TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác thải 13.000 tỷ đồng ở huyện Củ Chi

Nguyên Trang | 15:45 28/12/2022

Hai dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn trên địa bàn huyên Củ Chi với tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng do Công ty Trisun Green Energy Corporation (Úc) và Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư, bị UBND TP.HCM xem xét thu hồi do chậm triển khai.

TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác thải 13.000 tỷ đồng ở huyện Củ Chi
Một góc bãi rác Đa Phước do Công ty TNHH Chất thải rắn Việt Nam (VWS) vận hành.

Tại cuộc họp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư và các sở ngành liên quan xem xét, đề xuất thu hồi chủ trương thực hiện dự án xử lý rác thải của Công ty cổ phần Tasco và Công ty Trisun Green Energy Corporation (Úc). Yêu cầu này được đưa ra sau buổi làm việc về chuyên đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt hồi giữa tháng 12/2022.

Cụ thể, dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Công ty Trisun Green Energy Corporation được cấp phép năm 2017, rộng 13 ha tại khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Công trình có tổng đầu tư khoảng 520 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng), với công suất tiêu hủy 1.000 tấn rác thải rắn và 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày.

Còn nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn do Công ty cổ phần Tasco thực hiện ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày. Công trình đã được khởi công cách đây 4 năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng quá trình triển khai chậm trễ do vướng thủ tục.

Cũng tại cuộc họp trên, ông Bùi Xuân Cường yêu cầu các sở, ngành liên quan: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Công Thương,… rà soát, tổ chức kiểm tra thực địa, làm việc với các chủ đầu tư về công nghệ xử lý, pháp lý quy hoạch, sử dụng đất,... để xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, đưa dự án đi vào vận hành.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý để báo cáo Thủ tướng về đề xuất cơ chế đặt hàng đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt công suất đối với các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các nhà máy hiện hữu.

Đây là các dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đối với trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, không đảm bảo các quy định pháp lý đầu tư hiện hành thì đề xuất biện pháp chế tài hoặc thu hồi dự án.

Hiện mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM có khoảng 10.000 tấn rác thải phát sinh, trong đó 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư rất cao, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế,…

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện, tuy nhiên mục tiêu đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài 2 dự án xử lý rác thải, trên địa bàn TP.HCM còn các công trình xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sau 1 năm nhưng đến nay đều chưa xong.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác thải 13.000 tỷ đồng ở huyện Củ Chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO