Giá dầu thế giới hôm nay (31/7) giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước ở mức 80,01 USD/thùng với loại dầu WTI. Trong khi đó giá dầu Brent hiện đang ở mức 84,04 USD/thùng, giảm 1,2% với phiên giao dịch ngày 29/7.
Trong tháng 7 vừa qua, giá dầu WTI đã tăng 12,87%, giá dầu Brent cũng tăng đến 14,59% do các thành viên của OPEC+ liên tục cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Đợt tăng giá này được ghi nhận là đợt tăng dài nhất kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kiev làm đảo lộn thị trường năng lượng. Giới chuyên gia nhận định, thiếu hụt nguồn cung sẽ vẫn là nhân tố khiến giá dầu tăng trong thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Ngân hàng Trung ương Mỹ vào tuần trước đã quyết định tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, đạt phạm vi mục tiêu là 5,25% - 5,5%. Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất quỹ đạt mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Tại họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, lạm phát đã hạ nhiệt kể từ giữa năm ngoái, nhưng “vẫn còn một chặng đường dài” mới có thể đạt được mục tiêu 2% của Fed, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất sắp tới.
Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,75% - mức cao nhất trong vòng 23 năm.
Ở thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.639 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít; giá dầu tăng lên 22.792 đồng/lít sau đợt điều chỉnh ngày 21/7 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cũng trong đợt điều chỉnh ngày 21/7, giá dầu diesel tăng 884 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 869 đồng/lít lên 19.189 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 437 đồng/kg lên 15.725 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không chi và dừng trích lập vào Quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.