Kể từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 - 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Việc nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để duy trì mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc dòng tiền “dễ" đi vào thị trường đẩy giá một số tài sản, kênh đầu tư tăng trưởng khá mạnh. Trong vòng 10 năm qua, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày.
Đặc biệt, trên thị trường bất động sản, liên tiếp trong nhiều năm tăng trưởng “nóng", duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hệ thống hạ tầng, khu kinh tế, đô thị phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, thu nhập của người dân được cải thiện, giá bất động sản tăng lên, hoàn toàn phù hợp với nguyên lý kinh tế, thị trường.
Thực tế trong thời gian qua, giá bất động sản tại một số địa phương tăng bất hợp lý, gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư thực tế, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân. Chính sách nới lỏng sau một thời gian dài góp phần gây áp lực lên lạm phát tăng do thừa tiền trong nền kinh tế.
Trước các quyết định tăng lãi suất rất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự lên giá của đồng USD và áp lực lạm phát trong nước, đúng như viễn cảnh được các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ trở lại, để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Chỉ sau một tuần mở lại kênh huy động vốn tín phiếu - bắt đầu từ 21/6 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về lượng tiền hơn 85.000 tỷ đồng. Giai đoạn tiền rẻ thực sự đã qua đi.
Trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức buộc phải thận trọng hơn nữa với các quyết định rót tiền ra. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi mà doanh nghiệp sẽ hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh do lo ngại rủi ro lãi suất.
Sức cầu trong nền kinh tế cũng có thể tăng chậm hơn trong môi trường cung tiền thắt chặt và lãi suất cao hơn. Với mảng kinh doanh bất động sản, cho dù đại diện NHNN đã nhiều lần phát ngôn là cơ quan này không có chủ trương siết tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tháng cuối năm 2022, dòng tiền của doanh nghiệp đã suy giảm mạnh, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn …
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng về lĩnh vực bất động sản, trong quý 1/2023, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới giảm mạnh 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo, trong quý 1/2023, có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, dữ liệu của VARS cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động trong quý 1/2023 chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Ảnh hưởng trực tiếp đến 40 ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất,..., ngành bất động sản lâm nguy là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tích cực xây dựng rất nhiều các giải pháp giúp bình ổn kinh tế như: thúc đẩy đầu tư công; ban hành các gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế; nới lỏng dần chính sách tiền tệ; khuyến khích ngân hàng hạ lãi suất cho vay; xem xét hành lang pháp lý gỡ khó cho doanh nghiệp…
Đặc biệt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân… để kinh tế không lao dốc, doanh nghiệp khốn đốn phá sản, người dân đói kém, Chính phủ đã có hàng loạt động thái tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường.
Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 3/2023, NHNN liên tiếp có hai đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Các chuyên gia VARS nhận định, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại. Dự báo đến hết quý 2/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc.