“Năng nhặt thì chặt bị” - khi còn nhỏ, ai trong chúng ta chẳng từng một lần nghe cha mẹ nhắc nhở về tầm quan trọng của tiết kiệm và kiểm soát từng đồng tiền kiếm được. Và một trong những mẹo tài chính được cha mẹ ưa chuộng là ghi chép từng khoản thu chi vào cuốn sổ giấy - một vật dụng quen thuộc, có thể là tuổi thơ lớn lên cùng biết bao thế hệ.
Và khi trưởng thành, không khác gì cha mẹ, nhiều người trẻ cũng bắt đầu ghi chép lại từng khoản tiêu dùng hàng ngày. Tuy nhiên, không còn là ghi chép trên giấy, họ chuyển sang lưu lại khoản chi tiêu bằng app, cũng là một xu hướng tài chính đang được giới trẻ bàn tán thời gian gần đây.
“Đã từng nghĩ mình sống tiết kiệm lắm cho đến khi xài app chi tiêu”
Đó là kết luận của Đ.T (29 tuổi, TP.HCM) sau khi dùng app quản lý chi tiêu được 1 năm. Đ,T chia sẻ, do đã mua được nhà cộng thêm tâm lý chủ quan do có nguồn thu nhập khá tốt từ 2 công việc nên anh chàng không quá để tâm đến quản lý tài chính. Anh từng cho rằng, việc ghi chép từng khoản tiêu dùng vụn vặt gây tốn kém thời gian và đánh mất nhiều niềm vui trong cuộc sống.
“Khi chưa dùng app, mình đơn giản là cuối tháng còn bao nhiêu thì mang đi đầu tư hoặc gửi vào sổ tiết kiệm. Thú thật, mình cũng từng chưa bao giờ để ý chi tiền cho hạng mục nào, cân đối thu chi có ổn không. Ngẫm lại thì đó cũng là lý do mà có những tháng, mình tiêu hết sạch tiền lương từ 2 công việc, không để riêng được đồng nào. Sau đó, mình bắt đầu dùng app chi tiêu vì không muốn tình trạng này cứ tiếp diễn từ tháng này qua tháng này”, Đ.T chia sẻ.
Đ.T bắt đầu dùng app quản lý chi tiêu từ đầu năm 2023. Thời gian đầu, anh chàng có ý định từ bỏ dùng app vì ngại ghi chép từng khoản thu chi hàng ngày. Tuy nhiên, vì thấy app thực sự giúp mình trong kiểm soát tài chính nên Đ.T vẫn duy trì sử dụng chúng cho đến hiện nay.
“Dùng app xong mới thấy mình tiêu tiền như đi ăn cướp” - là lời nói đùa của Đ.T với bạn bè về việc dùng app quản lý chi tiêu. Anh chàng cho hay: “Khi chưa dùng app, mình biết bản thân tiêu tiền hoang phí. Song vì tháng nào cũng có tiền tiết kiệm thế nên mình chưa bao giờ để ý đến việc kìm bớt tốc độ mua sắm.
Sau này dùng app, mình mới phát hiện, hóa ra mình chi tiêu gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây. Lấy ví dụ tất cả khoản tiêu dùng cố định trong tháng (tiền sống ở chung cư, học tập, ăn uống, xăng xe, tập thể dục, góp tiền mua ô tô) - mình từng nghĩ chỉ dành 25 triệu đồng/tháng là cùng. Nhưng thực tế, con số là 30-40 triệu đồng/tháng.
Lúc phát hiện mình tiêu hoang phí thì bản thân khá tiếc. Vì nghĩ rằng, nếu sống tiết kiệm từ trước thì số tiền đó có thể dùng vào mục đích tốt hơn. Nhưng sau đó, mình coi đó là ‘học phí’ để mua lại kinh nghiệm quản lý tài chính khôn ngoan hơn cho những lần sau”.
Một trường hợp khác, Mỹ Duyên (23 tuổi, Hà Nội) dùng app quản lý chi tiêu từ tháng 5/2023. Cô nàng nhớ lại, từ một quảng cáo, cô nàng mới bắt đầu tìm hiểu về app quản lý chi tiêu và chọn ra app phù hợp với mình. Rồi sau một thời gian tải về, xóa app rồi dùng lại app, cô nàng nhận thấy hạn chế của chúng là bắt người dùng phải nhập thu chi hàng ngày. Bù lại, app chi tiêu đã giúp cô nàng khá nhiều trong quản lý tài chính.
“Nó giúp mình biết được bản thân đang tiêu tiền hay cần hạn chế ở hạng mục tiêu dùng nào. Chẳng hạn, mình cố định chi phí cho giao lưu chỉ khoảng 300-500 ngàn đồng/tháng. Thế nhưng tầm nửa tháng đó, mình coi lại app mà thấy khoản tiền đang tiêu quá mức cho phép thì mình sẽ biết kiềm chế lại.
Hoặc riêng về tiền ăn uống, trước khi không dùng app, mình đã từng chi rất nhiều cho khoản này. Tuy nhiên, sau khi dùng app thì mình đã có thể nhắc bản thân: ‘Ok, mình phải giới hạn khoản ăn uống li’.
Và từ đó, mình thay đổi thói quen của mình, đó là từ ăn ngoài chuyển sang nấu ở nhà nhiều hơn, hoặc là lựa chọn thực phẩm rẻ để giảm tiền ăn uống. Hay ví dụ, có những khoản tiêu dùng mình nghĩ cần tăng tiền đầu tư cho chúng như đi tập thể dục, theo đuổi khóa học,... mình nhìn vào app chi tiêu và từ đó thay đổi lối sống của mình”, Mỹ Duyên nói.
Ngoài ra, app chi tiêu không chỉ giúp cô nàng cho “phần chi” mà còn có lợi cho “khoản thu”. Đơn cử như Mỹ Duyên từng có 2 nguồn thu nhập từ công việc văn phòng và công việc làm thêm bên ngoài. App quản lý chi tiêu sẽ giúp cô nàng theo dõi tổng thu nhập hàng tháng, cũng như cách cô phân bổ thu nhập vào các khoản tiêu dùng khác nhau.
“Giờ mình đã nghỉ việc fulltime nên càng cần phải biết dòng tiền của mình như thế nào để có thể cân đối chi tiêu sao cho hợp lý hơn. App đã một phần giúp đỡ mình trong chuyện đó”, cô nàng nhận định.
Có ý định dùng app chi tiêu trong tương lai?
Dẫu biết app chi tiêu có lợi cho kiểm soát tài chính nhưng không phải người trẻ nào cũng có ý định gắn bó lâu dài với chúng. Có vô vàn lý do dẫn đến lựa chọn này, chẳng hạn như họ lười ghi chép khoản tiêu dùng hàng ngày, hoặc việc xài app đem lại áp lực cho họ,...
Tuấn Linh (26 tuổi, Hà Nội) là một trong số đó. Anh chàng chỉ dùng app chi tiêu được 1 tuần sau đó xóa bỏ vì cảm thấy chúng không phù hợp với bản thân.
Anh chàng cho biết: “Không phải mình ít chi tiêu đến mức không cần ghi chép lại vào app. Mà ngược lại, mình có quá nhiều khoản tiêu xài, dẫn đến việc dùng app khiến bản thân mệt mỏi vì phải ghi từng khoản một. Sau khi xóa app, mình đỡ áp lực hẳn”.
Thay vì dùng app chi tiêu, Tuấn Linh thấy việc kiểm soát tài chính sẽ nhẹ nhàng hơn nếu anh đặt ra cột mốc dành bao nhiêu thu nhập cho tiết kiệm, chi phí sinh hoạt và đầu tư.
Chẳng hạn, Tuấn Linh đặt mục tiêu cuối tháng phải cất riêng được 20% cho khoản đầu tư và 10% cho tiết kiệm thì dù anh chàng tiêu tốn bao nhiêu tiền cho chi phí sinh hoạt cũng được, miễn cuối tháng hoàn thành kế hoạch cất riêng tiền để ra.
Ở diễn biến ngược lại, có những người chia sẻ bản thân sẽ gắn bó lâu dài với app chi tiêu, vì chúng giúp họ ý thức hơn trong tiết kiệm và quản lý tài chính. Đ.T và Mỹ Duyên đều chia sẻ không chỉ tiếp tục dùng app chi tiêu mà họ còn có ý định giới thiệu cho người khác.
Mỹ Duyên cho hay: “Mình đã từng giới thiệu app cho bạn bè. Bởi mình thấy có nhiều bạn xung quanh có thu nhập tốt. Nhưng họ lại không biết tiền của mình tiêu vào đâu, hoặc chỉ biết đại khái về các khoản tiêu dùng. Đến khi họ được hỏi: ‘Tiền của bạn ở đâu, mà bây giờ lại không có tiền rồi lại đi mượn này kia?’, thì mình đã giới thiệu cho họ dùng app để kiểm soát thu nhập hiệu quả hơn”.
Đồng quan điểm, Đ.T nhấn mạnh thêm rằng dùng app chi tiêu có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào sự kỷ luật và tự giác của mỗi người. Hơn thế nữa, bên cạnh ghi chép lại các khoản tiêu dùng, bạn cũng cần chi tiêu hợp lý và tiêu xài phù hợp với tiền lương kiếm được thì mới xây dựng được nền tảng tài chính vững bền.