MarketTimes: Thưa ông, dư luận xã hội đang phản ứng khá gay gắt, nhiều đại biểu Quốc hội cũng phát biểu rất không đồng tình với việc giá bán sách giáo khoa cho học sinh tăng gấp 2-3 lần so với trước. Đề nghị ông cho biết chính sách về giá sách giáo khoa của các nước trên Thế giới và ở nước ta được xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo các tài liệu tôi nghiên cứu được thì chính sách giá sách giáo khoa của các nước trên thế giới cũng khá đa dạng. Có những nước có chính sách tương đồng nhau, nhưng cũng có những nước có chính sách khác nhau. Tuy nhiên, quy tụ lại có thể chia thành 3 nhóm:
Nhóm nước thứ nhất: Giá sách được thực hiện theo cơ chế thị trường, tuân thủ các quy định về cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Nhóm nước thứ hai: Thực hiện chính sách phát miễn phí sách giáo khoa cho học sinh, Nhà nước trả chi phí sản xuất sách cho các nhà xuất bản.
Nhóm nước thứ ba: Giá sách giáo khoa do các nhà xuất bản quy định, nhưng có sự thẩm định hoặc can thiệp ở mức độ nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Còn ở Việt Nam, chúng ta đang thực hiện chính sách xã hội hóa về lĩnh vực này, tức là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và giá sách giáo khoa được thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
MarketTimes: Vâng, thế kinh nghiệm của thế giới về các biện pháp kiềm chế giá sách giáo khoa như thế nào?.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tùy theo điều kiện của mình mà mỗi nước có những biện pháp khác nhau. Có nước quy định “tần số” thời gian thay đổi sách giáo khoa – hay còn gọi là kéo dài “vòng đời” sử dụng sách.
Có nước thì thực hiện cho vay, cho thuê sách, có những nước thực hiện chính sách xã hội hóa như nước ta thì thực hiện kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp.
MarketTimes: Cũng có ý kiến cho rằng sách giáo khoa là sản phẩm rất cần thiết tại sao lại không thuộc danh mục Nhà nước định giá?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo quy định của Luật Giá về các tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì đó là: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh; Sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đối với lĩnh vực sách giáo khoa, Nhà nước đã có chính sách cho phép thực hiện xã hội hóa, cạnh tranh và thị trường nên nó không thỏa mãn các tiêu chí trên.
MarketTimes: Phải chăng như vậy chúng ta để mặc cho thị trường điều tiết mà không có các biện pháp bình ổn giá?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Nên nhớ rằng chúng ta thực hiện cơ chế giá tổng quát là cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tức là thị trường cộng (+) với Nhà nước, chứ không phải thị trường thả nổi.
Dù lĩnh vực này đang thực hiện chính sách xã hội hóa, nhưng Nhà nước vẫn phải can thiệp bằng những hình thức thích hợp. Trước hết, chúng ta hoàn toàn có thể học tập, áp dụng kinh nghiệm kiểm soát, kiềm chế giá sách giáo khoa của các nước trên Thế giới như tôi đã nêu trên.
Trường hợp hiện tại khi chưa áp dụng các biện pháp trên mà giá tăng đến 2 - 3 lần phải được xác định là giá tăng bất thường thì cần có sự can thiệp của Nhà nước bằng biện pháp kiểm tra các yếu tố hình thành giá để loại bỏ các yếu tố tính giá không hợp lý theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điểm c, Khoản 2, Điều 26, Luật Giá.
Trách nhiệm kiểm soát này trước hết thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
MarketTimes: Xin cảm ơn ông!