Phiên sáng nay, dầu WTI giảm 0,37 USD/thùng về mức 77,21 USD/thùng; dầu Brent giảm 2,89 USD/thùng về mức 83,29 USD/thùng.
Giá dầu trải qua phiên biến động mạnh hôm qua, khi mở cửa trong sắc xanh, tiếp nối đà tăng nhờ những lo ngại về nguồn cung của Nga và triển vọng tiêu thụ lạc quan của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá giảm mạnh dưới sức ép từ cả các yếu tố vĩ mô và yếu tố cung cầu.
Cụ thể, trong bài phát biểu tại cuộc họp với Quốc hội Mỹ, Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh mà các số liệu kinh tế, đặc biệt là số liệu việc làm được công bố trong thời gian gần đây tốt hơn so với kỳ vọng.
Theo đó, đồng USD đã bật tăng mạnh mẽ sau tin tức này và gây sức ép lên mọi thị trường tài chính, trong đó có thị trường dầu. Chỉ số USD Index tăng hơn 1% lên 105,62 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12/2022.
Công cụ theo dõi lãi suất CME cho thấy, xác suất cho kịch bản Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm trong cuộc họp tháng 3 sắp tới đã tăng vọt lên 69,8%, và hoàn toàn áp đảo so với kịch bản tăng 25 điểm cơ bản.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang kỳ vọng mức đỉnh lãi suất của năm nay có thể tăng lên 5,5-5,75%, thay vì dưới 5,2% như các dự báo trước đây.
Động thái quyết liệt của Fed trong việc duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt khiến cho các nhà đầu tư rất lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, kéo theo tâm lý bi quan hơn đối với triển vọng tiêu thụ của dầu thô.
Hiện tại, giá dầu cũng không nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong phiên hôm qua, nên cả hai mặt hàng dầu đều có mức giảm mạnh nhất trong vòng ba tháng.
Đáng chú ý, EIA nhấn mạnh về việc tồn kho dầu ổn định và có xu hướng tăng khi sản lượng tiếp tục vượt qua mức tiêu thụ.
Điều này được thúc đẩy một phần bởi EIA nâng dự báo đối với sản lượng dầu của Nga so với báo cáo tháng trước, từ 9,9 triệu thùng lên 10,3 triệu thùng, do kỳ vọng Nga sẽ tìm được người mua ở các thị trường thay thế ngoài châu Âu.
Vì thế, các nhà phân tích của EIA cũng dự báo tồn kho dầu toàn cầu tăng sẽ góp phần làm giảm giá dầu thô giá bắt đầu từ quý III/2023. Giá dầu thô Brent giao ngay dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình 84 USD/thùng trong quý II về 81 USD/thùng vào quý IV năm nay và sau đó đạt mức trung bình 78 USD/thùng vào năm 2024.
Rạng sáng nay, Báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 03/03 cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng so với mức dự đoán tăng 0,4 triệu thùng của giới phân tích.
Trái lại, tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,8 triệu thùng và 1,9 triệu thùng, đều cao hơn so với ước tính trước đó.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 1/3 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 121 đồng/lít, xuống 22.421 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 118 đồng/lít, xuống 23.325 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 551 đồng/lít còn 20.255 đồng/lít; dầu hỏa giảm 372 đồng/lít còn 20.474 đồng/lít.Riêng dầu mazut tăng 304 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, hiện giá dầu mazut là 14.555 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ không chi từ Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mức trích từ Quỹ bình ổn với xăng RON 95-III tăng từ 0 đồng lên 200 đồng một lít; E5 RON 92 tăng lên 250 đồng một lít so với kỳ điều hành ngày 21/2.
Mức trích quỹ với dầu diesel giảm 100 đồng so với kỳ điều hành trước, về còn 500 đồng. Dầu hoả có mức trích lập vào quỹ là 300 đồng một lít, tăng 100 đồng. Riêng mức trích lập với dầu mazut vẫn duy trì 0 đồng mỗi kg như phiên điều hành trước.