Doanh nghiệp lại thêm gánh nặng từ phí hạ tầng cảng biển

Linh Khang | 22:39 01/03/2022

Từ ngày 16/2/2022 UBND Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Doanh nghiệp lại thêm gánh nặng từ phí hạ tầng cảng biển
Bộ Công thương đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo đầy đủ ý kiến trước khi chính thức áp dụng thu phí.

Việc vận hành thử nghiệm thu phí cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/2/2020 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh thử nghiệm thu phí hạ tầng cảng biển, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng.

Theo VASEP, những ngày qua văn phòng VASEP đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc này. Các doanh nghiệp cho rằng, việc thử nghiệm đang được thực hiện và dự kiến từ tháng 4/2022 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức cho triển khai thu phí hạ tầng cảng biển.

Trong thời điểm các doanh nghiệp vừa trải qua nhiều khó khăn do dịch Covid – 19 lại phải chịu thêm khoản phí hạ tầng cảng biển cao là không công bằng, không hợp lý. Thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành thuỷ sản phải ngưng hoạt động do không xuất khẩu được hàng hoá, trong khi đó vẫn phải trả lương cho công nhân cũng như nhiều chi phí khác. Đến nay các doanh nghiệp đang còn gặp khó khăn.

Theo VASEP, tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đáp ứng được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.

Những doanh nghiệp thực hiện được phương án “3 tại chỗ” thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước.

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực. Nếu thu phí hạ tầng cảng biển cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Do đó, nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm và với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm sẽ là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản.

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, Bộ Công thương vừa có văn bản số 908/BCT-ĐB đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.

Theo Bộ Công thương, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như một số điều ước quốc tế khác Việt Nam đã ký kết và tham gia có một số quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng như các khoản thu khác được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và quá cảnh. Do đó cũng cần tham khảo khi tiến thành thu phí hạ tầng cảng biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp lại thêm gánh nặng từ phí hạ tầng cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO