Nếu bạn có thể gạt bỏ những cảm xúc cá nhân khi đầu tư, bạn có thể trở thành nhà đầu tư tài ba.
Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trong việc nghiên cứu hành vi, nhà tâm lý học Daniel Crosby (tác giả cuốn "Hành vi nhà đầu tư") cho biết các nhà đầu tư dễ dàng trở thành "con mồi" của 4 loại thành kiến cố hữu này. Nhưng khi bạn lưu tâm đến chúng, bạn có thể học cách kiểm soát hoặc khai thác chúng, biến chúng trở thành lợi ích tài chính.
Đề cao cái tôi cá nhân
Mọi người đều có cái tôi cá nhân, giúp tạo ra cảm giác tự tin vào khả năng và phán đoán của chính mình. Trong một số trường hợp, cái tôi đó cũng có thể trở nên mạnh mẽ quá mức.
"Những người tự tin vào bản thân có nhiều khả năng trở nên kiên cường và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp. Trong khi đó, những người có cái tôi mạnh mẽ thường hạnh phúc hơn và có nhiều khả năng trở thành doanh nhân thành công. Đồng thời giúp họ chống lại những thất bại, sự thất vọng và mất mát", Crosby nói.
Tuy nhiên trong đầu tư, sự tự tin thái quá có thể khiến bạn trả giá. Crosby đưa ra ví dụ rằng nhiều người muốn nghe những gì họ tin thay vì nghe sự thật đối lập với niềm tin của họ. Ông cũng trích dẫn nghiên cứu cho thấy rằng vì cái tôi cá nhân, nhiều người có thể trở nên cố thủ hơn với những niềm tin sai lầm của bản thân.
Xu hướng bảo thủ
Đầu tư luôn đi kèm rủi ro. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư mong muốn rót vốn vào những thứ quen thuộc hoặc có kiến thức hiểu biết thực sự có thể làm tăng rủi ro đó.
Ví dụ, một người làm trong ngành công nghệ, mua nhà ở trung tâm công nghệ như San Francisco (Mỹ) và đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu công nghệ. Kết quả là triển vọng tài chính của người này phụ thuộc lớn vào "sức khoẻ" của lĩnh vực công nghệ. Bởi anh dành phần lớn thời gian và tiền bạc cho công nghệ, trên các mặt bao gồm việc làm, tài sản và danh mục đầu tư. Khi lĩnh vực này bị "tổn thương", anh ta có thể gặp khó khăn tài chính.
Ví dụ khác, không ít nhà đầu tư thường mặc định rằng họ sẽ đầu tư vào chứng khoán Mỹ. Bởi họ cho rằng chứng khoán không phải của Mỹ có tính rủi ro cao.
Xu hướng chú ý
Con người có xu hướng chú ý nhiều hơn đến tin xấu hoặc các sự kiện có tính cao trào, ít khi xảy ra. Chẳng hạn là một người bị cá mập tấn công hay máy bay đâm vào tòa nhà. Chúng có thể bóp méo nhận thức của nhà đầu tư về sự rủi ro.
Crosby cũng lưu ý rằng tình trạng quá tải thông tin có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Khi có quá nhiều "cây" thông tin, nhà đầu tư có thể bị lạc trong rừng và không tìm thấy "cây cổ thụ".
Xu hướng cảm xúc
Cảm xúc và trực giác có thể bảo vệ con người trong một số tình huống đặc biệt, giúp họ tìm ra lối đi chính xác. Mặt khác, chúng cũng có thể khiến nhà đầu tư hành động hấp tấp và thực sự quên đi việc chính cần làm.
Để giải thích rõ hơn, Crosby lấy ví dụ về chiếc bánh rán. Bạn có thể đã nghe không ít tác hại về đồ ăn chiên rán. Nhưng khi căng thẳng tột độ, khả năng cao bạn sẽ tìm đến chiếc bánh rán để giải tỏa hơn là tiêu thụ đồ lành mạnh như măng tây.
Khi thị trường biến động, nỗi lo lắng có thể khiến bạn đưa ra những phán đoán và quyết định không chính xác. Hay trong trường hợp vui mừng, sự lạc quan có thể bóp méo cảm nhận của bạn về mức độ rủi ro thực tế.
Làm gì để vượt qua 4 cố hữu này?
Crosby cho biết các nhà đầu tư có thể tìm cách vượt qua 4 thành kiến trên theo nhiều cách. Song ông cũng đề xuất những chiến lược sau:
Đầu tiên là đừng kiểm tra tài khoản đầu tư của bạn hàng ngày. Bạn không nên đắm mình trong số liệu, đừng để những sự kiện tiêu cực chi phối các quyết định đầu tư một cách không cân xứng.
Tiếp theo, hãy là người khiêm tốn. Bạn không thể biết trước tương lai và không bao giờ có thông tin hoàn hảo để đặt cược chắc chắn vào một cổ phiếu hay lĩnh vực nào đó. Do vậy, nhà đầu tư nên đa dạng hóa các danh mục đầu tư để giảm khả năng tổn thất.
Cuối cùng là sử dụng cảm xúc để tạo lợi thế tài chính. Crosby để cập đến nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ có thu nhập thấp có khả năng tiết kiệm được gấp đôi số tiền khi họ dành khoản tiết kiệm đó cho con cái.
Theo CNN