Chuyển đổi xanh: Đừng để 'chưa chuyển đổi đã xanh mặt'
Vừa qua, châu Âu (EU) đã chính thức thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) vào 2026.
Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
“Nhiều doanh nghiệp của chúng ta – nhất là SMEs, vẫn chưa xong giai đoạn chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh đã tới. Trước Covid-19, chúng ta còn nói về AI/IoT, nhưng sau đại dịch đã chuyển sang phát thải carbon, trung hòa khí nhà kính.
Các doanh nghiệp Việt luôn cạnh tranh rất vất vả. Chúng tôi từng tư vấn và hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp Việt muốn vào Amazon hoặc Walmart ở Mỹ, để thành công chúng ta phải làm theo theo mấy nghìn tiêu chuẩn. Trong 20 năm qua, các doanh nghiệp Việt đã cố gắng tuân thủ thực hành các chuẩn chất lượng như ISO hoặc HACCP.
Bây giờ, chúng ta lại phải đối diện với vấn đề mới liên quan đến môi trường và phải chuyển đổi xanh, phải quan tâm tới phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon.
Có thể nói, các doanh nghiệp Việt đang đứng trước thời khắc chọn lựa sinh tử. DN nên đầu tư lớn dài hạn để tham gia cuộc chơi mới hay đóng cửa doanh nghiệp nghỉ khỏe? Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dù doanh nghiệp lựa chọn như thế nào cũng sẽ đối diện với vô vàng thách thức”, ông Huỳnh Thành Trung - Giám đốc và Đồng sáng lập Công ty cổ phần LEANWARES mở đầu Tọa đàm EU-CBAM Dịch chuyển biên giới carbon và các tác động đến DN Sản xuất Việt tại Metalex Việt Nam 2023.
Từ 2015 đến nay, công ty tư vấn LEANWARES đã triển khai các dự án như: Tư vấn và lập báo cáo khí nhà kính GHG cho công ty Công nghiệp Plus Việt Nam; tư vấn và đào tạo FSC cho Tekcom, Xây dựng và Thương mại Alliance, VHG Investment JSC… Ngoài ra, khách hàng của họ còn có Nhựa Duy Tân, TTC Anergy, Pouyen Việt Nam, Mitshubishi, Rạng Đông….
Theo ông, giống như các chứng chỉ ISO trước đây, các chứng nhận carbon trong tương lai sẽ như một loại visa cho hàng hóa nếu muốn xuất qua các thị trường cao cấp. Một sản phẩm chất lượng nhưng không có các chứng nhận visa thì cũng không bán được. Khi đi tìm nguồn hàng, việc đầu tiên của các đối tác châu Âu là nhìn tới các chứng chỉ carbon, sau đó mới nhìn tới chất lượng sản phẩm.
Đầu tư chuyển đổi xanh là phải tái cấu trúc cả giá trị vô hình lẫn hữu hình, cả văn hóa doanh nghiệp lẫn hệ thống sản xuất. Vậy nên, lý tưởng nhất là phải làm ngay từ đầu khi gầy dựng công ty để có thể thuận lợi dự phóng cho những khó khăn trong tương lai. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã có 10 tuổi đến 20 tuổi, tất nhiên không thể ‘làm đúng ngay từ đầu’ chỉ có thể ‘làm đúng ngay từ đây’.
Trong tất cả, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt nằm ở chỗ sản xuất nhỏ và manh mún.
Ví dụ như trong ngành cơ khí, SMEs Việt thường làm OEM – đóng vai trò gia công thứ cấp (F2 hoặc F3) trong chuỗi cung ứng. Thực thi kiểm kê khí nhà kính hoặc khí thải gián tiếp trên 1 sản phẩm cho khách hàng – ví dụ số lượng carbon thâm dụng của 1 linh kiện trong 1 sản phẩm hoàn chỉnh, là rất khó; cần có đội ngũ và chi phí.
Trong khi nhà xưởng của doanh nghiệp Việt thường gia công cho rất nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trường hợp nếu tỷ trọng linh kiện sản xuất cho khách hàng châu Âu chỉ chiếm 10% doanh thu, thì liệu có đáng đầu tư cho việc chuyển đổi xanh hay không?
“Có thêm một giải pháp nữa: chọn thị trường khác. Nếu cảm thấy mình không làm nổi hoặc không đáng để đầu tư thì có thể ‘nói không’ với thị trường cao cấp châu Âu, chúng ta có thể chuyển sang thị trường trung cấp – đòi hỏi ‘ít xanh’ hơn.
Còn nếu quyết định xông pha vào chuyển đổi xanh, thì ngay từ bây giờ, doanh nghiệp Việt phải bắt tay vào thay đổi chiến lược vận hành – triển khai – thực thi để bắt kịp thời cuộc. Hoặc nếu DN nào cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh thì có thể chuẩn bị thêm.
Nói chung, lãnh đạo phải ‘liệu cơm gắp mắm’, nhìn vào nội lực của doanh nghiệp để chọn thị trường đúng, phù hợp với khả năng của mình. Dù sao thì ưu tiên đầu tiên của DN Việt bây giờ vẫn là sống sót, nên đừng để rơi vào trường hợp ‘chưa chuyển đổi đã xanh mặt’”, CEO LEANWARES khuyến nghị.
Bản chất của việc chuyển đổi xanh
Mặt khác, trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp Việt cần quan tâm tới 2 khái niệm cơ bản: khả năng hấp thụ carbon và phát thải khí nhà kính phải nhỏ hơn hoặc bằng 0.
Lego đã truyền thông rằng: nhà máy trị giá 1 tỷ USD xây ở Việt Nam có phát thải carbon bằng 0 và một trong những giải pháp của họ là xây dựng 1 nhà máy điện mặt trời cỡ nhỏ bên cạnh để cung cấp điện năng. Hoặc nhiều nhà máy FDI đã đầu tư máy móc – công nghệ để tự động hóa sản xuất vì nhân lực ‘chạy bằng cơm’ phát thải carbon nhiều hơn máy móc. Ngược lại, nếu phát thải carbon của doanh nghiệp quá cao, thì họ phải mua các tín chỉ carbon để bù lại.
Thực tế là có tới 7 loại khí nhà kính nhưng để đơn giản hóa người ta đã dùng một hệ số chuyển đổi tương đương để quy đổi qua khí carbon. Nó giống như chuyện: vì USD là tiền tệ mạnh và thông dụng, nên trong giao dịch quốc tế người ta thường quy đổi các loại tiền tệ khác qua USD để tiện lợi hơn.
Hiện tại, việc kiểm kê phát thải khí carbon không dễ, bởi nó không chỉ đến từ các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp như điện cho sản xuất hoặc xăng dầu ở hoạt động giao nhận, mà còn từ hoạt động gián tiếp như các chuyến công tác của xếp, xe cá nhân của nhân viên…
Trong tương lai, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ bị bắt buộc phải có kho dữ liệu về phát thải nhà kính được cập nhật thường xuyên – realtime mà bên cần thiết có thể truy xuất được. Tất nhiên, cái platform mà các doanh nghiệp điền các chỉ số carbon của mình phải được tổ chức chính thống trong nước – khu vực hay quốc tế nào đó công nhận – chịu trách nhiệm công bố. Đó là lý do, vì sao trước khi chuyển đổi xanh chúng ta cần phải chuyển đổi số.
Thị trường tín chỉ carbon thế giới đang như một hộp đen khổng lồ - chẳng biết đâu mà lần và được vận hành giống như bitcoin hay NFT.
Hiện thế giới đang thí điểm cách tính như sau: 1 tín chỉ sẽ tương đương với 1 tấn carbon. Ở châu Âu nói chung, người ta mua 1 tín chỉ với giá 5 USD, nhưng qua Bắc Âu thì lên giá thành 6 USD đến 7 USD/1 tín chỉ. Hiện trên thế giới đã có các sàn tín - nơi mà doanh nghiệp tự nguyện đến giao dịch các tín chỉ carbon với giá trị giao dịch tới hàng trăm tỷ USD.
Thị trường tín chỉ carbon sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện như hệ thống TOEIC hoặc IELTS trong lĩnh vực tiếng Anh. Theo đó, các tín chỉ carbon cũng cần một bên công nhận giá trị, bên khác thực thi thống kê báo cáo…; tất cả đều cần người có chuyên môn và hệ thống đánh giá chính thống. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên là tạo ra các tín chỉ, giai đoạn tiếp theo là lưu hành rồi đến chứng nhận.
LEANWARES đang cộng tác với một đối tác Hà Lan ở dự án ‘đánh giá toàn diện việc phát thải và hấp thu khí carbon của một khu rừng ở Quảng Nam’. Dù đã sử dụng công nghệ định vị vệ tinh để hỗ trợ quá trình đánh giá, nhưng công việc không vì thế bớt phức tạp, bởi tác động lên khí carbon của rừng bạch đàn ở Việt Nam khác rừng thông hay rừng sồi ở châu Âu.