Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt đô thị là một trong những loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn nhằm nâng cao năng lực vận hành, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
“Việc chính thức tổ chức lễ khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng về việc dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được triển khai thành công, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật. Qua đây, thành phố Hà Nội sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đã và đang triển khai tại Thủ đô”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Mỗi ngày, tuyến vận chuyển bình quân 14.917 hành khách. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây, số hành khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến tuy có giảm. Tuy nhiên hành khách có nhu cầu sử dụng thực tế là những người đi làm, đi học thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng: Từ 10% ban đầu lên hơn 20% và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại.
Để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động ngày càng hiệu quả, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án khai thác vận hành rất cụ thể và chỉ đạo Hà Nội Metro (Đơn vị vận hành khai thác tuyến) phải đảm bảo an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy trình; khẩn trương triển khai phương án kinh doanh dịch vụ nhằm tận dụng lợi thế thương mại và tăng tiện ích cho hành khách đi tàu. Trong quá trình vận hành khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả…
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vốn vay ODA Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường được thiết kế với khổ đôi, ray tiêu chuẩn 1.435mm, với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút.