Giá cà phê trong nước ghi nhận sự phục hồi mạnh

Thu Hà | 13:04 17/02/2023

Thời gian qua, giá cà phê trong nước dù liên tục biến động lên xuống nhưng xu hướng chủ đạo là tăng.

Giá cà phê trong nước ghi nhận sự phục hồi mạnh

Theo khảo sát của Markettimes, giá cà phê tuần qua liên tục điều chỉnh tăng từ ngày 13-16/2. Ngày 13/2, giá cà phê trong nước tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận dao động từ 43.500 – 44.100 đồng/kg.

Cụ thể cà phê tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua với giá cao nhất đạt 44.000 – 44.100 đồng/kg. Tiếp sau là cà phê tại tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đạt trung bình 44.000 đồng/kg; cà phê tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với gia trung bình 43.500 đồng/kg. Giao dịch cà phê tại tỉnh Kon Tum không sôi động, tuy nhiên, giá thu mua cà phê vẫn dao động từ 43.900 – 44.000 đồng/kg.

Các phiên giao dịch sau đó giá cà phê tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 16/2, giá cà phê trong nước tăng 500 đồng/kg so với hôm trước, gần chạm mốc 45.000 đồng/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Trong phiên giao dịch ngày 16/2, cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 44.100 – 44.200 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Nông hôm nay dao động từ 44.700 - 44.800 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 44.900 đồng/kg.

Còn trong phiên giao dịch hôm nay (17/2), giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg. Hiện cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 43.700 – 43.800 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Nông hôm nay dao động từ 44.300 - 44.400 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 44.500 đồng/kg.

image001.png
Trong tuần qua, Gia Lai và Kon Tum có chung mức giao dịch cà phê trong nước.

Giá cà phê đã phục hồi trở lại trong thời gian gần đây nhưng các chuyên gia cho rằng, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.

Năm 2022 là một rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Trong năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta tăng gần 14% so với năm 2021, trong khi sản lượng chỉ tăng 9% từ 1,74 triệu tấn lên 1,89 triệu tấn (theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ). Thậm chí, sản lượng cà phê thu hoạch vào cuối năm 2022 được bị dự báo sẽ giảm từ 10% đến 15% do mưa lớn ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch. Như vậy, tổng nguồn cung xuất khẩu trong năm nay có thể sẽ thấp hơn so với năm ngoái, và điều này sẽ khiến ngành xuất khẩu cà phê khó duy trì được mức tăng trưởng như năm 2022.

Những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê. Vào cuối năm 2022, Liên minh Châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn.

Tại Việt Nam, tình trạng ken, đốt gốc thông, bạch đàn để chiếm đất trồng cà phê không còn quá xa lạ và đã từng là vấn nạn quan tâm hàng đầu đối với việc phát triển ngành cà phê. Sắc lệnh mới của Châu Âu không chỉ đưa đến sự nghiêm ngặt đối với hàng cà phê xuất khẩu mà còn là một nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững hơn của ngành cà phê khi không chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng mà cần chú ý hơn đến vấn đề năng suất.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 vừa qua, cả nước đã xuất khẩu 142,5 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch hơn 310 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đã giảm mạnh đến 38% cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, theo MXV, xuất khẩu giảm đột biến trong tháng 1 nguyên nhân chủ yếu do bà con hạn chế bán hàng nghỉ Tết Nguyên Đán. Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Lễ, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay đã tăng 2% về lượng và chỉ giảm 3,6% về trị giá.

Dù đứng trước muôn vàn khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023, thị trường chung vẫn có những điểm sáng mới để kỳ vọng.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu dự báo, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được bảo đảm cả về sản lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.


(0) Bình luận
Giá cà phê trong nước ghi nhận sự phục hồi mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO