Với các quốc gia có tốc độ và bao phủ internet cao, truy cập mạng là điều gì đó quá đỗi bình thường. Nhưng với người dân ở những khu vực không có internet hoặc tốc độ mạng chậm, chi phí đắt đỏ, đặc biệt ở những quốc gia ở châu Phi, các vệ tinh internet của Elon Musk đã thay đổi cuộc sống của họ.
Chỉ cần mang chảo Starlink ra ngoài và cắm nó. Hai phút sau, bạn có cả thế giới trong lòng bàn tay mình, một người sử dụng internet vệ tinh cho biết.
Đua nhau mua Starlink
Khi bộ sản phẩm Starlink ra mắt vào tháng 9 năm ngoái ở Zimbabwe, Alois Kachere quyết định đặt mua với hy vọng mình sẽ là người đầu tiên trong khu phố sở hữu thiết bị đầu cuối internet tốc độ cao.
Nhưng những người khác đã làm điều đó trước anh: "Starlink đã đạt công suất tối đa tại khu vực của bạn", anh đọc trên trang web. Bộ sản phẩm Starlink đã được bán hết tại nơi Kachere sống ở Harare, thủ đô của Zimbabwe.

Quá tải vì nhu cầu, Starlink cũng bán hết ở các quốc gia châu Phi khác, bao gồm các thành phố lớn ở Nigeria và một số quận ở Kenya.
Kachere, một kỹ sư mạng, không biết sẽ phải đợi bao lâu để sở hữu thiết bị Starlink, nhưng anh quyết tâm có được bằng mọi cách. Anh đã đặt cọc 50 USD để xếp hàng trong danh sách chờ của Starlink. "Kể cả khi phải đợi đến tháng 1 năm sau, tôi cũng không quan tâm. Miễn là không phải sử dụng các mạng khác", anh nói với Rest of World.
Nhiều năm tốc độ chậm, tình trạng mất kết nối thường xuyên và chi phí dữ liệu quá cao đang khiến nhiều người dân Zimbabwe rời xa các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước. Sự không hài lòng đã thúc đẩy làn sóng tìm đến Starlink và dịch vụ này đã bán hết chỉ sau bốn tuần ra mắt.
Starlink, một bộ phận thuộc SpaceX của tỷ phú Elon Musk, cung cấp internet tốc độ cao thông qua các vệ tinh quỹ đạo thấp, chủ yếu nhắm vào các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa nơi cơ sở hạ tầng internet truyền thống còn thiếu.
Bằng cách sử dụng các vệ tinh đặt gần Trái đất, Starlink cung cấp tốc độ nhanh hơn với độ trễ thấp hơn, khiến nó trở nên lý tưởng cho các khu vực chưa được phủ mạng như Châu Phi và các nước đang phát triển khác.

Econet — nhà mạng di động lớn nhất Zimbabwe, thuộc sở hữu của tỷ phú Strive Masiyiwa — "không tốt nhưng lại rất tốn kém", theo Kachere.
Telecel, nhà mạng nhỏ nhất trong ba nhà mạng hoạt động tại Zimbabwe, trong nhiều năm đã phải trải qua tình trạng mất mạng kéo dài khiến khách hàng không thể truy cập.
Andrew Chitsa, một tài xế xe tải ở Harare, cũng cảm thấy thất vọng về các nhà cung cấp dịch vụ internet địa phương. Anh nói rằng một khi Starlink khả dụng, chắc chắn sẽ đặt hàng.
"Phí dữ liệu ở Zimbabwe rất đắt so với các quốc gia khác trong khu vực", Chitsa nói với Rest of World.
Giải pháp internet nhanh, rẻ
Trước khi Starlink có mặt, người dân Zimbabwe phải chịu chi phí dữ liệu cắt cổ, phải trả tới 20 USD cho chỉ 10 GB dữ liệu mỗi tháng. Gói 30 GB của Econet có giá 38 USD, trong khi NetOne tính phí 50 USD cho 50 GB. Với cùng mức phí, các nhà cung cấp internet ở Nam Phi đã cung cấp dữ liệu không giới hạn.
Trong khi đó, Starlink tính phí một lần là 350 USD (9 triệu đồng) cho bộ thiết bị ban đầu và thêm 50 USD/mỗi tháng cho gói tiêu chuẩn với dữ liệu không giới hạn. Starlink Mini, phiên bản nhỏ gọn hơn, chỉ có giá 30 USD mỗi tháng cho dữ liệu không giới hạn.
Mức giá cạnh tranh của Starlink đã buộc các nhà cung cấp địa phương phải hạ giá. Vào tháng 6, Econet giới thiệu băng thông rộng tốc độ cao với giá 45 USD/tháng. Các ISP nhỏ hơn như Powertel cũng hạ giá dữ liệu không giới hạn xuống còn 30 USD.

William Chui, một kỹ thuật viên lắp đặt Starlink, cho biết đã lắp đặt khoảng 300 bộ sản phẩm trên khắp các vùng ngoại ô phía bắc giàu có của Harare kể từ khi công ty ra mắt. Nhu cầu vẫn tiếp tục tăng.
Chui cho biết những người Zimbabwe giàu có là những người dùng sớm nhất. Chi phí trả trước cao của bộ thiết bị ban đầu khiến Starlink không thể tiếp cận được với những khu vực có thu nhập thấp hơn ở Harare.
Trong khi đó, ở những quốc gia như Bolivia, nhiều người tìm cách mua các bộ thiết bị Starlink lậu để cải thiện tình trạng internet chập chờn.
Chỉ có 73% người Bolivia có thể truy cập internet vào năm 2022, tụt hậu so với nước láng giềng Brazil và Chile, nơi có hơn 80% và gần 89% dân số trực tuyến. Bolivia cũng có tốc độ internet chậm nhất trong toàn bộ Châu Mỹ Latinh.
Trên các trang Facebook , những người bán ở Peru và Chile — nơi Starlink được cung cấp hợp pháp — hứa hẹn giao hàng trực tiếp, trong khi những người khác đi ra nước ngoài để mua chúng.
Năm ngoái, Ricardo Guillén, nhà sáng tạo nội dung đến từ Santa Rosa, một ngôi làng trong rừng rậm ở miền trung Bolivia, đã mua bộ Starlink từ một người bán hàng người Peru, người đã đích thân đến giao cho anh.
"Tốc độ của Starlink thật đáng kinh ngạc, và từ 'không giới hạn' có nghĩa là chúng ta có thể làm việc, tải xuống, tải lên mà không bị gián đoạn", Guillén nói. Nó tốt hơn một số dịch vụ cáp quang có sẵn ở đây".
Jacob Mtisi, Tổng giám đốc điều hành Hamsole, một công ty công nghệ thông tin và truyền thông tại Harare, dự đoán rằng các nhà khai thác internet địa phương có thể giữ chân được khách hàng ở thành thị nhờ "cơ sở hạ tầng mạnh mẽ", nhưng tác động của Starlink sẽ lớn hơn ở các vùng nông thôn và khu vực chưa được phục vụ đầy đủ.
Ông cho rằng, các nhà khai thác và ISP địa phương cần thích ứng với bối cảnh cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tìm hiểu quan hệ đối tác với các nhà cung cấp vệ tinh.