Theo số liệu trong báo cáo tài chính bán niên 2023, gần như toàn bộ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều giảm chi phí hoa hồng cho đại lý trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, ngoài Bảo Việt Nhân Thọ không công bố số liệu, 9 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại trong Top 10 thị phần lớn nhất là Prudential, Daiichi, Manulife, AIA, FWD, Sunlife, Generali, Chubb life và Hanwha life đều giảm chi phí này so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Manulife là doanh nghiệp giảm chi phí hoa hồng mạnh nhất, từ 1.596 tỷ xuống còn 911 tỷ đồng, tương đương giảm gần 43%. Sự sụt giảm này khiến Manulife đánh mất vị trí dẫn đầu về hoạt động chi trả hoa hồng vào tay Prudential.
Cùng với Manulife, chi phí hoa hồng của Dai-ichi và AIA cũng giảm lần lượt 27% và 32%, trong khi FWD và Sunlife giảm 27% và 14% so với nửa đầu năm 2022.
Với mức giảm ít hơn so với mặt bằng chung (gần 12%), Prudential là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài chi nhiều hoa hồng nhất nửa đầu năm 2023 với 1.094 tỷ đồng. Xếp sau lần lượt là Dai-ichi (936 tỷ đồng), Manulife (911 tỷ đồng), AIA (540 tỷ đồng), FWD (419 tỷ đồng), Sunlife (484 tỷ đồng),…
Tính chung, 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nêu trên có tổng chi phí hoa hồng trong nửa đầu năm là hơn 4.911 tỷ đồng, giảm 1.892 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022, tương đương giảm 28%.
Được biết, chi phí hoa hồng bảo hiểm được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu phí bảo hiểm gốc. Tỷ lệ này có thể lên tới 40% trong năm đầu tiên và 5 – 20% trong các năm tiếp theo.
Chi phí hoa hồng giảm mạnh trong bối cảnh doanh thu phí của các công ty bảo hiểm nhân thọ có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế khó khăn hơn khiến thu nhập người dân sụt giảm và lòng tin khách hàng đối với dịch vụ tài chính này bị lung lay sau một loạt bê bối.
Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí của Bảo Việt Nhân thọ giảm 186 tỷ đồng, Manulife (-1.988 tỷ đồng), Prudential (-1.157 tỷ đồng), Dai-ichi Life (-665 tỷ đồng), AIA (-1.177 tỷ đồng), FWD (-65 tỷ đồng), Sun Life (-111 tỷ đồng), MB Ageas (-1.040 tỷ đồng), Generali (-211 tỷ đồng),…
Trước đó, ngành bảo hiểm nhân thọ đã trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam, khi loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã làm xói mòn niềm tin của khách hàng về hoạt động này.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tích cực, đây chính là thời cơ để ngành bảo hiểm nhân thọ nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn, chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của ngành; là điều kiện thuận lợi để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch, bền vững.
Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên/ đại lý/ nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên đẩy lên vị trí cao nhất. Các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình đào tạo bám sát yêu cầu công việc, phát triển năng lực, tiêu chuẩn hóa đội ngũ tư vấn viên và áp dụng những quy trình chặt chẽ để chọn người phù hợp.
Bên cạnh đó, việc đưa ra những quy định mới nghiêm ngặt hơn về mặt nhân sự đối với các tổ chức tín dụng có kinh doanh bảo hiểm cũng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cho kênh bancassurance.