Thêm loạt “tin vui” về quy hoạch và hạ tầng
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế; là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.
Đánh giá về định hướng, ưu tiên phát triển của Bình Dương tại hội nghị ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh thực hiện “3 tiên phong”.
Thứ nhất tiên phong kết nối vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là kết nối giao thông hạ tầng.
Theo đó, Bình Dương sẽ tập trung vào việc mở rộng các kết nối giao thông tới cảng biển, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo động lực cho sự chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới. Đặc biệt là các kết nối tới cảng biển Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước.
Đồng thời, phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai (gồm: Vành đai 3; Vành đai 4; Vành đai 5 vùng Tp.HCM). Mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương.
Thứ hai, tiên phong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ để phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, công nghệ cao, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cả nước).
Về hạ tầng khu công nghiệp, Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích đất hơn 13.600 ha để sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ đầu tư thêm 10 khu công nghiệp mới với diện tích lớn để thu hút đầu tư.
Như vậy, với mục tiêu đặt ra để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ và xây dựng các khu đô thị mới, tạo đà cho một chu kì phát triển mới. Điều này dự báo sẽ tác động đến bộ mặt kinh tế -xã hội của tỉnh.
Bất động sản “đảo chiều” vào cuối năm?
Giữa bối cảnh bất động sản phía Nam vẫn còn những “nốt trầm”, nhiều người đặt niềm tin vào thị trường Bình Dương khi xung lực về nguồn cung lẫn sức cầu căn hộ tại đây vẫn rất dồi dào.
Trong báo cáo quý 3/2024, đại diện Batdongsan.com.vn khẳng định, Bình Dương là tiêu điểm thị trường bất động sản phía Nam với nhiều động lực phát triển. Mức độ quan tâm bất động sản nơi đây tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ chung cư.
Trong khi đó, các địa phương khác như Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai có mức tăng từ 17% - 22%. Các khu vực của Bình Dương như Dĩ An, Thủ Dầu Một và Bàu Bàng mức độ quan tâm bất động sản tăng lần lượt là 20%, 11% và 10% so với quý trước đó.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills cho rằng, nguồn cung giá hợp lý tại Tp.HCM ngày càng khó tìm. Vì thế trong tương lai, sản phẩm mới chủ yếu sẽ được giới thiệu ở Bình Dương, khu vực giáp ranh với Tp.HCM. “Rõ ràng người mua ở Tp.HCM phải chuyển đến khu vực này để có thể sở hữu nguồn cung giá cả phải chăng”, bà Giang nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra 3 động lực để thị trường bất động sản Bình Dương kì vọng “đảo chiều” vào thời điểm cuối năm nay.
Thứ nhất là nhu cầu mua nhà ở thực tại Bình Dương rất lớn. Tỉnh này đứng thứ hai cả nước về tỷ suất nhập cư với 26,4%.
Thứ hai, Bình Dương có thế lớn về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ đô thị hóa và triển vọng quy hoạch tích cực.
Thứ ba, nguồn cung bất động sản Bình Dương vẫn chiếm ưu thế lớn hơn so với các tỉnh vệ tinh Tp.HCM. Vì thế, sự lựa chọn của người mua đa dạng hơn. Chưa kể mặt bằng giá tốt, vị trí đi lại thuận lợi đã kích thích nhu cầu bất động sản gia tăng.
"Hiện nay để giảm áp lực về quỹ đất và chi phí đô thị, Tp.HCM đang hướng tới mở rộng đô thị ra các tỉnh lân cận như Bình Dương. Việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, giúp các khu vực ngoại thành trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và người dân.", bà Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc ban hành các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản. Các quy định pháp luật mới này hứa hẹn sẽ cải thiện hiệu quả sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Dù chưa thể khẳng định Bình Dương có thể “lật thế cờ” cho cả thị trường địa ốc phía Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên những tín hiệu về nguồn cung, sức cầu và các thông tin quy hoạch liên tục xuất hiện, nơi đây được kì vọng sẽ tạo nên sự nhộn nhịp, làm tan dần những "nốt trầm" vốn còn hiện diện trên thị trường bất động sản.