Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó

Thu Hà | 11:36 01/07/2022

Các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng có thể phục hồi trong những tháng cuối năm nhờ vào việc Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó
Ngành thép vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Giá thép 6 tháng đầu năm có nhiều biến động

Đầu năm 2022, ngành thép đang chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, sự ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, cùng với việc ngân hàng mạnh tay siết chặt cho vay bất động sản.

Theo đó, giá thép đã tăng 7 lần trong 4 tháng đầu năm và tăng khoảng 2,4 triệu đồng/tấn. Trong tháng 3, giá thép tăng nóng 6 lần, vượt mức 19 triệu đồng/tấn. Trong 2 tháng tiếp theo, giá thép đã giảm 7 lần, trị giá lên đến 2,5 triệu đồng/tấn. Trong tháng 6, giá thép giảm 4 lần liên tiếp, về dưới mức 17 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân của sự biến động này là do trong 4 tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh sau Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và khu vực ASEAN khiến giá phôi leo cao. Mặt khác, dịch bệnh khiến thời gian giao hàng kéo dài, nhập khẩu bị đình trệ, từ đó khiến giá thép tăng cao. Trong tháng 5 và tháng 6, giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3 do nhu cầu không mấy tích cực dù trong cao điểm mùa xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu suy yếu cũng là nguyên nhân làm giá thép giảm.

Mặc dù có những khó khăn nhưng ngành thép trong nước đã có những bước phát triển trong quy mô cũng như xuất khẩu. Hiện các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam đã có cơ cấu đa dạng về chủng loại cũng như thị trường xuất khẩu.

Theo khảo sát của MarketTimes, sau 7 lần giảm liên tiếp trong thời gian gần đây, giá thép giảm đến 2,8 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện mặt bằng giá chung của các thương hiệu thép xây dựng đã về mức dưới 17 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

gia-thep.png
Giá thép trong nước  có nhiều lần điều chỉnh giá bán trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát miền Bắc được điều chỉnh giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên lần lượt là 50.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, Hòa Phát cũng thông báo điều chỉnh giảm thêm 200.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 xuống còn 16,8 triệu đồng/tấn nhưng giữ nguyên giá bán thép cuộn CB240 ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép miền Nam cũng đồng loạt giảm 200.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 16,7 triệu đồng/tấn và 17,2 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, thép Kyoei cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép CB240 và và 210.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, lần lượt còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, còn 16,3 triệu đồng/tấn và 16,7 triệu đồng/tấn.

Trên thị trường thế giới giảm xuống mức 4.366 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Sản lượng thép của Iran đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 5, do tiêu thụ nội địa tiếp tục giảm và xuất khẩu giảm trong bối cảnh thép giá rẻ của Nga tràn ngập thị trường toàn cầu.

Thép, dầu và các sản phẩm khác của Nga đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), để trả đũa cho cuộc tấn công quân sự của Moscow ở Ukraine.

Sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia báo cáo với Hiệp hội Thép Thế giới ở mức 169,5 triệu tấn vào tháng 5/2022, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn

Khó khăn, thách thức vẫn đang bủa vây doanh nghiệp. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam Trịnh Tiến Anh cho biết, việc ngân hàng siết chặt tín dụng với bất động sản khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khá lớn. Hàng tồn kho cao, nhu cầu thép xây dựng thấp, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca xuống 2 ca/ngày, thậm chí có giai đoạn phải tạm dừng sản xuất. Không có đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp này đang ở tình trạng dễ thua lỗ.

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều thách thức cùng các yếu tố bất ngờ. Đó là chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, nhất là ở châu Âu và Mỹ; sự bất ổn, khó lường của thị trường thép Trung Quốc; cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm liên tục giảm khiến ngành thép đứng trước rất nhiều khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA…, nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan.

Nhờ đó, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do biến động của tình hình thế giới, giá nguyên vật liệu tăng cao song xuất khẩu thép vẫn rất tích cực. 5 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 4 triệu tấn sắt thép các loại, giá trị khoảng 4,1 tỷ USD. Mặc dù giảm về số lượng 17,8% so với cùng kỳ song kim ngạch xuất khẩu tăng 14,8% do hưởng lợi từ giá thép khiến giá xuất khẩu tăng 40%. Cùng với đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine vốn là hai thị trường xuất khẩu thép lớn sang EU (lần lượt đứng thứ 2 và thứ 4) đã khiến nguồn cung vào EU gián đoạn, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này. Hiện, sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới 30 thị trường.

Theo các chuyên gia, để có thể tận dụng cơ hội, ngành thép cần khắc phục được khó khăn nội tại. Trong đó, cần phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu; tìm kiếm thông tin, điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần hợp tác, đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh.

Tại buổi tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam hy vọng, với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc ứng phó của thị trường nhiều năm qua, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tìm ra những giải pháp, đặc biệt là có những giải pháp sáng tạo để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong ngành cũng kỳ vọng có thể phục hồi trong những tháng cuối năm nhờ vào việc Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO