Bắt nguồn từ một tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế đường sắt, Traphaco giờ là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán (mã cổ phiếu TRA) với doanh thu lên tới hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Vốn điều lệ thời điểm hiện tại của Traphaco là 414,5 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của Traphaco hiện nay là Tổng Công ty Đầu tư Và Kinh doanh vốn Nhà nước chiếm 35,67%; MAGBI Fund Limited chiếm 15%; Super Delta Pte. Ltd chiếm 15,12%.
Một điều không phải ai cũng biết, Chủ tịch HĐQT của Traphaco hiện nay là ông Chung Ji Kwang, quốc tịch Hàn Quốc.
Ông Chung Ji Kwang, sinh năm 1974, đại diện của nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc đã được bầu làm chủ tịch Traphaco nhiệm kỳ 2021-2025 từ ngày 7/4/2021 thay cho bà Vũ Thị Thuận nghỉ chế độ.
Traphaco dưới thời vị Chủ tịch mới đã hoạt động kinh doanh như thế nào?
Nằm trong TOP Doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất năm 2021
Nhìn lại năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực.
Không nằm ngoài những khó khăn chung đó, ngành dược Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, cùng đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt.
Năm 2021, theo kết quả kinh doanh được công bố của các công ty ngành dược trên sàn chứng khoán, nhìn chung, có nhiều công ty doanh thu sụt giảm và lợi nhuận đi ngang.
Trong bối cảnh chung như vậy, kết thúc năm 2021, Traphaco đạt doanh thu hợp nhất 2.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 22%. So sánh với các doanh nghiệp trong ngành đã niêm yết, tốc độ tăng trường doanh thu và lợi nhuận của Traphaco năm 2021 nằm ở TOP cao nhất
Những nguyên nhân từ phía công ty giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận cao trong ngành:
- Dự báo trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội trên diện rộng. Ban lãnh đạo công ty đã quyết định chính xác, kịp thời tăng cường sản xuất và vận chuyển hàng tới các tỉnh thành trước giãn cách, nhờ đó đáp ứng đủ hàng cho khách hàng.
- Ổn định chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi đã tạo tâm lý yên tâm để cán bộ nhân viên công ty nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vượt KPI, tham gia tích cực chương trình thi đua do công ty phát động.
- Tăng cường quản trị tài chính thông qua xây dựng kế hoạch ngân sách, tiết giảm các chi phí kém hiệu quả, lãng phí, đồng thời phân bổ đủ chi phí phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh
- Doanh số các sản phẩm chủ lực tăng trưởng, có biên lợi nhuận tốt, cụ thể là các sản phẩm Boganic, Hoạt huyết Dưỡng não
- Dự báo trước biến động trên thị trường nên đã linh hoạt trong nhập nguyên vật liệu trước khi có sự biến động về giá.
Bắt tay với Daewoong Hàn Quốc nhận chuyển giao công nghệ và tăng cường kênh bán ETC
Trong năm 2022, Traphaco định hướng tiếp tục phát triển thị trường ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện), thúc đẩy hoạt động đấu thầu bệnh viện với những sản phẩm tân dược, sản phẩm chuyển giao công nghệ từ đối tác Deawoong - một doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc.
Thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021. Việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC được các chuyên gia nhìn nhận là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.
Thông tư 15/2019/TT-BYT ra đời năm 2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đã mở ra cánh cửa để các sản phẩm nội địa thâm nhập đáng kể thuốc điều trị vào kênh ETC, đặc biệt là ở Nhóm 2 (thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc tại Việt Nam), vốn trước đây chỉ là sân chơi của sản phẩm nhập khẩu.
Đây là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp dược, trong đó có Traphaco.
Trước đó, ban lãnh đạo TRA dự kiến doanh thu hợp tác với Deawoong sẽ có từ năm 2022. Các mặt hàng tân dược tự sản xuất và chuyển giao công nghệ của TRA có tiềm năng vào kênh điều trị (ETC) và có thể tính đến xuất khẩu trong tương lai, góp phần mở rộng tăng trưởng dài hạn của Công ty.
Việc thúc đẩy mạnh mẽ mảng tân dược và kênh bán hàng ETC bên cạnh duy trì vị thế trên kênh OTC được đánh giá là bước chuyển hướng thông minh của Traphaco khi tăng trưởng kênh OTC trên thị trường đang có xu hướng bão hòa và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với kênh ETC.
Tiềm năng của kênh ETC được nhận định là còn rất lớn, trong khi thị phần của TRA trong mảng này thấp, còn nhiều dư địa để khai thác.
Năm 2021, theo số liệu BC thường niên, kênh bán hàng chủ lực của Traphaco vẫn là kênh OTC (bán qua các nhà thuốc) với doanh thu chiếm hơn 84%, kênh ETC doanh thu chỉ chiếm hơn 8%.
Năm 2022, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu 2.345 tỷ đồng, lợi nhuận 286 tỷ đồng, tiếp tục dự án tái cấu trúc tách mảng kinh doanh đông dược và ngoài đông dược, đầu tư nâng cấp các dây chuyền sản xuất đông dược và ngoài đông dược, gia tăng danh mục sản phẩm qua đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới, hợp tác chuyển giao công nghệ, nhập khẩu phân phối.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Traphaco đạt doanh thu thuần 1.818 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 77,5% kế hoạch doanh thu năm. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 251 tỷ đồng, hoàn thành gần 88% kế hoạch lợi nhuận năm.
Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm của Traphaco khá ấn tượng khi lên tới gần 57%, cao hơn mức 53,1% của năm 2021 và biên lợi nhuận gộp các năm trước (từ gần 52% đến trên 55%).