Giá vàng vượt mốc 2.400 USD, nhà đầu tư nên làm gì?

Vân Chi | 09:53 13/04/2024

Vàng đã vượt mốc 2.400 USD/ounce, đạt mức cao chưa từng có vào thứ Sáu và đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn.

Giá vàng vượt mốc 2.400 USD, nhà đầu tư nên làm gì?

Lúc 14:56 GMT thứ Sáu (12/4), giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đạt mức cao kỷ lục 2.424,32 USD/ounce, so với một tuần trước đó giá tăng 4% và kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp. Vàng kỳ hạn tham chiếu (hiện là hợp đồng tháng 6) cũng tăng lên 2.442,30 USD.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng vượt ngưỡng 2.400 USD/ounce.

Giá vàng tăng đã lan tỏa sang những kim loại quý khác, đẩy giá bạch kim vượt ngưỡng quan trọng 1.000 USD/ounce lên mức cao nhất trong gần 4 tháng. Giá bạch kim đã vọt lên 1.000,80 USD/ounce (tăng 2,2% trong tuần), trong khi bạc đạt 29,6 USD/ounce (tăng 4%) và palladium đạt 1.075 USD/ounce (tăng 2,7% trong tuần).

Các chiến lược gia cảnh báo lúc này các nhà đầu tư nên cẩn trọng bởi “Đầu tư ở mức cao nhất mọi thời đại là rất rủi ro”. Giáo sư Campbell Harvey của Trường Kinh doanh Fuqua Đại học Duke, người chuyên nghiên cứu về hàng hóa, cho biết.

Lúc đóng cửa phiên thứ Sáu, giá vàng giao ngay giảm xuống 2.353,35 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6 giá 2.374,1 USD/ounce.

Người mua hàng đang đổ xô đến Costco (trụ sở tại Mỹ) để mua vàng thỏi.

Nghịch lý là giá vàng tiếp tục tăng mạnh bất chấp đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu kho bạc cũng đang tăng lên (vàng và USD/lợi suất trái phiếu thường diễn biến ngược chiều nhau).

Vàng được nhiều người coi là hàng rào chống lại tình trạng bất ổn địa chính trị vì kho lưu trữ giá trị hàng nghìn năm tuổi được coi là một khoản đầu tư có thể tồn tại lâu hơn sau thảm họa.

Theo một báo cáo tháng 1, Hội đồng Vàng Thế giới, một hiệp hội thương mại ngành vàng có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết những điểm nóng trên toàn cầu có thể đẩy giá lên cao hơn nữa trong năm nay.

Nhà Trắng cho biết, một cuộc tấn công được cho là sắp xảy ra từ phía Iran nhằm vào Israel là một mối đe dọa thực sự và khả thi, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm có thể xảy ra, đồng thời nhắc lại rằng Mỹ thực hiện nghiêm túc các cam kết bảo vệ Israel.

Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết: “Vàng tiếp tục tăng mạnh khi chúng ta đang chứng kiến nỗi lo sợ (của các nhà đầu tư) về việc bỏ lỡ cơ hội (mua)”.

Giá vàng đã tăng vọt gần đây bất chấp các nhà giao dịch giảm kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.

“Giá vàng vượt qua ngưỡng 2400 USD và tiếp tục giao dịch ở mức cao kỷ lục lịch sử. Giá tăng mạnh lúc này được thúc đẩy bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm sự ổn định của chỉ số đồng đô la và lợi suất trái phiếu, lực mua của ngân hàng trung ương và dự đoán về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Đặc biệt, căng thẳng địa chính trị và động lực đặc thù của thị trường hiện tại đang góp phần đắc lực đẩy giá đi lên vì vàng được nhiều người coi là tài sản trú ẩn an toàn”, Rahul Kalantri, chiến lược gia thị trường của Mehta Equities Ltd. nhận định.

Về nguyên nhân này, báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho biết: “Ngoài chính sách tiền tệ, sự bất ổn về địa chính trị thường là động lực chính thúc đẩy nhu cầu vàng và vào năm 2024, chúng tôi dự đoán điều này sẽ có tác động rõ rệt đến thị trường”.

“Giá vàng tăng do bất ổn địa chính trị, lượng mua của ngân hàng trung ương tăng và nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao. Do đó, các thị trường mới nổi đã chứng kiến giá tăng vào cuối tuần. Ngược lại, các thị trường châu Âu lại thể hiện hiệu quả hoạt động mạnh mẽ trong suốt tuần, được hỗ trợ bởi những dấu hiệu từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới”, Vinod Nair, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Geojit Financial Services, cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng giá tăng xuất phát từ xu hướng rộng rãi là các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản có lợi nhuận cao khi dự đoán việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Điều đó xuất phát từ việc giá vàng đã tăng gần 20% từ đầu năm đến nay. Trong khoảng thời gian đó, chỉ số S&P 500 – chỉ số mà hầu hết mọi người đều theo dõi - chỉ tăng bằng một nửa của vàng. “Chúng tôi đang chứng kiến một tình huống mà mọi người đều nâng cấp cảnh báo mức độ rủi ro. Bạn thấy đó, những thứ như S&P 500 và bitcoin đều tăng giá. Vàng là một phần trong số đó”, Campbell Harvey, giáo sư của trường ĐH Duke, cho biết.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy mức tăng ít hơn so với dự đoán, sau dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 nóng hổi được công bố chỉ một ngày trước đó.

Ngoài ra, cái gọi là giao dịch bắt chước nhau cũng đã đẩy giá lên cao vì các nhà đầu tư thấy giá vàng tăng và muốn chia sẻ lợi nhuận.

Cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra vào tháng 11/ 2024 chắc chắn cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong biến động giá cả năm nay. Giá vàng chỉ tăng 8,9% trong 3 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden, mức thấp nhất trong số 5 tổng thống Mỹ trước đây. Vàng đã tăng 31% so với cùng kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Tất nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là lịch sử sẽ lặp lại nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11.

Tham khảo: Reuters, Investing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá vàng vượt mốc 2.400 USD, nhà đầu tư nên làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO