Đồng Tâm Group của bầu Thắng trước khi hủy tư cách đại chúng: Doanh thu trên dưới 2.000 tỷ, lãi hàng trăm tỷ/năm, rót 10.000 tỷ làm siêu cảng cho mô hình "tàu buýt container"

Nhuận Hoa | 10:50 30/01/2023

Tập đoàn Đồng Tâm với thương hiệu gạch lát nền Đồng Tâm nổi tiếng của ông bầu Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An – Võ Quốc Thắng nhiều năm qua không ngừng mở rộng quy mô, với dự án cảng biển quốc tế đến các dự án BĐS hàng chục ha, đồng thời lấn sân sang cả giáo dục, kinh doanh đồ uống...

Đồng Tâm Group của bầu Thắng trước khi hủy tư cách đại chúng: Doanh thu trên dưới 2.000 tỷ, lãi hàng trăm tỷ/năm, rót 10.000 tỷ làm siêu cảng cho mô hình "tàu buýt container"

Theo thông tin từ Ủy ban chứng khoán nhà nước, CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) đã hủy đăng ký công ty đại chúng kể từ ngày 30/12/2022.

Lí do là bởi theo danh sách cổ đông tại ngày 14/9/2022, 7 cổ đông lớn của công ty đã nắm giữ hơn 90,4% số lượng cổ phần. Do đó, công ty không đáp ứng được một trong hai điều kiện trở thành công ty đại chúng được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 là có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Đồng Tâm Group được sáng lập năm 2002 bởi ông Võ Quốc Thắng, thường được gọi là "bầu Thắng". Doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 7, Khu phố 6, thị trấn Bến Lức, Long An.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình quản trị công ty, ông Võ Quốc Thắng (tức bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT là cổ đông lớn với sở hữu 47,5% vốn điều lệ. Xếp sau bầu Thắng là Phó Chủ tịch HĐQT Võ Văn Khuyến (anh trai ông Thắng) với tỉ lệ sở hữu gần 14,6%.

Đầu tư trải dài trên các lĩnh vực "ngốn tiền" nhưng tổng tài sản của Đồng Tâm Group chưa đến 7.000 tỷ đồng, 80% tài sản được tài trợ bởi nợ

Theo báo cáo tài chính 2021 (niên độ từ  1/4/2021 - 31/3/2022), tổng tài sản của Đồng Tâm Group tại thời điểm cuối tháng 3/2022 đạt hơn 6.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.500 tỷ đồng, bằng 20% tổng tài sản. 

Con số tài sản của Đồng Tâm có sự nhảy vọt trong vòng 4 năm, từ năm 2018 đến nay.

image_2023_01_29t07_01_13_433z.png

Theo website, Tập đoàn hiện sở hữu 14 công ty thành viên, trải dài trong các lĩnh vực: vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản, đầu tư, khai thác cảng biển, xây dựng và cho thuê đất trong khu công nghiệp, cho thuê nhà xưởng. Ngoài ra còn có các công ty liên kết trong mảng giáo dục, dịch vụ, thương mại...

screen-shot-2023-01-30-at-10.04.22.png
screen-shot-2023-01-30-at-10.03.43.png

Hiện tại, Đồng Tâm Group có một số dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thực hiện gồm: dự án khu dân cư Bắc Lê Lợi – Thành phố Quảng Ngãi với quy mô hơn 7,5 ha; dự án khu trung tâm hành chính tỉnh Long An (Green City) với quy mô 76,6 ha; dự án Đồng Tâm House có quy mô 14.660 m2.

Cùng với đó là: dự án khu đô thị Đông Nam Á Long An với quy mô 1.145 ha; dự án khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An có quy mô 239 ha; dự án KCN Đông Nam Á Long An 396ha và dự án Cảng quốc tế Long an 145ha.

Trong mảng giáo dục, dịch vụ, thương mại, một trong những đơn vị liên kết được chú ý nhất của Đồng Tâm Group phải kể đến cà phê ông Bầu. Thương hiệu này được sáng lập bởi 3 doanh nhân gắn liền với bóng đá Việt Nam là Bầu Đức (HAGL), Bầu Thắng (Đồng Tâm), Bầu Hải (Nutifood) với mục tiêu có hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc.

Cảng Long An - Tàu buýt container, dự án "để đời" của bầu Thắng

Trong số các dự án của Đồng Tâm Group, dự án Cảng quốc tế Long An (CTCP Cảng Long An) là dự án trọng điểm mà bầu Thắng mô tả là bến đỗ của mô hình "tàu buýt container" với hy vọng đưa Long An trở thành trung tâm Logistics quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2024. 

Theo mô hình này, các cảng sông nội địa trong khu vực sẽ trở thành các trạm "tàu buýt", là "nhà chờ các tàu chở container" kết nối để vận chuyển hàng hóa trong các container tập trung về bến cuối là Cảng quốc tế Long An và từ đó tiếp tục lưu thông với quốc tế. Chi phí cho các doanh nghiệp khi tham gia vào dịch vụ chung này sẽ giảm so với đường bộ. Bên cạnh đó còn có thể vận chuyển được các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ... mà đường bộ khó đáp ứng. 

CTCP Cảng Long An hiện cũng là đơn vị thành viên có vốn điều lệ lớn nhất của Đồng Tâm với hơn 1.125 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại đây chỉ là 45% vốn điều lệ nên số liệu của "siêu cảng" không được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Đồng Tâm Group.

Trong thời gian đầu, Cảng Quốc tế Long An sẽ khai thác hai bến cảng container, sáu cẩu trục và chín bãi container (bao gồm cả khu vực cho contianer lạnh) có thể khai thác hơn 500.000 TEUs hàng năm.

Lợi nhuận 2021 hồi phục từ đáy, lên hơn trăm tỷ

Kết quả kinh doanh của Đồng Tâm Group bắt đầu tăng trưởng từ năm 2013 sau khi từng ghi nhận lỗ kỷ lục vào năm 2011. Giai đoạn 2014 - 2017, tập đoàn của bầu Thắng duy trì mức lợi nhuận trên dưới 200 tỷ đồng, đến năm 2020 thì sụt giảm xuống mức lãi thấp nhất kể từ 2013.

Trước khi huỷ tư cách đại chúng, năm 2021, tình hình tài chính của Đồng Tâm có sự hồi phục nhẹ với doanh thu 1.938 tỷ đồng, tăng trưởng 2,55% so với cùng kỳ, đạt 88,09% kế hoạch; Lợi nhuận đạt 110,8 tỷ đồng, tăng trưởng 26,51% so với cùng kỳ, đạt 138,53% kế hoạch.

image_2023_01_29t06_56_56_298z(1).png

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Đồng Tâm Group đặt mục tiêu niên độ 2022 - 2023 (1/4/2022 - 31/3/2023) về doanh thu thuần là 2.300 tỷ đồng, tăng gần 18,7% và lợi nhuận sau thuế là 225 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2021. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 12% vốn điều lệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đồng Tâm Group của bầu Thắng trước khi hủy tư cách đại chúng: Doanh thu trên dưới 2.000 tỷ, lãi hàng trăm tỷ/năm, rót 10.000 tỷ làm siêu cảng cho mô hình "tàu buýt container"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO