Đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột ngay lúc cao điểm: Doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản nên làm gì để “vượt bão”?

Tri Túc | 21:45 15/11/2022

"Cùng với việc đơn hàng sụt giảm, lãi suất ngân hàng tăng khiến cho nhiều DN xuất khẩu phải chịu thêm gánh nặng chi phí vốn. Nếu như từ tháng 7/2022 về trước lãi suất khoảng trên 7%/năm thì từ tháng 8 đến nay lãi suất tăng dần lên mức gần 10%/năm" - Giám đốc Điều hành Phaata nói.

Đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột ngay lúc cao điểm: Doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản nên làm gì để “vượt bão”?

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu đột ngột giảm mạnh từ tháng 9 dù 8 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt. Bước sang quý 4, hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô trong nước cùng với tình hình kinh tế toàn cầu bị suy thoái rõ rệt, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chung - Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Phaata - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Ông Chung cũng là thành viên của Hiệp hội Logistics Việt Nam với kinh nghiệm 20 năm trong ngành.

chung.png
Ông Nguyễn Hoài Chung - Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Phaata - Sàn giao dịch logictics quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Thưa ông, ông nhận thấy những khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay với DN xuất khẩu là gì?

Hầu như các DN xuất khẩu Việt Nam đều đang phải đối mặt với 6 khó khăn thách thức lớn như sau:

(i) Số đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh, nhiều DN bị thiếu đơn hàng;

(ii) Mức độ cạnh tranh với các đối thủ trong nước lẫn quốc tế đang gay gắt hơn nhằm duy trì hoạt động;

(iii) Đơn giá bán xu hướng giảm;

(iv) Chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát;

(v) Lãi suất tăng cao và DN xuất khẩu rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng;

(vi) Tỷ giá USD tăng cao khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng; gián tiếp làm chậm đơn vì đối tác nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng.

Có trường hợp nào cụ thể chịu tác hại nặng nề từ những vấn đề trên?

Để hình dung cụ thể, tôi lấy ví dụ của ngành hàng may mặc thời trang - được xem là mặt hàng không thiết yếu.

Sau 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng cao, quý 3, nhu cầu hàng may mặc trên thế giới quay đầu giảm. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán ra không tăng được do bị cạnh tranh, khó thương lượng.

Mặt khác, lãi suất ngân hàng tăng khiến cho nhiều DN xuất khẩu phải chịu thêm gánh nặng chi phí vốn. Nếu như từ tháng 7/2022 về trước lãi suất khoảng trên 7%/năm thì từ tháng 8 đến nay lãi suất tăng dần lên mức gần 10%/năm. Đặc biệt, hiện có DN phải chịu lãi suất cao hơn lên đến 12%/năm mới có thể tiếp cận được nguồn vốn.

detmay-.png

Với nhóm thuỷ sản - một ngành thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu thì như thế nào, thưa ông?

Đối với ngành thủy sản, trong 7 tháng đầu năm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất tốt. Nhiều DN thủy sản phải tăng cường sản xuất để trả nợ nhiều đơn hàng đáng lẽ phải giao trong năm 2021 nhưng do ảnh hưởng dịch nên hoãn lại.

Tương tự, sang quý 3 đã có dấu hiệu sụt giảm, và quý 4 tình hình khó khăn tăng cao hơn, đơn hàng bị sụt giảm mạnh hơn khiến nhiều DN chỉ vận hành được khoảng 50% công suất nhà máy. Nhiều bên còn cho công nhân làm việc cách ngày.

Cấn nhấn mạnh, mặt hàng thủy sản phần lớn được các DN thủy sản chào bán với giá CIF; trong khi giá CIF đã giảm từ 15-25% so với cùng kỳ do cạnh tranh giá hàng cùng với đó là cước tàu giảm mạnh.

Nếu như thời điểm này năm 2021, giá cước vận chuyển container 40 feet lạnh từ Tp.HCM đi Los Angeles ở Bờ Tây nước Mỹ khoảng 12.000-13.000 USD/40'RF thì nay giá cước chỉ còn khoảng 3.000 USD/40'RQ; và, giá cước vận chuyển container 40 feet lạnh từ Tp.HCM đi New York ở Bờ Đông nước Mỹ khoảng 23.000-26.000 USD/40'RQ thì nay giá cước chỉ còn khoảng 7.000 USD/40'RQ.

Cùng những khó khăn chung về tỷ giá, lãi suất và hạn chế dòng vốn tín dụng như đã đề cập.

Nguyên nhân của sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu của nhóm này là gì?

Có 5 nguyên nhân chính gồm:

(i) Sức mua ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm rất mạnh do lạm phát cao, suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó thị trường lớn Trung Quốc cũng chậm lại trước chính sách “Zero-Covid”;

(ii) Khối lượng hàng hóa tồn kho còn nhiều, khách hàng chưa có nhu cầu đặt mua thêm dù rằng đây đang là mùa cao điểm hàng năm như thông thường.

(iii) Áp lực cạnh tranh lớn từ rất nhiều đối thủ quốc tế;

(iv) Tỷ giá USD tăng cao;

(v) Chiến tranh Nga-Ukraine.

Liệu tình trạng này còn kéo dài bao lâu?

Theo dự báo từ cá nhân tôi, tình trạng khó khăn này có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2024.

Vậy DN cần làm gì để vượt qua?

Các DN xuất khẩu có thể cân nhắc đánh giá lại tổng thể tình hình thị trường, khách hàng, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh... để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, DN nên chủ động tìm kiếm các thị trường mới khác. Song song, cân nhắc phát triển thêm thị trường ở trong nước với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân.

Trước áp lực tỷ giá, DN cũng cần linh hoạt trong phương thức thanh toán, thay thế đồng tiền thay vì chỉ tập trung vào đồng USD.

Dì vậy, khi kinh tế toàn cầu suy thoái cũng sẽ mở ra cơ hội thuận lợi để thương lượng giá mua và chính sách tốt hơn, DN hãy cố gắng tận dụng tốt để có thể tiết kiệm được chi phí đầu vào.

Thực tế việc chi phí logistics cao hay sự biến động về lượng hàng là câu chuyện lặp đi lặp lại, vấn đề đặt ra: Chính bản thân DN phải có những thay đổi để phát triển bền vững trong mọi tình huống. Ông có quan điểm thế nào?

Dĩ nhiên, DN nên tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành DN. Song song, nghiên cứu thiết kế lại mạng lưới Chuỗi cung ứng tối ưu hơn trong thời kỳ hậu Covid. Trong đó, DN cần nhận biết được các yếu kém xuất hiện trong chuỗi cung ứng và thiết lập lại, có dự phòng nhiều hơn.

Các sàn như Phaata sẽ đóng vai trò như thế nào để hỗ trợ DN xuất khẩu/ logistics?

Phaata đóng vai trò giúp kết nối giao dịch trực tiếp giữa các chủ hàng/DN xuất nhập khẩu với công ty logistics. Thực tế, khi thị trường giảm, chủ hàng và công ty logistics phải tăng cường sử dụng các sàn như Phaata.

Nếu như số lượng chủ hàng đăng ký sử dụng Phaata trong quý 3/2022 tăng 71% so với quý 3/2021, thì bước sang tháng 10/2022 số lượng chủ hàng đăng ký tăng mạnh 114%.

So với năm ngoái có sự đột biến dẫn đến lượng hàng cao điểm năm nay sụt giảm. Vậy nếu so với trước dịch thì tình hình như thế nào?

Trước đại dịch, thông thường hàng năm, mùa vận chuyển cao điểm có thể bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 12. Khi bước vào mùa cao điểm, các hãng vận tải sẽ áp dụng thêm phụ phí mùa cao điểm (peak season surcharge).

Tuy nhiên, thị trường năm nay bước vào thời gian mùa cao điểm hàng năm hoàn toàn khác và chưa từng xảy ra trước đây. Cụ thể là nhu cầu sụt giảm rất mạnh, giá cước giảm liên tục hàng tuần, có những tuần giảm mạnh hơn 10%.

Mặt khác, phần lớn các đơn hàng dành cho mùa cao điểm năm nay đã được cho vận chuyển trước vào đầu năm, do chủ hàng sợ bị tăng giá cước và không có chỗ như đã diễn ra năm 2021.

Bên cạnh những khó khăn thì nhóm DN xuất khẩu có những triển vọng gì thời gian tới không?

Đó là lợi ích đến từ các FTA ngày càng lớn dần. Việc có FTA với trên 60 thị trường là điểm cộng quan trọng để DN tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan.

So sánh với một số quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Theo Financial Times và từ Refinitiv, tháng 9 vừa qua, lạm phát ở Việt Nam là 4%, so với mức 6% ở Indonesia; 6,4% ở Thái Lan; và 7,5% ở Singapore. Số liệu này cho thấy các DN xuất khẩu ở Việt Nam ít bị ảnh hưởng về lạm phát hơn so các nước trong khu vực.

Tại Việt Nam, logistics đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP cả nước. Năm 2021, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021, tăng 3 bậc so với năm 2020 (Agility công bố).

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột ngay lúc cao điểm: Doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản nên làm gì để “vượt bão”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO