Dự án thép 53.500 tỷ ở Bình Định "chạy đua" công suất với Hoà Phát Dung Quất: Ai đứng sau?

Huyền Trang | 08:50 05/06/2023

Công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Dự án thép 53.500 tỷ ở Bình Định "chạy đua" công suất với Hoà Phát Dung Quất: Ai đứng sau?

Ngày 30/5, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có cuộc gặp gỡ hơn 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, để thông tin về chủ trương thực hiện dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Dự án 53.500 tỷ đồng ở Bình Định

Từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) với diện tích dự kiến trên 468ha, tổng vốn 53.500 tỷ đồng. Dự án chia thành 03 giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Ở mức này, công suất dự kiến của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn cao hơn công suất thiết kế ban đầu của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (4 triệu tấn) và gần bằng công suất điều chỉnh của Hoà Phát Dung Quất (6 triệu tấn).

Lúc đầu doanh nghiệp muốn đặt nhà máy thép ở xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó, trong năm 2022, nhà đầu tư đề xuất làm dự án ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 (tại xã Hoài Mỹ) với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng; diện tích đất dự kiến sử dụng là 496,9 ha (trong đó 473,9 ha hiện trạng là đất mặt nước). Dự án có quy mô đầu tư 10 cầu cảng (2.525 m), tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT; khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm.

Tỉnh Bình Định ước tính sơ bộ, dự án cảng chuyên dùng được xây dựng và đi vào hoạt động tích hợp sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 1 là 3.000 người); ước tính nộp ngân sách ở giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp Tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng khi dự án đi vào hoạt động.

Tại buổi thông tin chủ trương về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, người dân thôn Lộ Diêu đã bày tỏ những băn khoăn, lo ngại tác động xấu môi trường và ảnh hưởng an sinh và nêu quan điểm chưa đồng thuận việc triển khai dự án, qua đó cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định xem xét lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng khẳng định, quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là ai?

CTCP Gang Thép Long Sơn Phù Mỹ là công ty con của công ty TNHH Long Sơn, được thành lập ngày 5/7/2021, trụ sở chính hiện ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định với ngành nghề chính của công ty là sản xuất sắt, thép, gang. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Quang Hải (SN 1968). 

Công ty TNHH Long Sơn được thành lập ngày 19/9/2001, có trụ sở chính ở số 6, Đường Voi Phục, Phường Trung Sơn, Thành phố Tam Điệp, Tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Người đại diện pháp luật cũng là ông Trịnh Quang Hải.

Công ty TNHH Long Sơn được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với 4 dây chuyền sản xuất có tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm.

Bên cạnh trụ sở chính tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Xi măng Long Sơn còn có các chi nhánh tại khu Công Nghiệp Khánh Phú, Tỉnh Ninh Bình; chi nhánh tại KCN Ninh Thủy, Khánh Hòa; Nhà Máy Đóng bao và Trạm phân phối Xi Măng Long Sơn tại Long An; Nhà máy đóng bao Xi Măng Long Sơn tại Quảng Ngãi.

Tại Thanh Hóa, Long Sơn còn là chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Long Sơn tại khu bến cảng tổng hợp Nam Nghi Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng, diện tích 28ha, bao gồm 4 bến cảng với tổng chiều dài 1.000m. Tiêu chuẩn cảng cấp 1, cho phép tiếp nhận tàu cập cảng lên đến 100 nghìn tấn.

Bên cạnh lĩnh vực xi măng, Long Sơn tham gia vào xuất nhập khẩu và vận tải biển với hệ thống cảng biển tại Nghi sơn – Thanh Hóa; Ninh Thủy – Khánh Hòa; Qui Nhơn- Bình Định và Thành phố HCM. Xe vận tải, tàu vận tải chuyên nghiệp, kho bãi trải dài từ Bắc chí Nam.

Bên cạnh đó, Long Sơn còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự án thép 53.500 tỷ ở Bình Định "chạy đua" công suất với Hoà Phát Dung Quất: Ai đứng sau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO