Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 chứng kiến sự khởi sắc của nhóm dầu khí với sắc xanh bao phủ rộng trên hầu hết các cổ phiếu. PVD, PVS, GAS, BSR, PLX, OIL,… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí một số cái tên còn tăng trên 3%. Đà hưng phấn nhiều khả năng sẽ nối dài chuỗi tăng điểm của nhóm dầu khí bắt đầu từ cuối tháng 8.
Theo nhiều đánh giá, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí có ảnh hưởng một phần từ hiệu ứng giá dầu thế giới. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá dầu Brent đã tăng gần 8% lên xấp xỉ 90 USD/thùng, cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Giá dầu leo thang trong bối cảnh các nước sản xuất dầu lớn nhiều khả năng sẽ duy trì nguồn cung thắt chặt. Ngày 31/8, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết chính phủ nước này cùng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí giảm xuất khẩu dầu thô và dự định sẽ công bố con số chính thức trong tuần tới.
Nga mới đây đã cam kết giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày (5% sản lượng khai thác của nước này) trong tháng 8 và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trước đó vào ngày 3/8, Saudi Arabia quyết định gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, đến hết tháng 9 tới nhằm hỗ trợ các nỗ lực ổn định và cân bằng thị trường dầu mỏ quốc tế.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên gần 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023, dẫn đầu là sự phục hồi của Trung Quốc và quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ ở các quốc gia châu Á khác không thuộc OECD. Mặt khác, G7 và EU đã thông qua mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu thô của Nga và có thể điều chỉnh được. Động thái này được thiết lập để hạ nhiệt giá dầu toàn cầu trong khi vẫn giữ cho thị trường nguồn cung toàn cầu ổn định.
Trong báo cáo mới đây, chứng khoán KIS đánh giá tích cực về triển vọng của nhóm dầu khí trên cơ sở nhu cầu dầu thô, khí đốt của Việt Nam vẫn đang vượt cung. CTCK này nhận định, nhu cầu lớn này sẽ thúc đẩy việc thay đổi Luật Dầu khí để đẩy nhanh dự án thượng nguồn và tăng nhập khẩu LNG. Bên cạnh đó, biên lọc dầu cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do nguồn cung thắc chặt.
Ngoài ra, chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn với mức đầu tư 10 tỷ USD dự kiến có thể được cấp giấy quyết định đầu tư (FID) vào năm 2023. Theo KIS, với vai trò là nhà đầu tư chính cho đường ống dẫn khí của dự án (51% tổng vốn đầu tư), GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi chính nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và thu cước vận chuyển khí.
Thêm nữa, các doanh nghiệp đầu ngành có nhiều cơ hội tham gia và hưởng lợi hơn từ dự án, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn như PVS và PVD. Việc thi công hơn 700 giếng khai thác tại dự án Lô B - Ô Môn có thể mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan trong những năm tới.