PlasticPeople (PP) là một startup khá thú vị trong giới khởi nghiệp Việt. DN này ra đời vào năm 2018, sau vài lần gặp gỡ giữa Nestor Catalan đến từ Tây Ban Nha và Mariano ‘Nano’ Morante từ Argentina. Dự án đầu tiên mà họ thực hiện là vào tháng 9/2019. Các sản phẩm của PP hoàn toàn 100% từ nhựa tái chế, không thêm hoá chất hoặc keo phụ gia. Hiện PP hiện có 20 người với công xưởng duy nhất đang đặt ở TP.HCM.
Nhân dịp PlasticPeople lọt vào Top 5 Thử thách Tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò với ông Nano, nhằm tìm hiểu xem startup này đặc biệt như thế nào để lọt vào mắt xanh của các giám khảo cuộc thi.
HIỆN CÓ KHOẢNG 400 GIA ĐÌNH VÀ NHIỀU DN ĐANG GỬI RÁC THẢI NHỰA ĐẾN CHO PLASTICPEOPLE
Một công ty sẽ cần rất nhiều chi phí để vận hành. Ông đã đầu tư vào doanh nghiệp như thế nào?
Chúng tôi bắt đầu từ những bước rất nhỏ bé, từ số tiền mà chúng tôi có và từ những khoản tiền hỗ trợ nhỏ đến từ những người thân/bạn bè tin tưởng vào sứ mệnh của DN và vào con người Nester – Nano. Và tất nhiên vào cái tên PlasticPeople; People – con người và Plastic – rác nhựa.
Chúng tôi bắt đầu thành lập tháng 9/2019 và tháng 12 năm đó, tôi và Nester đã nói với nhau rằng, năm 2020 sẽ là năm tuyệt vời nhất (cười). Covid-19 thật kinh khủng, với rất nhiều startups. Chúng tôi phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với nhân viên của mình. Đó không chỉ là câu chuyện về lương thưởng; chúng tôi còn phải quan tâm đến con người của mình. Vì họ là gia đình của chúng tôi!
Cũng may, sau 2 năm cao trào Covid-19, doanh nghiệp vẫn tồn tại. Và sở dĩ chúng tôi có thể sống sót qua Covid-19, là bởi những nhân viên của PlasticPeople thấu thiểu rằng: họ không chỉ làm một dự án đơn thuần, họ đang tạo ra những ảnh hưởng tốt và dự án sẽ lan tỏa với nhiều thành phố, nhiều quốc gia hơn. Ví như trong ngắn hạn, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng ra Hà Nội.
Từng có một cô gái gọi điện tới cho chúng tôi và nói rằng: cô ấy muốn gửi rác thải để tái chế. Theo đó, chúng tôi đã chỉ cho cô ấy cách phân loại rác đúng, rồi mới chuyển chúng tới cho PlasticPeople. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi như vậy. Hiện tại, thường xuyên có khoảng có 400 gia đình gửi rác thải từ nhà họ cho chúng tôi. Trước đây, mỗi 2 tuần chúng tôi có 1 núi rác thải đủ để bắt tay vào tái chế và giờ chỉ mất 1 ngày để thu gom đủ lượng rác thải đó.
Cộng sự của tôi nói rằng: chúng tôi đang trao đi những hi vọng. Và tôi tin điều đó!
Tôi nghĩ rằng người Việt và các gia đình tại Việt Nam rất muốn tái chế rác thải nhưng họ không biết nên làm như thế nào và cũng có rất ít công ty tại Việt Nam làm công việc đó.
Đó là vấn đề chung trên toàn cầu. Có những sự hiểu lầm về tái chế rác thải. Tái chế là một ngành công nghiệp. Khi Covid-19 xảy ra, giá dầu giảm, các sản phẩm nhựa mới rẻ hơn nhựa tái chế. Nhiều công ty đã đóng cửa. Nhưng sau khi giá dầu tăng, sản phẩm nhựa tái chế rẻ hơn, họ quay lại sản xuất vì nó mang lại lợi nhuận.
Họ không hoạt động giống như công ty của chúng tôi, chúng tôi tái chế vì mục đích của chúng tôi luôn là như vậy. PlasticPeople ra đời không chỉ với mục tiêu kinh doanh, nó còn là mục tiêu tác động lên xã hội, ‘giúp đỡ’ môi trường và khiến trái đất này phát triển bền vững.
Có những người sản xuất ra vật liệu, sau đó họ sản xuất lại từ các vật liệu không bán được, đó không phải là tái chế vì họ vẫn đang tạo ra rác thải. Có nhiều người nhìn thấy những sản phẩm - như tấm ván/bảng tái chế của chúng tôi, họ trầm trồ vì chất lượng của nó nhưng cũng hoài nghi về kết cấu, kiểu ‘liệu chúng tôi có cho thêm nguyên liệu gì ngoài vật liệu tái chế không?’. Sự thật là không!
Chúng tôi đã tái chế 550 tấn rác thải trong 2 năm và tôi không có 1 tấm gỗ/ván nào trong văn phòng làm việc của mình; tất cả chúng đều được sử dụng trong nhà hàng, khách sạn, tại các doanh nghiệp… Rồi khi mọi người thấy sản phẩm của chúng tôi ở các công trình khác nhau, họ thấy đẹp - chụp hình - đăng lên mạng xã hội; đã giúp thương hiệu của PlasticPeople được biết đến nhiều hơn. Điều đó khiến tôi tự hào và hạnh phúc về đội ngũ của mình.
THỊ TRƯỜNG TÁI CHẾ RÁC THẢI LÀ ‘ĐẠI DƯƠNG XANH’
Ngoài hợp tác với các hộ gia đình để thu gom rác, PlasticPeople còn làm việc với các doanh nghiệp nữa, đúng không thưa ông?
Đúng vậy. Chúng tôi có 3 nguồn thu gom rác thải chính: từ cá nhân; từ các nguồn không chính thức như người thu gom rác thải - từ các khu tập kết rác thải; và nguồn thứ 3 là các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách phân loại rác trước, sau đó chuyển đến và xử lý. Chúng tôi sẽ tính lượng rác thải nhận được, lượng rác thải tái chế được và các doanh nghiệp có thể sử dụng số liệu trong các báo cáo bền vững của họ. Đó là cách hợp tác hai bên cùng có lợi.
Việt Nam cũng giống như đất nước tôi – Argentina, có rất nhiều gia đình không biết cách tái chế rác thải. Nhưng khi họ biết, họ sẽ hướng dẫn và tạo ảnh hưởng tốt lên những đứa trẻ trong gia đình về chuyện phân loại – thu gom rác thải. Và khi chúng tôi hướng dẫn mọi người cách phân loại rác thải, chúng tôi cũng đồng thời chỉ cho mọi người thấy ‘rác thải tái chế có thể làm những gì’.
Hiện các sản phẩm của chúng tôi đã được sử dụng ở những dự án như Wink Hotel, Rang Rang Cafe, Pizzza 4’P…và rất nhiều công trình khác. Khi bạn nhìn thấy chúng, bạn sẽ cảm thấy được truyền thêm động lực, để tiếp tục tái chế rác thải. Chúng tôi luôn theo dõi lượng rác thải thu được và với mỗi 30kg rác thải nhận được, chúng tôi sẽ gửi lại người quyên góp 1 món quà tái chế, để họ cảm thấy như chính họ đã làm ra nó.
Ông có thể chia sẻ về dự án với Highlands Coffee?
Một trong những quan hệ đối tác chính của PlasticPeople là Highlands Coffee. Dự án của PP bao gồm: thu gom và phân loại rác thải tại Highlands, sau đó xử lý tại các trung tâm xử lý khác nhau (tùy theo loại chất thải). PlasticPeople xử lý nhựa và chuyển đổi thành vật liệu sản xuất nội thất trong những cửa hàng tiếp theo của Highlands, tạo thành vòng tuần hoàn xử lý rác thải của chuỗi cà phê nổi tiếng.
Highlands Coffee đã cho chúng tôi thấy: họ thực sự muốn thay đổi. Chúng tôi có 1 dự án thử nghiệm với họ, nhưng đó là 1 dự án khó khăn với rất nhiều thách thức. Highlands đến với chúng tôi và nói: chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này. Đó là hành trình cần nhiều nỗ lực nhưng họ đã nhận thấy tầm quan trọng của nó.
Và họ không dùng dự án hợp tác với chúng tôi cho mục đích marketing, hay nôm na là ‘tẩy xanh’ (greenwashing). PlatisticPeople chỉ làm việc cùng những doanh nghiệp có cùng chung hệ giá trị, dựa trên đạo đức và sự chính trực, không vì mục đích truyền thông đơn thuần.
Khách hàng của PlasticPeople là những ai?
Khách hàng của tôi gồm có cá nhân và cả doanh nghiệp. Tôi thích bán hàng cho khách hàng cá nhân vì tôi thích giao tiếp trực tiếp với người dùng; nhưng không thể phủ nhận: khách hàng doanh nghiệp là 1 phần quan trọng với chúng tôi.
Chúng tôi cũng có những khách hàng là công ty xây dựng. Có công ty xây dựng nói rằng: vật liệu của PlasticPeople đắt và tôi nói ‘không sao, hãy quay lại đây với các vật liệu mà anh thu gom được sau khi xây dựng xong; tôi trả tiền cho anh’. Đó là vòng xoay tái chế, để PlasticPeople tạo nên tấm gạch/gỗ mới. Đó là một cách chúng tôi hợp tác với các bên!
Ông có nghĩ rằng thị trường tái chế rác thải là ‘đại dương xanh’?
Những ngày đầu tiên, khi chúng tôi muốn làm 1 dự án để tái chế rác thải, thì chúng tôi đã nhận ra: các phương pháp tái chế truyền thống chỉ có thể tái chế 15% lượng rác thải và 85% còn lại vẫn chưa được xử lý. Vì vậy, tôi và cộng sự của mình bắt đầu suy nghĩ chúng ta có thể làm gì với 85% đó.
Chúng ta sẽ hình dung câu chuyện thế này: các rác thải nhựa chủ yếu có nhựa PP, PET & PE; ví dụ: 1 chai nhựa thông thường, chúng ta có: nhựa PE ở phần thân, nhựa HDPE ở phần nắp chai và nhãn chai - có nhiều lớp gồm nhiều loại nhựa khác nhau. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có thể tái chế phần thân, một số tái chế phần nắp, nhưng không ai tái chế phần nhãn mác chai - họ thường vứt hoặc đốt chúng đi.
Các doanh nghiệp tái chế nói chung trên thị trường thường cạnh tranh nhau xử lý những loại nhựa như thân và nắp chai, vì chúng mang lại giá trị cao; nhưng những loại nhựa giá trị cao đó chỉ chiếm 15% rác thải nhựa trên thị trường. Còn PlasticPeople tái chế tất cả các loại nhựa của chai nhựa - tức là 100%!
Ví dụ khác đó là về vỏ gói bim bim/snack, nó bao gồm 1 lớp nhựa bên ngoài, 1 lớp nhôm và sau đó là 1 lớp nhựa bên trong. Phương pháp tái chế truyền thống sẽ là tách từng lớp ra, còn giải pháp của chúng tôi là làm sao để tái chế chúng cùng nhau mà không tách từng lớp. Chúng tôi không muốn lãng phí nước. Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng, độ bền cao và an toàn với mức tiêu dùng tài nguyên tự nhiên như nước – năng lượng thấp nhất có thể.
Chúng tôi còn hướng dẫn mọi người những cách chuẩn bị nguyên liệu cho việc tái chế đơn giản nhưng hữu ích. Ví dụ: nếu mọi người uống 1 ly cà phê đựng trong cốc nhựa tại nhà, họ sẽ rửa ly đó sau khi uống xong, rồi mới thu gom tái chế. Bởi nếu ly đó không được rửa và cà phê bị đọng lại, sẽ tốn rất nhiều nước để rửa sạch nó trước khi đưa vào công xưởng để tái chế. Chúng tôi cần mọi người biết đều đó và có trách nhiệm thực hiện chỉn chu với lựa chọn tốt của mình. Đó là nhựa của bạn!
SẼ MỞ RỘNG RA HÀ NỘI VÀ CAMPUCHIA TRONG TƯƠNG LAI GẦN
Ông có dự định tìm nhà đầu tư cho doanh nghiệp trong tương lai gần?
Tôi không muốn chia sẻ công ty của mình, sau khi cả hai chúng tôi đã trải nghiệm rất nhiều thứ cùng nhau. Tuy nhiên, chúng tôi dự định mở 1 trung tâm tái chế rác thải tại Hà Nội và muốn tìm kiếm 1 nhà đầu tư ở đó. Tôi đã nói chuyện với một vài người tại Hải Phòng và tôi nghĩ một nơi ở giữa Hải Phòng và Hà Nội sẽ rất lý tưởng. Tôi tin rằng người dân Hà Nội cũng cần hỗ trợ trong cách tái chế rác thải.
Theo quan điểm của tôi: khi chúng ta cho mọi người 1 con đường rõ ràng, họ sẽ đóng góp và cống hiến hết mình cho nó. Tôi biết hiện đang có tất nhiều người Việt Nam muốn đóng góp cho môi trường và xã hội, chỉ là chưa biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta nghĩ: một cá nhân là quá nhỏ để tạo ra thay đổi, nhưng mỗi người như chúng ta cùng chung sức sẽ tạo nên tương lai tốt hơn và chúng ta nên hành động ngay bây giờ.
Chúng tôi bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng đang dần dần lớn hơn. Chúng tôi đã nói chuyện với mọi người ở Campuchia, ở Nepal, Bangladesh, Indonesia. Chúng ta cần nghĩ lớn hơn và sẽ còn rất nhiều điều cần làm ở phía trước!
Vậy PlasticPeople có đang gặp khó khăn gì không?
Chúng tôi đang gặp một vấn đề về mở rộng quy mô hoạt động. Chúng tôi đã thực hiện các dự án ngắn hạn và giờ chúng tôi cần sự hỗ trợ để đưa doanh nghiệp lên một tầm mới, ví dụ từ xử lý 1 tấn rác thải lên 5 tấn rác thải 1 ngày.
Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự giúp đỡ, ví dụ như từ Liên minh xử lý rác thải hoặc các chuyên gia. Hoặc từ những doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính tốt, có sẵn thiết bị và dễ tiếp cận tài chính. Có những doanh nghiệp nhỏ, họ có mục đích tốt, nhưng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều ý tưởng hay, không chỉ là về tái chế rác thải, nhưng không thể phát triển được vì hạn chế về nguồn lực.
Ông cảm thấy sao khi PlasticPeople lọt vào Top 5 Thử thách Tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á?
Đó là một cảm giác vô cùng tuyệt vời! Chúng tôi rất tự hào khi được lựa chọn là một trong top 5 nhà đổi mới sáng tạo. Sự hỗ trợ của chương trình cũng rất tuyệt vời khi chúng tôi được gặp gỡ những người thú vị, có những kiến thức sâu sắc trong ngành và được xuất hiện với truyền thông nhiều hơn.
Với vai trò là nhà đổi mới tại Việt Nam duy nhất lọt Top thử thách này, chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu về doanh nghiệp và giải pháp của mình với truyền thông, cũng như tự hào là một trong những nhà đổi mới bền vững của Việt Nam.
Cảm ơn ông rất nhiều!