Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam phụ thuộc vào kế hoạch giảm lãi suất của Fed và ECB

Phạm Minh | 08:38 12/04/2024

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao có thể khiến các nhà đầu tư thu hẹp hoạt động sản xuất trong đó có thị trường Việt Nam, đẩy mạnh dòng vốn về Mỹ và khu vực châu Âu nhằm hưởng lợi từ chính sách lãi suất cao.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam phụ thuộc vào kế hoạch giảm lãi suất của Fed và ECB
Lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao có thể khiến các nhà đầu tư thu hẹp hoạt động sản xuất trong đó có thị trường Việt Nam, đẩy mạnh dòng vốn về Mỹ và khu vực châu Âu. (Ảnh: Int)

Trả lời báo chí mới đây bên lề cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, cho biết, tại cuộc họp tháng 3/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%, mức cao nhất 23 năm qua, nhằm đưa lạm phát của Mỹ về mức mục tiêu 2%.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Khi FED liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Việt Nam, tác động tiêu cực đến giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, gia tăng áp lực lạm phát.

Bình quân quý I/2024 chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Khi đồng USD tăng giá do lãi suất USD tăng dẫn tới giá nhập khẩu các loại nguyên vật liệu và chi phí vốn vay của doanh nghiệp tăng lên. Khi đồng USD tăng giá sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm qua đã dần phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa có sự bứt phá rõ nét, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 là 8,12%, năm 2023 tăng 5,05%. Xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề và giảm sâu trong nhiều tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên trong những cuối năm 2023, xuất nhập khẩu Việt Nam đã phục hồi đáng kể và tạo tín hiệu tốt cho năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về xuất khẩu khẩu, kim ngạch quý 1/2024 đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 3 tháng đầu năm ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tín hiệu nhập khẩu tăng cao cũng cho thấy đây bước chạy đà cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, FEB và ECB duy trì lãi suất ở mức cao trong năm 2024, sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường lớn của thế giới, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng thiếu tích cực cho nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm sẽ kéo theo một số tác động đến nền kinh tế như: Giảm động lực tăng trưởng kinh tế; đời sống nhân dân khó khăn do giảm cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập…

Nhận định về kinh tế năm 2024, bà Hương nói, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng thấp hơn năm 2023, thương mại quốc tế suy giảm. Trong nước, lãi suất cơ bản đang duy trì ở mặt bằng thấp sẽ thúc đẩy lưu thông đồng tiền nội tệ. Chênh lệch giữa lãi suất cao của đồng đô la Mỹ, đồng Euro tại Mỹ và châu Âu và lãi suất thấp của đồng nội tệ trong nước chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

Trong sản xuất, lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao có thể khiến các nhà đầu tư thu hẹp hoạt động sản xuất trong đó có thị trường Việt Nam, đẩy mạnh dòng vốn về Mỹ và khu vực châu Âu nhằm hưởng lợi từ chính sách lãi suất cao. Việc này sẽ khiến cho hoạt động công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo đang cần nhiều nguồn vốn để phục hồi sản xuất bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, theo bà Hương, lãi suất cao làm gia tăng chi phí vốn, từ đó gia tăng chi phí sản xuất nguyên, nhiên vật liệu. Kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed và ECB hiện nay chưa rõ ràng nên có khoảng 90,8% doanh nghiệp trong nước dự báo chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp, chỉ có khoảng 82,9% số doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam dự báo số lượng đơn đặt hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu mới khả quan hơn kể từ quý II/2024 và khoảng 82,3% số lượng doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất hàng công nghiệp sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ quý II/2024.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam đến cuối năm 2024 sẽ phụ thuộc vào kế hoạch giảm lãi suất của Fed và ECB. Theo đó, nếu lãi suất giảm theo lộ trình từ giữa năm 2024, dòng vốn FDI sẽ có xu hướng chảy từ Mỹ và châu Âu chuyển dịch vào các dự án đầu tư sản xuất tại các thị trường khác có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn mức lãi suất cơ bản.

Tuy vậy, nếu lạm phát vẫn duy trì ở mức cao khiến Fed và ECB trì hoãn hạ lãi suất, dòng vốn FDI sẽ vẫn tập trung ở các thị trường này và chưa khởi sắc mạnh mẽ ở các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Để hạn chế tác động từ chính sách lãi suất cao của Fed và ECB trong bối cảnh thương mại quốc tế vẫn đang tiếp tục ảm đạm, đồng thời với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, Việt Nam cần nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành có tính lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Theo dõi sát sao chính sách của Fed và ECB, từ đó có những phản ứng chính sách tiền tệ thích hợp, ổn định tỷ giá nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước… tránh bị động khi chính sách lãi suất của Fed và ECB thay đổi theo chiều hướng xấu.

Trong bối cảnh nguồn vốn FDI chưa có nhiều cải thiện đáng kể, cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư đối với các sản phẩm sản xuất nhằm hạn chế tác động từ các yếu tố lãi suất và thương mại quốc tế.

Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nghiên cứu khoa học; thực hiện chuyển giao các nghiên cứu của các viện nghiên cứu từ các đơn vị sự nghiệp áp dụng cho khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới.. nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam phụ thuộc vào kế hoạch giảm lãi suất của Fed và ECB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO