Theo đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong quý III sẽ tiếp tục cải thiện so với quý II ( tăng trưởng tín dụng đạt 7,38% tính đến 17/09/2024 so với 6% cuối quý 2/2024) nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Biên lãi thuần (NIM) quý III được dự báo sẽ đi ngang, hoặc giảm nhẹ so với đầu năm. Theo MBS, hầu hết các ngân hàng tăng dần lãi suất tiền gửi để đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có tăng trưởng cao khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III được dự báo không tăng so với quý liền trước, bởi dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong thời gian này.
Đồng thời, các ngân hàng sẽ giảm tốc trích lập dự phòng trong nửa cuối 2024 do tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân tăng trưởng không nhiều. Do đó, bộ đệm dự phòng được dự báo sẽ đi xuống do trích lập giảm tốc nhưng ngân hàng vẫn duy trì hoạt động xóa nợ xấu như trong nửa đầu năm.
Với các dự báo trên, MBS cho rằng một số ngân hàng có được mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật như HDBank (+44%), TPBank (+35%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao; Eximbank (+70%), VietinBank (+40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ.
Nhóm ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được MBS dự báo sẽ là ngân hàng có được mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý III, ở mức 70% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp và NIM duy trì trương đương so với quý II. Cả năm 2024, lợi nhuận Eximbank chỉ tăng 16%.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận 44% trong quý III và 31% cho cả năm 2024. MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng của HDBank sẽ tiếp tục khả quan như trong nửa đầu năm, còn NIM giảm nhẹ xuống 5% trong quý III. Ngoài ra, chi phí dự phòng được dự báo sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 41% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp trong năm 2024. Cả năm 2024, lợi nhuận LPBank sẽ tăng 46%. Đồng thời, ngân hàng dự kiến được cấp thêm room tín dụng khi đã chạm ngưỡng tăng trưởng 15%. Nợ xấu giảm nhẹ so với quý II khi ngân hàng tăng cường xử lý.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) kỳ vọng sẽ tăng 40% so với cùng kỳ trong bối cảnh NIM duy trì tương đương nửa đầu năm và chi phí trích lập đi ngang. Cả năm 2024, lợi nhuận VietinBank sẽ tăng trưởng 12%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được kỳ vọng có lợi nhuận tăng 37% trong quý III và 69% cho cả năm 2024. Theo MBS, NIM trong quý III được dự báo sẽ duy trì tương đương với nửa đầu năm, giúp tín dụng tăng tốc. Mảng cho vay tiêu dùng kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể hơn vào tốc độ tăng tín dụng chung. Trong khi đó, chi phí trích lập tương đương với quý liền trước.
Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), lợi nhuận sau thuế được dự báo tăng trưởng 35% so với cùng kỳ trong quý III và 23% cho cả năm. MBS nhận định việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay sẽ kích thích nhu cầu tín dụng. Đồng thời, TPBank có thể tiếp tục tăng cường trích lập để củng cố bộ đệm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), MBS cho rằng room tín dụng trong nửa cuối năm của Sacombank sẽ bị hạn chế. Đồng thờ, NIM được dự báo sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn ở mức 49%, cao hơn khác nhiều so với toàn ngành. Tuy nhiên, chi phí dự phòng sẽ giảm khi không còn trích lập cho trái phiếu VAMC. Nhờ đó, Tăng trưởng lợi nhuận trong quý III của Sacombank dự báo ở mức 29% và cả năm là 9%.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được dự báo lợi nhuận tăng 20% trong quý III, lợi nhuận cả năm tăng 34%. Với trường hợp của Techcombank, MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong bối cảnh room tín dụng không còn nhiều. NIM sẽ được duy trì ở mức 4,5 - 4,6% nhờ lợi thế về CASA và chi phí vốn thấp dù lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nhẹ, đặc biệt ở mảng cho vay BĐS. Thu nhập ngoài lãi được dự báo sẽ giảm tốc khi phí mảng ngân hàng đầu tư (IB) hạ nhiệt so với nửa đầu năm. Chi phí trích lập được duy trì tương đương với quý II.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 20% trong quý III và 17% cho cả năm nhờ tín dụng cải thiện. Đồng thời, áp lực gia tăng nợ xấu sẽ giảm trong quý III nhờ việc nợ nhóm 2 đã đi xuống 46 điểm cơ bản (bps) trong quý liền trước.
Nhóm tăng trưởng lợi nhuận thấp
Trong danh sách của MBS cũng có 4 ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành.
Trong đó, lợi nhuận quý III của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kỳ vọng sẽ tăng 9%, cả năm tăng 5%. Theo MBS, Vietcombank sẽ duy trì đà tăng trưởng 12% nhờ nhu cầu vay cá nhân phục hồi. NIM sẽ duy trì tương đương quý II khi Vietcombank vẫn là ngân hàng đi đầu cho việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, nợ xấu cải thiện nhẹ khi nợ nhóm II đã có xu hướng giảm.
Với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lợi nhuận quý III được dự báo tăng trưởng 7% và cả năm là 6% trong bối cảnh NIM được dự báo sẽ giảm nhẹ và room tín dụng không còn quá nhiều. Tuy nhiên, chi phí trích lập được dự báo sẽ giảm nhẹ so với quý liền trước.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) được dự báo lợi nhuận giảm 19% trong quý III và 10% cho cả năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng quý III sẽ khả quan hơn nửa đầu năm nhờ cho vay mua nhà thứ cấp dự báo sẽ được thúc đẩy hơn nhờ lãi suất thấp và thị trường căn hộ vẫn đang giữ nhịp tăng tốt. Ngoài ra, cho vay mua xe và thẻ tín dụng cũng được gia tăng nhờ các mùa lễ hội lớn trong năm. NIM sẽ duy trì ở mức 3.8% trong nửa cuối năm. Chi phí trích lập tăng khoảng 12% svck do nền cao của năm 2023 nhằm tạo bộ đệm lớn cho việc xử lý nợ xấu khi TTTD gia tăng
Với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), MBS cho rằng lợi nhuận sẽ giảm do nền cao của năm 2023. NIM được dự báo suy giảm khi cả tăng trưởng tín dụng không tốt như kỳ vọng và lãi suất cho vay bán lẻ buộc phải hạ xuống nhằm thu hút tín dụng. Chi phí trích lập được duy trì tương đương quý II và dự báo cao gấp đôi so với cùng kỳ. Các chuyên viên dự báo lợi nhuận quý III và cả năm 2024 của OCB cùng giảm 20% so với cùng kỳ.