Doanh thu 1.400 tỷ đồng năm 2021 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đến từ đâu khi học phí chỉ chiếm hơn nửa?

Trọng Nghĩa | 15:32 30/05/2023

Học phí đào tạo đại học năm 2021 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay đã đổi tên là Đại học Bách khoa Hà Nội) theo công bố là 776 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn thu trong năm. Vậy, 46% nguồn thu khác đến từ những hoạt động nào?

Doanh thu 1.400 tỷ đồng năm 2021 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đến từ đâu khi học phí chỉ chiếm hơn nửa?

Theo báo cáo thường niên 2021 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng nguồn thu trong hai năm 2020 và 2021 lần lượt là 1.125 tỷ và 1.426 tỷ đồng.

Nguồn thu của nhà trường đến từ 4 mảng: Doanh thu hoạt động sự nghiệp, Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học, Ngân sách cấp cho đầu tư SAHEP (ODA) và nguồn thu từ các đề tài NCKH nguồn từ các Sở địa phương và quỹ.

Trong đó, nguồn thu từ doanh thu hoạt động sự nghiệp chiếm tỷ trọng chính, tới 77% vào năm 2020 và 68% vào năm 2021.

Tổng hợp từ Báo cáo thường niên 2021 của trường ĐHBK Hà Nội

Tổng hợp từ Báo cáo thường niên 2021 Trường ĐHBK Hà Nội

Trong doanh thu hoạt động sự nghiệp, chiếm tỷ trọng chính năm 2021 là học phí đào tạo đại học (54,41%) sau đó đến thu từ khai thác cơ sở vật chất và dịch vụ (6,33%), các khoản học phí, lệ phí và dịch vụ đào tạo khác (5,83%) sau đó là hoạt động tài trợ và các thu nhập khác.

Học phí đào tạo đại học năm 2021 của Trường ĐHBK HN theo công bố là 776 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn thu trong năm.

Năm 2021, phương thức xét tuyển tài năng tuyển sinh đại học được cải tiến đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đại học 2021 (tỷ lệ nhập học đạt 104,4% so với chỉ tiêu) và đạt chất lượng tuyển sinh ở mức cao, số lượng Sinh viên xác nhận nhập học theo các phương thức xét tuyển tăng mạnh. 

Tuy nhiên theo nhà trường, tuyển sinh Thạc sỹ và NCS chưa đạt được kỳ vọng, mặc dù có tiến bộ về quy mô tuyển sinh so với năm 2020. Lý do chính vẫn là nhu cầu học tiếp lên trình độ cao hơn của sinh viên tốt nghiệp không cao và nguồn tuyển sinh sau đại học ngày càng hạn hẹp. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành những chính sách mới về tuyển sinh, đào tạo sau đại học với những điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. 

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 Trường ĐHBK Hà Nội

Theo thông tin trường ĐHBK HN công bố, các đơn vị, doanh nghiệp lớn xuất hiện trong danh sách tài trợ có thể kể đến Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup - VinIF, TCTy phát điện 1 - EVNGENCO1, tập đoàn Naver, Cơ quan trao đổi Hàn Lâm Đức, ĐH Công nghệ Nagaoka Nhật Bản, TCTy CP bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), công ty Panasonic Việt Nam,...

Về chi sự nghiệp, năm 2021, trường ĐHBK HN đã chi sự nghiệp với tổng số tiền 799 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2020. Trong đó các khoản chi lớn nhất là chi thu nhập cho cán bộ, chuyên gia.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ Tiến sĩ tại Nhà trường chiếm 75,4%, tiếp tục tăng 1,5% so với năm 2020, đứng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có các khoản chi hỗ trợ người học thông qua các hình thức trao tặng học bổng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên,..., chi cơ sở vật chất và chi dịch vụ khác. 

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 Trường ĐHBK Hà Nội

Báo cáo thường niên (Annual Report) là một trong những văn bản thể hiện trách nhiệm của Trường ĐHBK Hà Nội trong việc công khai, minh bạch các hoạt động quản trị, điều hành Trường trong năm, bám sát mục tiêu chiến lược và kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm đã được phê duyệt.

Báo cáo thường niên 2021 của trường ĐHBK Hà Nội tổng hợp các sự kiện, hoạt động và kết quả nổi bật của năm 2021, đặc biệt là thông tin tài chính sau kiểm toán.

Mới đây, ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội, đánh dấu một mốc chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Doanh thu 1.400 tỷ đồng năm 2021 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đến từ đâu khi học phí chỉ chiếm hơn nửa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO