Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án

Minh Hằng | 18:39 29/08/2024

Tập đoàn này muốn tham gia một dự án trọng điểm về giao thông ở Việt Nam.

Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án

Theo đó, vào chiều 28/8 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở quốc gia tỷ dân.

Tại buổi tiếp, ông Wang Hai Huai cho biết, trong 30 năm qua, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đã thực hiện hơn 30 dự án ở Việt Nam, bao gồm cảng biển, các khu công nghiệp, các công trình điện gió… với tổng giá trị hợp đồng lên tới hơn 3 tỷ USD.

Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) vào chiều 28/8. Ảnh: VGP

Lãnh đạo CCCC cho hay, với mức độ hội nhập sâu rộng, hành lang pháp lý cùng môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ là các điều kiện rất thuận lợi để cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.

Hiện nay, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đang theo sát những dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối các địa phương của Trung Quốc – Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc – Nam (dự án 70 tỷ USD) và những tuyến Metro tại Hà Nội, TP HCM…

Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án - Ảnh 2.

Minh họa đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: AI

Ngoài ra, lãnh đạo CCCC bày tỏ, tập đoàn sẵn sàng thực hiện những dự án điện gió ở gần bờ và ngoài khơi với các công nghệ tiên tiến nhất.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của CCCC, Phó Thủ tướng đề nghị tập đoàn này chủ động trong công tác nghiên cứu và tham gia vào những dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, những tuyến đường sắt khổ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, và Hà Nội – Đồng Đăng, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, giúp kết nối kinh tế của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và giữa Việt Nam với một số nước khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đó là các công trình ưu tiên và cần phải được triển khai càng sớm càng tốt. Vì vậy, CCCC cần sớm tiếp cận những đối tác Việt Nam, cũng như nghiên cứu quy định pháp luật của hai bên nhằm triển khai hợp tác hiệu quả nhất (từ thiết kế, lựa chọn công nghệ cho đến quản lý, vận hành và khai thác). Việc này từ đó sẽ mở ra giai đoạn mới về phát triển hạ tầng ở Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa CCCC với những đối tác Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao về chất lượng hàng đầu của các công trình và công nghệ chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo mà CCCC thực hiện trong thời gian qua. Phó Thủ tướng mong muốn tập đoàn sẽ tiếp tục được khẳng định ở Việt Nam và thông qua hợp tác sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được công nghệ mới cũng như quản trị hiệu quả hơn.

Tập đoàn nổi tiếng của Trung Quốc đang làm ăn ra sao?

Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án - Ảnh 3.

Lãnh đạo CCCC cho biết, tập đoàn đang theo sát những dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối với các địa phương của Trung Quốc - Việt Nam. Ảnh: VGP

Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) được thành lập vào năm 2005, sau khi Công ty Xây dựng Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC) được hợp nhất. CCCC hiện có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc và được coi là một trong những "nhà thầu" hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng; sản xuất thiết bị công nghiệp nặng (bao gồm cẩu trên cảng và máy khoan hầm), bất động sản và phát triển đô thị.

CCCC chính thức được niêm yết lần đầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vào ngày 15/12/2006. Sau đó, tập đoàn này được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) vào ngày 9/3/2012. Nhờ việc được niêm yết trên cả hai sàn giao dịch lớn đã giúp tập đoàn huy động nguồn vốn đáng kể nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đầu tư vào những dự án lớn ở trong và ngoài nước.

Tại Trung Quốc, CCCC tham gia xây dựng nhiều dự án cầu, đường cao tốc lớn. Trao đổi với Xinhua, kỹ sư trưởng Lin Ming của CCCC từng cho biết, tập đoàn đã giải quyết được các thách thức lớn về mặt kỹ thuật của cầu Hong Kong - Châu Hải - Macau (cây cầu vượt biển dài nhất thế giới) trải dài 55 km, với vốn đầu tư 20 tỷ USD, trong quá trình xây dựng công trình này. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có đóng góp lớn trong việc xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc.

Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án - Ảnh 4.

CCCC tham gia xây dựng cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Ảnh: CGTN

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, CCCC đã thành lập được 280 cơ sở ở 123 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Năm 2022, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc được xếp hạng thứ 60/500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo Tạp chí Fortune). Doanh thu của tập đoàn trong năm 2023 ước tính đạt khoảng 106 tỷ USD.

CCCC không phải là một cái tên xa lạ ở Việt Nam. Theo đó, tập đoàn này bắt đầu hoạt động ở Việt Nam kể từ năm 1996. Trên thực tế, CCCC đã thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở Việt Nam, chẳng hạn như Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Cảng Cái Mép – thị Vải; Nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận…

Bài tham khảo nguồn: CCCC, Xinhua, CGTN, VGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Gặp Phó Thủ tướng, tập đoàn hàng đầu TQ từng rót hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ mong muốn làm 1 dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO