Dù khó khăn, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng đứng đầu ASEAN, gấp 3,5 lần Thái Lan

Dy Khoa | 18:34 26/04/2025

Đây là tín hiệu khả quan cho kinh tế Việt Nam.

Dù khó khăn, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng đứng đầu ASEAN, gấp 3,5 lần Thái Lan

Mới đây, Ngân hàng Thế giới công bố dự báo tăng trưởng cho các nước ASEAN khác, trong đó Việt Nam dự kiến ​​dẫn đầu với mức 5,8%, Philippines với mức 5,3%, tiếp theo là Indonesia với mức 4,7%, Campuchia với mức 4% và Thái Lan với mức 1,65%, theo tờ FMT (Malaysia).

Theo báo cáo, sau giai đoạn ảm đạm của năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài tăng mạnh, giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng tới 15,5% trong năm 2024. Cùng với đó, lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận dấu hiệu khởi sắc nhờ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn hơn và nguồn cung dự án mới tăng trở lại, tạo đà cho đầu tư tư nhân trong nước.

Các diễn biến khả quan đã giúp thị trường lao động cải thiện đáng kể. Tăng trưởng việc làm trong ngành chế biến chế tạo đã tăng lên 3,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 11/2024, so với mức giảm 2,3% của một năm trước đó. Thu nhập thực tế tăng 4,8%, cao hơn đáng kể so với mức 1,3% của năm 2023, nhờ điều kiện thị trường lao động cải thiện và mức lương khu vực công được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng thu nhập chưa hoàn toàn chuyển sang tiêu dùng nội địa do tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao, đạt 37,2% trong năm 2024.

WB cho rằng, là một nền kinh tế định hướng xuất nhập khẩu (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 170% GDP), nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động trong chính sách thương mại toàn cầu. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng kim ngạch, trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu (38%).

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng có thể tiếp tục suy yếu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp. Trong khi đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu. Mặc dù Chính phủ còn dư địa tài khóa để kích cầu, việc thực thi các biện pháp hỗ trợ có thể bị cản trở bởi tình trạng giải ngân đầu tư công chậm kéo dài.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo, các rủi ro bên ngoài - như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng và mức độ bất định cao trong các chính sách toàn cầu - có thể làm chậm đà xuất khẩu cũng như dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

z4613137483526-becd7bfcede5dd8d476ed4c339dfa344-2407-764-354.jpg
Các định chế tài chính quốc tế nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Dù đối mặt nhiều rủi ro, báo cáo cho thấy tỷ lệ nghèo tại Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ người sống dưới mức 3,65 USD/ngày (chuẩn nghèo nhóm thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,8% năm 2024 xuống còn 3,6% trong năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chững lại có thể hạn chế tác động giảm nghèo ở nhóm dân cư nghèo nhất.

Còn hồi đầu tháng 4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024.

Báo cáo nhận định rằng căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ADB dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ chậm lại còn khoảng 7% trong cả năm 2025 và 2026.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dù khó khăn, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng đứng đầu ASEAN, gấp 3,5 lần Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO