Giải pháp giảm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Dương Trang | 18:30 06/01/2025

Khu vực doanh nghiệp phục hồi song được đánh giá là phục hồi yếu khi tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng. Để hỗ trợ cho khu vực này phát triển cần giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD…

Giải pháp giảm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Khó khăn của doanh nghiệp đến từ việc giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. (Ảnh: Int)

Khu vực doanh nghiệp vẫn khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, bức tranh đăng ký doanh nghiệp năm 2024 có nhiều điểm sáng. Theo đó:

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có những tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức 70 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn so với năm trước: số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bức tranh doanh nghiệp năm 2024 vẫn còn một số điểm đáng lưu tâm. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023; 2 tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Khó khăn của doanh nghiệp đến từ việc giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhiều cá nhân không lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên những nền tảng số, sàn thương mại điện tử để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.

Bênh cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, phần nào cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu. Không chỉ vậy, sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Ngoài ra, các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024.

Có thể thấy những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI đã góp phần khẳng định khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, ngành sản xuất đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng.

Giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

Qua kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp sản xuất trong quý IV/2024, để hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các quý tiếp theo, một số kiến nghị nổi bật của các doanh nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD, 42% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%; thứ hai là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 50,1%; thứ ba là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%. Theo địa phương, có tới 36/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân chung của cả nước (42,0%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao gồm: TP. Hồ Chí Minh 51,6%; Hà Nội 48,8%; Bắc Ninh 40,5%; Đồng Nai 35,6%.

Thứ hai, có 33,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại có 40,2% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng; ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 37,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) với 35,0%. Theo địa phương, có 32/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33,3%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao gồm: Hà Nội 36,7%; Bắc Ninh 33,6%; TP. Hồ Chí Minh 28,1%; Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 26,0% và 21,6%.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính có 25,2% doanh nghiệp kiến nghị, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như ngành sản xuất phương tiện vận tải khác với 32,4%; ngành sản xuất thiết bị điện với 31,5%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học với 30,7% doanh nghiệp kiến nghị.

Thứ tư, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho SXKD của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất trong năm 2024 tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ như TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 18,5%; Đồng Nai 24,1%.

Ngoài các kiến nghị trên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương có chính sách thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất thép nói riêng có thị trường đầu ra ổn định, lâu dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giải pháp giảm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO