Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2022, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC báo doanh thu đạt gần 27.200 tỷ đồng, tăng đến gần 10.000 tỷ so với năm 2021 và cũng là doanh thu cao nhất 9 năm của SJC. Lãi gộp tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên 250 tỷ đồng.
Trong năm, chi phí bán hàng quản lý doanh nghiệp đều tăng lên lần lượt 74% và 34%. Riêng chi phí tài chính tăng mạnh nhất, ghi nhận hơn 40 tỷ đồng trong khi năm ngoái âm 16 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, SJC báo lãi trước thuế tăng 23% so với năm trước lên 69 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng 20%.
Sự chênh lệch lớn về doanh thu trong 2 năm 2021 - 2022 đến từ việc giai đoạn dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh vàng bạc và trang sức chịu những tác động lớn. Hơn nữa, năm 2022, giá vàng miếng SJC có thời điểm đã lập đỉnh lịch sử - ghi nhận 74 triệu đồng/lượng, thúc đẩy nhu cầu giao dịch vàng miếng tăng đột biến.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SJC đạt 1.740 tỷ đồng. Trong đó, có đến 1.200 tỷ đồng là hàng tồn kho, còn lại chủ yếu là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Nợ phải trả đến cuối năm ngoái là 195 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, riêng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp 23 lần so với đầu năm lên 101 tỷ đồng.
Năm 2023, SJC đặt mục tiêu doanh thu tiếp tục tăng thêm 12% lên 30.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng chỉ 3%, lên 71 tỷ đồng. SJC dự tính năm 2023 tiêu thụ 36.158 lượng vàng miếng và hơn nửa triệu món nữ trang.