Đưa xe điện vào dịch vụ giao vận, cuộc đua mới đang âm thầm diễn ra giữa các doanh nghiệp vận chuyển?

Khánh Vy | 09:07 26/05/2023

Ngày càng nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics và giao nhận áp dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh như Ahamove, Gojek, Beamin,...

Đưa xe điện vào dịch vụ giao vận, cuộc đua mới đang âm thầm diễn ra giữa các doanh nghiệp vận chuyển?

Nhiều đơn vị vận tải, logistics - giao nhận đưa xe điện vào hoạt động

Kể từ năm 2022 đến nay, thị trường Việt Nam chứng kiến một trào lưu mới khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và giao nhận chuyển hướng từ xe xăng sang sử dụng xe điện.

Năm 2022, Ahamove, một doanh nghiệp vận tải, đã bắt tay cùng ông lớn VinFast cho ra mắt dịch vụ vận chuyển công nghệ và chở khách bằng xe điện, thực hiện thí điểm đầu tiên tại Đà Nẵng. Mô hình hoạt động theo hướng khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho khách hàng và thu nhập cho đối tác tài xế.

3238_image003.jpg
Ahamove x VinFast

Tiếp đó, Lazada Logistic (thuộc sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam) đã bắt tay hợp tác cùng Selex Motors, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện thông minh để đưa 100 chiếc xe máy điện vào hoạt động giao hàng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023.

selex-motors-lazada.jpg
Lazada Logistic x Selex Motors

Theo đơn vị này, những chiếc xe này đều là mẫu xe máy điện “bán tải” đầu tiên ở Đông Nam Á, với năng lực vận tải vượt trội và khả năng tiết kiệm chi phí vận chuyển so với các phương tiện truyền thống, tính trên cùng một quãng đường. Ngoài ra, xe được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT và có chi phí bảo trì thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông.

Hay vào hồi đầu năm 2022, Honda Việt Nam và Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bắt tay hợp tác để triển khai thử nghiệm khoảng 70 xe vào việc giao hàng bằng mẫu xe máy điện Honda Benly e:.

5800168_honda.jpg
Honda Việt Nam x Bưu điện Việt Nam

Trong tháng 4 vừa qua, ứng dụng giao đồ ăn Baemin cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Selex Motors để triển khai việc sử dụng xe máy điện của các đối tác tài xế, nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Ứng dụng giao đồ ăn Baemin mong muốn hỗ trợ tài xế chuyển sang xe máy điện từ phương tiện xe xăng truyền thống, góp phần giúp họ tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển đơn hàng.

baemin-3-1682815455510180412401.jpg
Baemin x Selex Motors

Mới đây nhất, Gojek, nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á, cùng Dat Bike, một trong những thương hiệu xe máy điện của Việt Nam, đã công bố hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek tại Việt Nam.

Với quan hệ hợp tác này, Gojek trở thành hãng gọi xe công nghệ đầu tiên tại Việt Nam triển khai vận chuyển hành khách bằng xe máy điện, bên cạnh các dịch vụ theo yêu cầu khác, và là nền tảng công nghệ đầu tiên hợp tác với Dat Bike.

6434404_datbike-gojek-tinhte-3.jpg
Gojek x Dat Bike

Xu hướng trên thế giới

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện trong lĩnh vực giao vận đang ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Đài Loan và Indonesia đều đang đẩy mạnh các phương án phát triển xe điện và có lộ trình chuyển đổi sang xe điện 100% cho tới năm 2035.

Tại Trung Quốc, nơi được coi là thị trường xe điện số một thế giới hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng xe điện. Đơn cử như Meituan, hãng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc từng ký với Li Auto, hãng xe điện lớn thứ hai thế giới hiện tại xét về giá trị vốn hóa thị trường, để cho phép đơn vị sử dụng tài sản trí tuệ (IP) của nhà sản xuất ô tô nhằm phát triển các phương tiện giao hàng tự động vào năm 2021.

Meituan sẽ trả cho Li Auto một khoản phí dựa trên cả tỷ lệ không được tiết lộ và số lượng xe mà hãng sản xuất dựa trên IP được cấp phép, theo hồ sơ. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hy vọng thỏa thuận này sẽ mang lại lần lượt 500.000 NDT (77.208 USD), 10 triệu NDT và 27,5 triệu NDT trong 3 năm cho đến năm 2023, theo Caixin Global.

5e2db448-bdea-11eb-9b2e-758b3029e26f_image_hires_162750.jpg

Có thể thấy, việc sử dụng các phương tiện giao hàng bằng điện đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội. Giao hàng bằng xe điện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với các phương tiện truyền thống mà chi phí bảo trì thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông và góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, việc quản lý vận hành cũng trở nên dễ dàng cho doanh nghiệp khi có sẵn hạ tầng các trạm đổi pin tự động, được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT. 

Đặc biệt, chính phủ nhiều nước đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi sang phương tiện xanh. Tại Việt Nam, vào tháng 7/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan ngành giao thông vận tải. Chương trình đặt mục tiêu chuyển đổi sang hoàn toàn dùng xe buýt điện vào 2025, taxi điện năm 2030. Đến 2050, có 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe điện. Vì vậy, việc các doanh nghiệp vận tải kết hợp phương tiện sử dụng điện sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ nhà nước.

Ngoài ra, mức độ nhận diện và quan tâm về xe điện của người dân đang dần được nâng cao. Theo trang web đánh giá xe máy Motorcyclesdata, tốc độ tăng trưởng xe máy điện tại Việt Nam năm 2021 là 10%, tăng gấp 3 lần so với 2019. Điều này thể hiện xu hướng tăng trưởng nhanh bất chấp tác động từ đại dịch.

Không chỉ xe điện hai bánh, xu hướng chuyển đổi sang ô tô điện hứa hẹn sẽ thêm phần hấp dẫn khi từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đưa loại hình này vào hoạt động dịch vụ vận tải chở khách như: GSM, Lado, Én Vàng, ASV Airport Taxi,...


(0) Bình luận
Đưa xe điện vào dịch vụ giao vận, cuộc đua mới đang âm thầm diễn ra giữa các doanh nghiệp vận chuyển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO