Giải pháp tái chế trở nên hấp dẫn nhờ ứng dụng công nghệ
Được gọi với cái tên Green Point (điểm xanh), Grac đã phát triển mô hình tái chế ứng dụng công nghệ tích điểm - đổi quà tại với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, mục tiêu chính của Green Point là tạo nhận thức để mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng một cộng đồng sống xanh, bền vững hơn. Green Point không chỉ thúc đẩy thay đổi thói quen cá nhân mà còn khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào các chương trình phát triển bền vững.
Hướng tới người dùng, Green Point ứng dụng công nghệ để ghi nhận điểm của khách hàng và tích điểm đổi quà thông qua ứng dụng Grac. Chỉ bằng việc quét mã QR tại các điểm Green Point, lượng rác nhựa khách hàng thu thập sẽ được đổi thành điểm, tự động cộng vào tài khoản. Rác cũng sẽ được chuyển trực tiếp tới nhà máy tái chế mà không cần thông qua các vựa ve chai, giúp giảm khâu trung gian và tạo sự minh bạch.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đến ngày 01/01/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, sự ra đời của Green Point khiến việc phân loại rác trở nên thú vị và tiện hợn hơn, tạo thói quen cho người dân theo cách tự nhiên nhất.
Nhằm gia tăng hiệu quả, đại diện doanh nghiệp cho biết Green Point được xây dựng dựa trên sự tham khảo nhiều mô hình tái chế thành công trên thế giới. Ví dụ như ở Nhật Bản, các chung cư và trường học đều có khu vực thu gom rác tái chế riêng biệt. Học sinh được giáo dục kỹ lưỡng về tầm quan trọng của tái chế ngay từ nhỏ. Hay như ở Hàn Quốc và các nước châu Âu, mô hình phân loại rác tại nguồn nghiêm ngặt tại các chung cư, trường học đã góp phần tăng tỷ lệ tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải đưa đến bãi rác.
Tuy nhiên, Grac không dập khuôn mà thay vào đó, học tập những gì tốt nhất cũng như tuỳ biến các chi tiết sao cho phù hợp với các đặc thù tại Việt Nam. Chính điều đó giúp ứng dụng trở nên gần gũi, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu người Việt trong lĩnh vực tái chế.
Lợi ích lớn đằng sau những món quà nhỏ
Với số điểm tích cóp được, người dân có thể dùng để đổi lấy những món quà nhỏ. Tuy không thực sự cao về mặt giá trị nhưng đây chính là sự ghi nhận và khích lệ, đặc biệt là với các em nhỏ, trong việc thu gom, phân loại và thúc đẩy tái chế ra.
Bên cạnh đó, lợi thế lớn nhất của Green Point là sẵn có tại các khu chung cư, khu cân cư và trường học. Chính bản thân sự hiện diện của Green Point, với thiết kế bắt mắt dựa trên tông màu xanh đặc trưng, cũng thu hút sự chú ý của mọi người.
Việc xây dựng các điểm thu rác, đổi quà tại chính cộng đồng không chỉ mang đến những thuận lợi cho người dân mà còn tăng cường tính minh bạch trong quy trình thu gom và thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình tái chế một cách chủ động. Rác được phân loại và chuyển thẳng tới các cơ sở tái chế không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Việc phân loại và thu gom rác tái chế tại nguồn này cũng góp phần làm giảm lượng rác thải cần đưa đến bãi rác, qua đó tiết kiệm chi phí. Nâng cao tỷ lệ tái chế cũng góp phần giảm thiểu kinh phí dành cho nguyên liệu mới, qua đó hạ giá thành để cuối cùng là lợi ích chính người sử dụng.
Trong giai đoạn 2023 – 2024, Grac đặt mục tiêu thu gom 500 tấn rác thải tái chế mỗi năm, quản lý và vận hành 5 điểm Green Point tại TP.HCM, tiếp cận và giáo dục 2.000 người về phân loại rác tại nguồn và mang lại lợi ích cho 20.000 cá nhân thông qua khả năng tiếp cận các điểm Green Point.
Trong giai đoạn 2025, Grac đặt mục tiêu mở rộng lên 100 điểm Green Point và thu gom 3.500 tấn rác tái chế. Đến giiai đoạn 2030, công ty muốn phát triển 10.000 điểm Green Point, thu gom 400.000 tấn rác và mở rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mô hình "Đổi Rác Lấy Quà" từ các điểm xanh Green Point của Grac không chỉ là giải pháp quản lý rác thải mà còn là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững. Thúc đẩy và lan toả sự tham gia của cộng đồng, dự án có thể góp phần tạo nên một môi trường sống trong lành, giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.