Giá dầu Brent tăng 1,51 USD/thùng (1,62%) lên mức 94,53 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI hồi phục 1,35 USD/thùng (1,55%) lên mốc 88,22 USD/thùng.
Dù có dấu hiệu tích cự đang hồi phục, nhưng giá dầu thô vẫn đang ở xu hướng giảm, chưa trở lại mốc cũ trước khi lao dốc gần 8%.
Hiện chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI sản xuất trong tháng 8 của Trung Quốc đạt mức 49,4, tháng thứ 2 liên tiếp - thấp hơn mức 50 - cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất của nước này.
Xu hướng này khả năng sẽ còn tiếp tục, khi Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, khi nước này đối mặt với tình trạng bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 4.
Tình trạng thiếu điện cũng đang buộc một số nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa, điều này khả năng cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong các tháng tiếp theo, khi cả hoạt động giao thông lẫn sản xuất đều rơi vào đình trệ.
Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái khiến cho dòng tiền dịch chuyển về các tài sản an toàn, đặc biệt hiện tại USD đang ngày càng được giới đầu tư ưa thích.
Chỉ số USD Index tăng mạnh 0,67% trong tuần vừa rồi và đạt 109,53, tiếp tục gây sức ép cho các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.
Mặt khác, giá dầu càng gặp áp lực trở lại khi tuần qua G7 đã đưa ra đề xuất áp đặt trần giá lên các sản phẩm dầu của Nga, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nước khác như Ấn Độ cũng sẽ sử dụng mức giá này trên thị trường.
Dù chưa có kế hoạch cụ thể, tuy nhiên Tổng thống Ukraine cho biết ông kỳ vọng con số cuối cùng sẽ ở ngưỡng 60 USD/thùng.
Bên cạnh yếu tố lực mua bắt đáy, thông tin mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ cũng hỗ trợ thị trường.
Phía Iran cho biết, đã đưa ra phản hồi “mang tính xây dựng” để thúc đẩy dự thảo cuối cùng, trong khi phía Mỹ phủ nhận thông tin này.
Triển vọng Iran có thể được gỡ bỏ các lệnh cấm và tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày đang trở nên kém chắc chắn hơn.
Trong khi đó, 2 nguồn tin của Reuters cho biết OPEC+ có thể giữ nguyên hoặc thậm chí cắt giảm 100.000 thùng/ngày để hỗ trợ thị trường, bằng cách tạo ra một thông điệp mang tính biểu tượng.
Giá dầu liên tục giảm từ đỉnh tháng 4 đã khiến cho các thành viên, đặc biệt là Saudi Arabia, bày tỏ quan điểm rằng mức giá hiện tại không phản ánh tình hình thực tế của thị trường dầu.
Theo OPEC+, 2022 thị trường sẽ chỉ thặng dư lượng nhỏ 300.000 thùng/ngày.
Đối với giá xăng dầu thị trường trong nước, theo lịch ngày 1/9 vừa qua tới đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, nhưng do trùng với dịp nghỉ Quốc khánh 2/9, nên việc điều chỉnh được lùi lại đến chiều nay 5/9.
Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới gần đây liên tục diễn biến thất thường nên dự báo việc điều chỉnh giá bán lẻ trong kỳ điều hành tới (ngày 5/9) sẽ rất khó khăn.
Nguyên nhân giá xăng dầu thế giới tính đến ngày 1/9 có xu hướng tăng mạnh, nhưng nếu tính đến ngày 5/9 lại có xu hướng giảm với xăng.