Cụ thể, theo dự thảo ngân sách 3 năm của Nga, nguồn thu chính của Điện Kremlin sẽ giảm 14% từ năm 2024 đến 2027, do ảnh hưởng của mâu thuẫn với Ukraine và chi tiêu cho quân sự của Moscow.
Ngành dầu khí của Nga dự kiến sẽ đóng góp 10,94 tỷ rúp (118 tỷ USD) nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước vào năm tới. Con số này thấp hơn 3,3% so với dự báo cho năm 2024. Các tài liệu cho thấy, doanh thu hàng năm dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong 2 năm tiếp theo, đạt 9,77 tỷ rúp vào năm 2027.
Doanh thu từ việc bán dầu mỏ và khí đốt đã giúp Điện Kremlin hỗ trợ nền kinh tế bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đã né tránh lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng đội tàu chờ dầu “ngầm” để vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên hoá lỏng cho các khách hàng mới ở châu Á.
Dự báo mới của Nga về doanh thu dầu mỏ cho thấy sự suy yếu của thị trường năng lượng toàn cầu. Nhìn chung, giá xuất khẩu dầu thô của Nga có thể giảm xuống dưới 70 USD/thùng từ năm tới. Giá trung bình hợp đồng xuất khẩu khí đốt Nga cũng dự kiến giảm cho đến năm 2027.
Theo dự báo, trong dài hạn, giá dầu có thể rẻ hơn nữa khi nhu cầu sụt giảm và năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn. Trong đó, Điện Kremlin đánh giá cao nỗ lực của OPEC+ nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm sản lượng.
Một yếu tố khác khiến dự báo doanh thu dầu khí của Nga giảm vào những tăm tới là kế hoạch giảm gánh nặng thuế đối với Gazprom, vốn từ lâu đã đóng góp lớn cho ngân sách.
Sau khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra, gã khổng lồ khí đốt của Nga đã cắt giảm hầu hết lượng khí đốt xuất khẩu bằng đường ống sang châu Âu. Quyết định này khiến Gazprom chịu khoản lỗ ròng đầu tiên kể từ đầu thế kỷ vào năm 2023. Tuy nhiên, mức thuế Gazprom phải đóng vẫn cao khi ngân sách kỳ vọng sẽ nhận thêm 50 tỷ rúp mỗi tháng trong giai đoạn 2023-2025.
Các tài liệu cho thấy Điện Kremlin đang có kế hoạch giảm bớt gánh nặng thuế với Gazprom. Nếu được thông qua, doanh thu từ thuế của Nga với hoạt động sản xuất khí đốt có thể giảm hơn 30% so với 1 năm trước, xuống còn hơn 1 nghìn tỷ rúp vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh của Gazprom - vốn đã bắt đầu hồi phục vào đầu năm nay. Nếu Gazprom tiếp tục trả cổ tức, việc này có thể bù đắp một phần cho tình trạng doanh thu thuế sụt giảm vì nhà nước là cổ đông lớn nhất của công ty.
Tham khảo Oilprice