Dubai trông ra sao trước khi bùng nổ thành siêu đô thị trong lòng sa mạc: Diện mạo thực sự có thể khiến nhiều người kinh ngạc

Anh Dũng | 14:12 10/07/2024

Nhiếp ảnh gia Shukla, hiện 85 tuổi, kể lại câu chuyện cuộc đời mình như một nhà thám hiểm lên đường tìm vận may và cơ hội. Tại đây, ông chứng kiến sự thay đổi phi thường của một quốc gia giàu có hàng đầu thế giới.

Dubai trông ra sao trước khi bùng nổ thành siêu đô thị trong lòng sa mạc: Diện mạo thực sự có thể khiến nhiều người kinh ngạc

Chuyến đi thay đổi đời người

“Tôi không nổi tiếng, chiếc máy ảnh của tôi nổi tiếng”.

Ramesh Shukla lấy ra một chiếc máy ảnh Rolleicord, món quà sinh nhật mà cha của ông đã tặng từ 70 năm trước. Đó cũng chính là chiếc máy ảnh ông mang theo khi rời Ấn Độ năm 1965, chụp lại các nhà lãnh đạo chính trị và sự hình thành của một quốc gia.

Nhiếp ảnh gia Shukla, hiện 85 tuổi, kể lại câu chuyện cuộc đời mình như một nhà thám hiểm lên đường tìm vận may và cơ hội. Năm 26 tuổi, Shukla lên tàu từ Bombay (nay là Mumbai) đến Các Quốc gia Đình chiến (Trucial States) nay là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ông đến cảng Sharjah chỉ với 1 USD trong túi và vài cuộn phim. Ông quá giang một chiếc xe lừa, rồi sang một chiếc xe máy đến Dubai. Khi ấy, Dubai không phải là đô thị hào nhoáng mà là một làng chài bụi bặm giữa sa mạc mênh mông, không có đường đi.

Shukla nhớ lại: “Nhà tôi không có nước, không có điện. Điều đó thật khó khăn”. Nhưng ông vẫn ra ngoài, chụp lại những ngư dân, thợ lặn ngọc trai và người cưỡi lạc đà sống ở khu định cư nhỏ ven biển.

Nhưng bước ngoặt đã xuất hiện phía chân trời. “Chế độ bảo hộ của Anh” tại Các Quốc gia Đình chiến sắp kết thúc và dầu mỏ được phát hiện ở Vịnh Ả Rập vài năm trước đó. Những đợt xuất khẩu dầu đầu tiên bắt đầu mang đến sự giàu có cho số dân ít ỏi tại đây. Vào thời điểm đó, rất ít người đủ kiến thức, kỹ năng để chụp được những bức ảnh chất lượng như Shukla.

Cuộc đời của nhiếp ảnh gia Shukla đã thay đổi khi ông tham dự một cuộc đua lạc đà ở Sharjah vào năm 1968. Tiểu vương từ nhiều tiểu vương quốc khác nhau đã tham dự ngày hôm đó. Và Shukla đã chụp bức ảnh các vị lãnh đạo đang ngồi dọc theo đường đua.

Trong số đó có Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan, cố tiểu vương của Abu Dhabi, người được gọi là “cha đẻ” của UAE. Ngày hôm sau, Shukla trở lại trường đua, đưa bức ảnh cho Sheikh Zayed, cầu xin sự ban phước của ông. Điều đó đã thay đổi mọi thứ.

Shukla chụp lại khoảnh khắc trong cuộc đua ngựa.

Nhiếp ảnh gia chụp lại lịch sử

Sau cuộc đua lạc đà, Shukla được mời tham dự các sự kiện chính thức với tư cách là một nhiếp ảnh gia, tiếp cận những địa điểm và con người mà vài năm trước ông chỉ dám mơ tới.

Ông gắn bó với hoàng gia và Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum, người cai trị Dubai cho đến khi ông qua đời vào năm 1990. Shukla đã được hoàng tộc khuyến khích ở lại. Vì vậy, vào năm 1970, vợ và con ông đã cùng đến Dubai.

Gia đình Shukla năm 1970.

Neel Shukla, con trai của Ramesh Shukla, kể lại: “Nơi tôi lớn lên có một căn phòng khách, nhà bếp và một phòng ngủ. Chúng tôi có món thalis, theo phong cách ăn uống của người Ấn Độ. Đó là một chiếc đĩa thép và bạn đặt các loại rau, dal và roti khác nhau lên đó. Chiếc thali đó cũng được dùng để ăn và tráng phim”.

Neel nhớ rằng mọi thứ khi đó đều khan hiếm, đặc biệt là lượng nước có hạn được những con lừa vận chuyển từ các giếng trên sa mạc đến. Nước dùng để rửa ảnh phải được đo lường chính xác. Vợ của Shukla – Tara - đóng một vai trò quan trọng trong công việc của chồng. Trong khi chồng chụp ảnh, Tara sẽ ghi lại các thông số kỹ thuật ảnh hưởng đến cách rửa ảnh sau này, chẳng hạn như ánh sáng, độ phơi sáng và tốc độ màn trập.

Ramesh Shukla nói: “Không có gia đình, vợ và con trai, tôi không thể làm được gì cả”.

Bức ảnh mang tính lịch sử

Vào ngày 2/12/1971, Shukla được mời tham dự một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với khu vực. Đó là lễ ký kết thỏa thuận thống nhất 6 tiểu vương quốc: Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Umm Al-Qaywayn, Fujairah và Ajman thành Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Người dân UAE ai cũng có thể lập tức nhận ra bức ảnh Shukla chụp Sheikh Zayed ký tuyên bố thống nhất. Thậm chí, 50 năm sau, bức ảnh này được đưa vào tờ tiền 50 dirham mới, in năm 2021, để kỷ niệm 50 năm thành lập UAE.

Bức ảnh nổi tiếng nhất của Shukla là bức ảnh chụp các tiểu vương vào ngày UAE được thành lập (12/1971)

Chiếc máy ảnh nổi tiếng thế giới

Shukla tiếp tục chụp lại Dubai và UAE trong suốt thập niên 1970, 80 và 90. Ông vẫn còn “hàng trăm” cuộn phim về thời kỳ này chưa tráng. Ông vẫn đang tiếp tục công việc của mình, vài năm lại tung ra những hình ảnh hiếm chưa từng thấy về các nhà lãnh đạo trong các cuộc triển lãm.

Để truyền lại di sản của mình, Shukla, với sự giúp đỡ của con trai, đã thành lập một phòng lab tối để dạy cho thế hệ nhiếp ảnh gia trẻ người UAE về kỹ thuật chụp và rửa ảnh.

Shukla và chiếc máy ảnh của mình.

Khóa học “masterclass” kéo dài một năm, miễn phí thông qua tổ chức chính phủ Dubai Culture. Ông Shukla hy vọng nó sẽ mang đến cho các nhiếp ảnh gia trẻ cơ hội đạt được những kỹ năng đang bị mai một kể từ khi nhiếp ảnh kỹ thuật số ra đời.

Trong những năm qua, ảnh của Shukla đã được biên soạn thành sách và trưng bày trong các cuộc triển lãm như một nhân chứng sống về sự hình thành đất nước. Mặc dù tên và chân dung của ông xuất hiện trên nhiều cuốn sách và áp phích, nhưng ông khẳng định rằng chiếc máy ảnh Rolleicord đã làm mọi việc.

“Tôi đã nói với cha tôi rằng ‘Bố ơi, một ngày nào đó con sẽ làm cho chiếc máy ảnh này nổi tiếng thế giới’. Đây là giấc mơ của tôi”, ông chia sẻ.

Với hàng triệu cuốn sách được bán ra trong vài năm qua, có thể nói rằng nhiếp ảnh gia Shukla đã đạt được nguyện vọng.

Tham khảo: CNN


(0) Bình luận
Dubai trông ra sao trước khi bùng nổ thành siêu đô thị trong lòng sa mạc: Diện mạo thực sự có thể khiến nhiều người kinh ngạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO