Giá đất không ngừng 'nhảy múa', đại biểu Quốc hội nhấn mạnh:"Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, hôm nay giá này, ngày mai giá khác"

Thảo Vân | 14:39 28/10/2024

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, hiện nay rất khó để định giá bất động sản khi mà hôm nay giá này, ngày mai đã giá khác.

Giá đất không ngừng 'nhảy múa', đại biểu Quốc hội nhấn mạnh:"Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, hôm nay giá này, ngày mai giá khác"

Sáng 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Nêu quan điểm về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, nhiều đại biểu quốc hội lo ngại tình trạng bất động sản lên cơn sốt, giá cao nhưng nhu cầu ở thực chưa nhiều.

Khó định giá đất

Theo ông Hòa, hiện nay, thị trường đang sốt giá đất, chủ sở hữu chào giá rất cao nhưng vẫn có người mua song nhu cầu ở thì không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê. Có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời.

“Thị trường bất động sản "hư hư ảo ảo", khó mà định giá, hôm nay giá này ngày mai lại giá khác", đại biểu Hoà đánh giá.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Theo ông Phạm Văn Hoà, giai đoạn sau dịch COVID-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp nào neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng. Bất động sản gần như "đóng băng", có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua, chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp, trong khi đó nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.

Ngoài ra, theo ông, hiện nay, nhà ở thương mại chủ yếu ở hạng khá trở lên, trong khi nhà cho người có thu nhập thấp thì "đếm trên đầu ngón tay".

Dẫn chứng điều này, ông Hòa phân tích, giai đoạn sau Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn phải vay tín dụng. Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán bằng 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua. Điều này cho thấy nhu cầu với căn hộ cao cấp không quá nhiều. Trong khi đó, nhu cầu ở cho người dân có thu nhập thấp là rất lớn nhưng lại không xây dựng để bán.

Chung quan điểm, đại biểu đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, giá bất động sản tăng rất cao ở nhiều thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP HCM khiến thị trường vừa phục hồi đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Đại biểu này lo lắng trước việc thổi giá, tạo sóng gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Theo bà Thuỷ, nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ, sau thời gian vất vả tìm mua nhà, nay phải gác lại vì tăng giá đột biến bất động sản, nhất là chung cư. Ngoài chung cư mới, khu nhà cũ cũng tăng vọt. Nhiều căn hộ chung cư được sử dụng vài thập kỷ nhưng giá tăng gấp đôi, gấp ba. Hệ quả là hàng nghìn hộ dân thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi bán nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người dân trục lợi. Thủ đoạn sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó tới thời gian nộp tiền thì bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực đã mua gom trước đó, từ đó thu siêu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, theo bà Thuỷ, việc đấu giá đất ở ven đô Hà Nội cũng "nóng hơn bao giờ hết". Nhiều phiên đấu giá tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn người chấp nhận "ăn trực năm chờ" để đấu được suất đất. Giá trúng cao kỷ lục.

Giá đất ở huyện ven đô nhưng cũng lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Giá đất ở 1 số thành phố vừa qua liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập đại bộ phận người dân.

Giá cao do đâu?

Lý giải nguyên nhân giá đất cao bất thường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận đinh, người mua bất động sản để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó nhiều môi giới cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người dân trục lợi. Thủ đoạn sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó tới thời gian nộp tiền thì bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực đã mua gom trước đó, từ đó thu siêu lợi nhuận.

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Ông Cường kiến nghị cần thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp. Ngoài ra là xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.

Trong báo cáo thị trường quý III, đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho biết giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ. Theo đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng một m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ leo thang, với mức 41% theo năm, lên 51 triệu đồng một m2.

Số căn hộ bán được trong quý này tại Hà Nội đạt hơn 6.800 căn, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Căn hộ trung cấp đến cao cấp dẫn đầu, đóng góp 98% lượng giao dịch. Tính chung 9 tháng, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% năm 2020. Còn phân khúc từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 29%.


(0) Bình luận
Giá đất không ngừng 'nhảy múa', đại biểu Quốc hội nhấn mạnh:"Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, hôm nay giá này, ngày mai giá khác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO