội âm nhạc, họ lại có cơ hội được hiểu hơn về nơi đây. Tôi coi đó như một sứ mệnh mà mình không thể từ chối được. Vì thế, dù gặp rất nhiều khó khăn, tôi vẫn quyết tâm đưa Gió Mùa quay trở lại.

‏5 năm tổ chức, Monsoon đã đón hơn 225.000 khán giả, hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, 125 nhân sự & ekip chuyên gia trong & ngoài nước, hơn 2.900 tình nguyện viên cùng sự hỗ trợ, đóng góp của gần 100 đơn vị đồng hành.‏

‏Còn tài chính, chắc chắn đó không phải động lực. Vì đến hiện tại, tôi cũng đã thu về đồng nào đâu (cười). Ở tuổi này, động lực kiếm tiền của tôi chưa bao giờ cao. Mặc dù chẳng giàu có gì, nhưng nhu cầu sống cũng vừa phải. Vậy thì mình cứ đi tìm niềm vui cái đã. Tôi chẳng muốn lao đầu vào làm giàu, rồi mất sạch thời gian vui chơi và tận hưởng. Như vậy, giàu có để làm gì đâu?‏

‏- ‏‏ Để tổ chức một lễ hội âm nhạc kéo dài tới 10 ngày, có những yếu tố nào cần phải tính toán kỹ? Các vấn đề outdoor (nắng, mưa…) cần xử lý thế nào?‏

‏Đã làm sự kiện ngoài trời thì rủi ro về mặt thời tiết là không thể tránh được. Thật ra, làm vào mùa nào cũng vậy. Mùa hè thì mưa rào sấm chớp, mùa đông thì mưa phùn, mùa xuân thì ẩm ướt, mùa thu Hà Nội đã là mùa đẹp nhất rồi. Đến cả những festival hàng đầu trên toàn thế giới cũng không tránh được những rủi ro như vậy.‏

‏Nói vậy thôi, chứ bản thân tôi vẫn căng thẳng lắm. Nếu mưa nhỏ lất phất thì không sao. Lỡ mưa to bão bùng thì bắt buộc phải hủy. Như vậy, mọi sự chuẩn bị của mình “đổ sông đổ biển” hết. Cho nên, cứ gần đến ngày khai mạc lễ hội, việc đầu tiên tôi làm mỗi khi thức dậy là kiểm tra dự báo thời tiết.‏

‏10 ngày tổ chức sẽ là một công trình thực sự đồ sộ, với thật nhiều mô hình cho các nghệ sĩ. Không chỉ có đêm diễn tại Hoàng Thành Thăng Long, chúng tôi còn tổ chức rất nhiều điểm diễn khác trong toàn bộ lễ hội. ‏

‏Từ đó, tôi muốn tạo nên thói quen mới cho khán giả. Họ không chỉ quanh quẩn tại những địa điểm quen thuộc như Nhà Hát Lớn, Cung Văn Hóa… mà có thể di chuyển liên tục, đến với những không gian mới lạ, miễn là phù hợp với bản thân. Họ có thể đi từ 22 Hàng Buồm sang Rạp Công Nhân, rồi lại sang khán phòng Ngụy Như Kon Tum để xem các nhóm nhạc hoàn toàn khác nhau mà chỉ mất 5-10 phút. ‏

‏Khán giả dễ dàng trải nghiệm thể loại nhạc, hay nghệ sĩ/ban nhạc mình yêu thích mà không sợ bỏ lỡ hay giới hạn. Monsoon Music Festival 2023 sẽ lan tỏa bầu không khí lễ hội bao trùm toàn Hà Nội.‏

‏Để tổ chức được mô hình như vậy, sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải tính toán, từ âm thanh, ánh sáng, nơi tiếp đón nghệ sĩ, an ninh cho mọi người… Quá trình quản trị này rất “khủng khiếp”, cũng yêu cầu một lượng lớn kinh phí. Thông thường, tổng doanh thu bán vé chỉ bù lại khoảng 30%.‏

‏- Vậy là, bao năm nay Gió Mùa vẫn “lỗ”?‏

‏Từ trước đến nay, Gió Mùa vẫn là chương trình phi lợi nhuận, chứ chưa bao giờ nhằm mục đích kinh doanh. Tôi có thể tiết lộ, chưa bao giờ dùng tiền của Gió Mùa để trả lương cho nhân viên của tôi, chứ chưa nói đến việc có tiền “cho vào túi”. Tất cả doanh thu bán vé hay tài trợ đều được dùng hết cho quá trình tổ chức.‏

‏Tất cả các ekip làm việc của tôi đều do Thanh Viet Production tự chi trả. Họ làm quần quật 9 tháng, từ sáng đến đêm, vậy phải chi trả bao nhiêu cho đủ? Cả đồng lương của chính tôi nữa? Không thể đủ được! ‏

‏- Áp lực kinh phí như vậy có quá lớn với anh?‏

‏Tất nhiên là áp lực chứ. Nhưng chắc tôi bị “đứt dây cảm xúc” rồi (cười).‏

‏Ngày xưa, có chút tích lũy, cáng đáng mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Đến hiện tại, mấy năm ảnh hưởng từ dịch bệnh đã khiến kinh tế khó khăn hơn. Riêng việc nuôi đội ngũ nhân viên của mình có lương lậu bình thường đã là giỏi rồi. Vậy bài toán chi phí của Gió Mùa phải làm sao?‏

‏Chỉ còn cách duy nhất là cố gắng làm thật tốt, tốt đến mức không phải bù lỗ nữa. Vậy thôi. Áp lực ở đây không nằm ở việc mất bao nhiêu tiền, mà là áp lực phải làm tốt việc của mình.‏

‏- Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, anh có nghĩ, nhu cầu xem show của khán giả sẽ giảm đi trông thấy?‏

‏Ảnh hưởng là chắc chắn, nhưng đồng thời, thói quen thưởng thức của mọi người cũng tăng lên. Nhu cầu về đời sống tinh thần cũng trở nên rõ ràng hơn. Thay vì cứ chăm chăm tích lũy, lo lắng cho tương lai, họ tự hỏi: Mình đang đối xử với bản thân thế nào? Đã đủ tốt chưa?‏

‏Đó lại là một lợi thế. Khi mọi người gia tăng nhu cầu tận hưởng, các hoạt động giải trí nghệ thuật cũng sẽ được đón nhận nhiều hơn. ‏

‏Dù vậy, cũng không thể bỏ qua những khó khăn đến từ kinh tế chung. Khi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn còn bị ảnh hưởng, khả năng kêu gọi tài trợ cho Gió Mùa cũng thấp đi. Chúng tôi đã phải chuyển hướng tập trung sang việc tìm kiếm nhiều nhà tài trợ nhỏ, tích tiểu thành đại.‏

‏- Từ người làm âm nhạc chuyển sang vai trò người làm kinh doanh, anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?‏

‏Tôi chẳng bao giờ thích làm doanh nhân. Vì trong ngành, chúng tôi có một kim chỉ nam thế này: Người sản xuất nghệ thuật không được là nhà đầu tư. ‏

‏Trong trường hợp, nếu là nhà đầu tư, ông muốn làm phải có lãi, vậy phải cắt giảm chi phí, phải tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm thì làm sao làm nghệ thuật đến nơi đến chốn, có chất lượng cao?‏

‏Trong trường hợp khác, tôi chỉ là người sản xuất nghệ thuật, muốn làm cho “sướng” cái đã. Nhưng “sướng” thì cũng dễ lỗ. Vậy cần có một người khác quản lý chuyện kinh doanh, lên kế hoạch budget rõ ràng. Họ sẽ là người tiết chế mình lại, đảm bảo mọi hoạt động phù hợp với ngân sách đã đề ra.‏

‏Thậm chí, những năm trước, tôi còn phải dặn nhân viên trước rằng: “Đến lúc làm, kể cả chính chú đòi chi thêm cũng cấm duyệt đấy nhé!”‏

‏- Cụ thể với Gió Mùa thì sao ạ?‏

‏Khi tổ chức Gió Mùa, chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề, bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Yếu tố chủ quan thì tự mình phải nỗ lực thay đổi, không nói làm gì. Nhưng muốn điều chỉnh yếu tố khách quan thì rất khó.‏

‏Chỉ có một cách duy nhất là chuẩn bị trước thật kỹ. Thời gian có thể lên tới cả năm trời. Thực tế, ngay từ bây giờ, chúng tôi đã bắt đầu kế hoạch chuẩn bị cho năm 2024 rồi. Quy trình luôn là như vậy mới đảm bảo tính chuyên nghiệp 100%.‏

‏- Khi Gió Mùa liên tục lỗ, anh làm thế nào để “nuôi” nhân viên của mình?‏

‏Thanh Viet Production‏‏ vẫn có nhiều kế hoạch tổ chức khác. Chẳng hạn, gần đây, chúng tôi thực hiện Concert Tour "Một Vạn Năm" của Vũ. và "Trên những đám mây" của Chillies… Bên cạnh đó, cũng có một số sự kiện khác để tăng thu nhập cho công ty. ‏

‏Nói chung là gom đủ “gạo” để “chạy ăn từng bữa” cho nhân viên, chứ dư dả thì cũng chưa tới. Lo kinh phí cho Gió Mùa vẫn là bài toán nan giải.‏

‏- Nhưng anh vẫn tiếp tục đặt niềm tin cho Gió Mùa?‏

‏Đúng vậy. Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi còn có kế hoạch tổ chức cho năm sau nữa cơ mà (cười).‏

‏Nói chung là, muốn tạo ra thành công, mình bắt buộc phải dám vượt qua nỗi sợ hãi. Còn nếu “mâm cao cỗ đầy” sẵn rồi, chỉ việc ngồi vào hưởng, thì ai mà chẳng làm được. ‏

‏Bên cạnh đó, tôi cũng có tự tin rằng, mình đang bắt đầu thay đổi nhận thức của mọi người. Rồi dần dần, họ sẽ đón nhận Gió Mùa nhiều hơn. Đồng thời, khi đã tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức, quá trình quản trị cũng sẽ tối ưu hơn.‏

‏Niềm tin của cá nhân tôi là thế.‏

‏- Cảm ơn anh đã chia sẻ!


(0) Bình luận
‏Giám đốc Thanh Viet Production: “Làm Gió Mùa không phải chuyện ngồi mát ăn bát vàng, muốn thành công phải có gan gánh lỗ”‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO