Đang giữ chức vụ Phó giám đốc (quyền Giám đốc) chi nhánh tại một ngân hàng với thu nhập 100 triệu đồng/tháng, có nhà tại thủ đô, công việc mở ra nhiều cơ hội thăng tiến nhưng anh Tạ Quý Tôn (SN 1983, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn quyết định "bỏ phố, về vườn".
Mặc lời cười chê, sự dèm pha, anh Tôn rũ bỏ bộ vest lịch thiệp, ngày ngày vác cuốc ra đồng… trồng mướp với một tâm thế tự tin, hào sảng. Chẳng ai ngờ tới một ngày, sản phẩm của anh đã có mặt tại những thị trường "khó tính" như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,…và một số nước châu Âu.
Hành trình khởi nghiệp của anh là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những ai yêu thích các sản phẩm xanh, lối sống sạch!
"Nếu sống cho một mình tôi thì đơn giản, nhưng tôi nghĩ tới lợi ích người nông dân"
Anh Tôn tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng tại Học viện Ngân hàng Việt Nam. Sau khi ra trường, anh ở Hà Nội hơn 5 năm rồi sang Úc làm việc. Sau đó, anh về Hà Nội tiếp tục làm trong ngành ngân hàng thêm 2 năm nữa. Tính đến thời điểm nghỉ việc, anh có 12 năm công tác, giữ chức vụ Phó giám đốc (quyền Giám đốc) chi nhánh tại một ngân hàng với mức thu nhập cao.
Cuộc sống ổn định, có nhà có xe nhưng anh Tôn chưa bao giờ ngừng trăn trở dự định khởi nghiệp. Vì có nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài nên anh hiểu rõ thị trường tiềm năng của sản phẩm xơ mướp. Tuy nhiên khi về nước, anh vẫn cần thời gian để làm quen với thị trường, nghiên cứu thị hiếu khách hàng và tham khảo các mô hình khác.
Cuối năm 2019, anh chính thức nghỉ việc tại ngân hàng, về quê trồng mướp để bán xơ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Không ít đối tác, khách hàng tưởng anh… nói đùa vì anh đang có một công việc mà bao người mơ ước. Người thân, bạn bè và chính mẹ của anh cũng sốc nhưng anh vẫn quyết định thực hiện ước mơ của mình.
Chuyển đổi sang một công việc hoàn toàn mới không phải là điều dễ dàng. Anh Tôn tay trắng bắt đầu từ con số 0, thậm chí là còn âm. Nhưng anh luôn lạc quan cho rằng, không ai toàn diện, chẳng ai biết mọi thứ. Điều quan trọng là mình vừa học vừa làm.
Từ lâu, anh Tôn đã đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường. Khi ở nước ngoài, anh có điều kiện tiếp xúc và thấy rất hứng thú với các sản phẩm như vậy. Anh nhận thấy ở Việt Nam, các sản phẩm này chưa được nhân rộng, sản xuất quy mô lớn nên quyết định đi theo thị trường ngách.
Ngoài ra, anh Tôn cũng trăn trở với ngành nông nghiệp theo kinh tế thị trường. Theo anh đánh giá, người nông dân và khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp khá nhạy cảm và dễ tổn thương. Họ được mùa thì mất giá, chính vụ lại bị thương lái ép giá. Giá trị nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp, trong khi ở nước ngoài, người nông dân có điều kiện kinh tế khá giả.
Anh Tôn chia sẻ: "Tôi nghĩ chỉ sống cho bản thân mình thì khá đơn giản. Công việc của tôi lo cho bản thân, gia đình không khó. Nhưng tôi muốn làm điều gì đó để lại dấu ấn cho bản thân.
Thứ hai, tôi muốn tạo ra cơ hội cho những người xung quanh cùng làm, tạo ra thu nhập ổn định. Cho đến thời điểm này, tôi tự tin nói thay vì kiếm 100 triệu từ một công việc cho bản thân thì tôi vẫn kiếm từ xã hội đủ 100 triệu nhưng chia sẻ cho nhiều người. Tôi muốn giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, người quá tuổi lao động có nguồn thu ổn định".
Trước quyết định của anh, nhiều người cho rằng anh "sướng không biết đường sướng", chỉ muốn mua muộn phiền vào người. Người gàn, người nhắc nhở, người lo lắng bởi tỷ lệ thành công rất thấp. Nhưng may mắn khi anh luôn có mẹ ở bên động viên ủng hộ. Bên ngoài thì mẹ không đồng tình nhưng vẫn âm thầm quán xuyến, hỗ trợ anh rất nhiều.
Gần như trắng tay vì dịch COVID-19, tặng mướp cho bà con để cùng nhau qua cơn hoạn nạn
Tháng 9/2019, anh Tôn thành lập công ty chuyên cung cấp, nghiên cứu phát triển sản phẩm hàng tiêu dùng từ xơ mướp. Hiện diện tích nhà xưởng và vùng nguyên liệu của anh khoảng 15 ha, diện tích liên kết với bà con nông dân khoảng 80 ha. Tổng nhân công trồng trọt, thời vụ và chuyên trách khoảng 40 người.
Thời gian hoạt động thương mại của công ty chủ yếu từ năm 2022. Còn năm 2020, 2021 gần như không có sản lượng bởi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. Sản lượng hạn chế, chủ yếu thành phẩm thu hoạch được dùng để làm mẫu chào hàng, tặng đối tác. Khách hàng rất thích và đó chính là động lực để anh tiếp tục phát triển.
Anh Tôn cho biết, số vốn khởi nghiệp của anh khoảng khoảng 500 triệu đồng. Năm đầu tiên bắt đầu công việc, anh gần như mất trắng hết, chỉ còn khoảng gần 2 mẫu ruộng đã thuê và trơ trọi giàn mướp đã dựng bởi dịch bệnh hoành hành. Trong đợt dịch COVID-19, anh đã cắt toàn bộ mướp non để gửi tặng người dân trong khu cách ly.
Sang năm thứ hai, do số vốn đã hết, anh Tôn vay mượn khoảng 1 tỷ đồng tiếp tục phát triển công việc. Không may cho anh vì thời điểm đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn và Bắc Ninh là vùng tâm dịch. Lại một lần nữa, không nề hà, anh Tôn cắt mướp non gửi tới người dân. Anh gần như mất trắng, chỉ thu về được một vài trăm triệu sau đó.
Anh Tôn trầm ngâm chia sẻ: "Tình hình kinh doanh lúc đó rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định chung tay hỗ trợ bà con. Tôi nghĩ mình chỉ là một viên sỏi, một hạt cát nhỏ trong sa mạc rộng lớn. Trong lúc hoạn nạn như vậy, tinh thần Việt Nam trong tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ mình chỉ có một ít mướp, gọi là rau xanh thôi, so với người khác thì chẳng thấm là bao.
Tôi không có tiền, chỉ có sản vật ủng hộ bà con. Dịch bệnh không biết ngày mai như nào. Chỉ thấy giờ dân khổ thì tôi cắt mướp tặng họ. Còn về kinh doanh, tôi nghĩ giờ có thể mình thiệt thòi một chút nhưng còn ý chí, còn sức, còn người thì vẫn có thể gây dựng nên cơ đồ".
Trong cái rủi có có cái may. Anh Tôn cho biết người nông dân ở các huyện trong tỉnh Bắc Ninh và một vài tỉnh lân cận do bị phong tỏa nên không bán được mướp. Họ để mướp già rồi cung cấp xơ cho anh.
Dịch bệnh anh mất hết tiền nhưng lại khiến người nông dân biết đến anh nhiều hơn. Họ tin tưởng và đồng hành cùng anh trong việc mở rộng vùng nguyên liệu. "Tiền mất nhiều nhưng niềm tin với người nông dân lại có", anh Tôn vẫn thường trêu đùa như vậy.
Còn số vốn ít ỏi, đến năm thứ 3 – năm 2023, anh mở rộng diện tích đầu tư thêm hơn chục ha. Nhiều bạn bè dần thấy được tiềm năng sản phẩm nên góp vốn đầu tư, đến nay tổng số vốn là hơn 6 tỷ đồng.
Khởi nghiệp nhất định phải có "plan" siêu chi tiết
Mất 2 năm để anh Tôn chuẩn bị tinh thần trước khi khởi nghiệp. Từ bỏ diện mạo bảnh bao, sạch đẹp, giờ anh không còn là giám đốc mà là một người nông dân thuần túy. Đôi lúc anh Tôn cũng chạnh lòng, hụt hẫng nhưng công việc bận rộn khiến anh cũng quên đi.
Trong công tác đối ngoại, anh cũng tạm thời lánh mặt. Thói quen xưa gặp gỡ đối tác, khách hàng cùng lĩnh vực thì giờ sang lĩnh vực khác, anh hạn chế tiếp xúc. Đôi lúc có những cuộc gặp, anh Tôn sẽ cố gắng chỉn chu nhất có thể. Tuy nhiên anh Tôn tự nhận mình may mắn khi tất cả những người bạn, đối tác, khách hàng đều gắn bó trên cơ sở niềm tin, tình cảm chứ không đơn thuần là quan hệ tài chính – kinh tế nên yếu tố diện mạo chỉ là một phần nhỏ.
Còn về kế hoạch khởi nghiệp, trước khi nghỉ việc ngân hàng, anh xác định 3 yếu tố tiên quyết:
Thứ nhất, xơ mướp là 1 sản phẩm tiềm năng nên tương lai có thể tạo ra nguồn thu nhập tốt.
Thứ hai, anh Tôn mong muốn doanh nghiệp của anh sẽ là chiếc đệm cho người nông dân. Nếu được giá thì người nông dân bán ra thị trường hưởng lợi nhuận. Còn nếu mất giá hoặc bị thương lái ép giá thì họ có thể giữ lại thành phẩm để bán cho anh. Và anh đã ký kết hợp tác với người nông dân trong vòng 5 năm, cố định về giá luôn để họ yên tâm sản xuất.
Thứ ba, anh Tôn đề cao ý nghĩa cộng đồng. Anh muốn lan toả những sản phẩm xanh để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, anh muốn hỗ trợ bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa. Bất kỳ nơi nào người dân đã trồng mướp, có sản phẩm thì bên anh đều thu mua. Hiện tại anh đã thu mua 19 tỉnh thành trên cả nước. Và sản phẩm của anh được đông đảo khách hàng Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng,… đặt mua. Thời gian tới, anh sẽ xây dựng đội ngũ kinh doanh để phục vụ thị trường trong nước.
Anh Tôn nhận thấy nhờ công việc tài chính ngân hàng trước đây đã giúp anh có phương thức quản lý, cách đối nội, đối ngoại, chuẩn bị dòng tiền để không bị động khi ra ngoài khởi nghiệp. Mối quan hệ có sẵn từ công việc cũ cũng hỗ trợ anh rất nhiều. Mặc dù chuyển đổi công việc có sự khác biệt nhưng anh cố gắng điều chỉnh cho phù hợp.
Trong quá trình phát triển, anh luôn đề cao tính cân bằng về nguồn lực. Ngoài ra, đẩy mạnh công nghệ số vào quản lý, marketing, bán hàng là hướng phát triển trong thời gian tới của anh.
"Lực của mình đến đâu thì làm đến đấy, mỗi giai đoạn sẽ có những hướng phát triển riêng. Nhưng điều quan trọng nhất là giữ chữ tín với người nông dân, với đối tác và với khách hàng", anh cho biết.
Cuộc đời thần tượng 2 người cùng phương châm "Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ"
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Tôn tâm sự bản thân ngưỡng mộ 2 người. Người thứ nhất là Chủ tịch hãng tăm Đông Á mà anh đã có cơ duyên gặp gỡ. Chú khiêm tốn, giản dị nhưng có ý chí quật cường.
Anh Tôn khắc sâu câu nói truyền động lực của chú: "Không quan trọng sản phẩm của mình là gì, miễn sản phẩm đó được thị trường đón nhận thì đã là thành công".
Người thứ hai mà anh Tôn khâm phục là "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ. Vị doanh nhân này từng chia sẻ: "Hãy bắt đầu làm việc nhỏ nhưng phải tham vọng lớn". Anh Tôn vô cùng tâm đắc câu nói ấy. Với xơ mướp, anh thấy cũng như vậy. Nó chỉ là một sản phẩm mà mọi người cho là phế phẩm của nông nghiệp nhưng anh Tôn luôn cố gắng đưa sản phẩm nhỏ bé, dễ thương ấy vươn ra thị trường quốc tế.
Trong kinh doanh, anh Tôn tâm niệm 3 điều quý giá, càng ngẫm anh thấy đúng đắn:
- Tâm sáng: Tâm có sáng mới giữ được chữ tín.
- Trí bền: Làm nông nghiệp trí không bền không làm được. Khởi nghiệp trí không bền coi như bỏ đi.
- Khát vọng lớn: Làm một sản phẩm nhỏ nhưng phải làm nhiều, bán được ra nước ngoài. Có rất nhiều đối tác Trung Quốc sang đặt vấn đề ký kết hợp đồng với anh Tôn. Nhưng sản lượng chưa cao nên anh muốn tập trung vào thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu trước bởi đây là thị trường "khó tính" nhưng vô cùng màu mỡ.
Ước tính đến năm 2023, doanh số bình quân của công ty sẽ đạt 40.000 – 50.000 USD/ tháng.
Từ kinh nghiệm bản thân, anh nông dân cho rằng khi muốn bắt đầu một công việc mới, mọi người cần hiểu bản thân đang có những nguồn lực gì? Bao gồm nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, hiểu biết xã hội. Điều quan trọng nhất để "bỏ phố về vườn" là thấy điều mình đang làm có xứng đáng để đánh đổi hay không? Nếu đủ đam mê, yêu thích sẽ vượt qua được khó khăn ban đầu.
10 người khởi nghiệp thì 9 người thất bại, chỉ có 1 người thành công. Anh Tôn khiêm tốn nhận mình chưa phải 1 người thành công đó, mà vẫn đang nằm trong số 9 người kia. Đừng chỉ khởi nghiệp theo xu hướng, theo trend mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Anh cho rằng phải luôn đặt câu hỏi nếu thất bại thì mình còn gì để đứng dậy? Chính vì thế, anh cũng chuẩn bị vững tinh thần cho 5 năm đầu (2021 – 2026) trong hành trình khởi nghiệp – theo anh đánh giá là quãng thời gian chông gai nhất.
"Thật ra, đến nay mọi người vẫn khuyên tôi nên về làm ngân hàng. Mô hình trồng mướp bán xơ nên để lại cho người khác. Họ khuyên tôi nên đi chậm hơn để nhìn tương lai dài phía trước. Tuy nhiên nếu như vậy thì tôi mãi quay vòng với việc đánh đổi cái này, cái kia. Bởi đau đáu một việc mà không làm được thì quay lại với việc cũ sẽ khó yên vị. Và tôi sẽ không phục chính bản thân mình", anh Tôn bật cười tâm sự.