Mới đây, trong ngày 30/11, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông sẽ tiến hành áp thuế nhập khẩu 100% đối với hàng hóa từ 9 quốc gia thuộc BRICS, nếu khối này đe dọa vị thế của đồng USD.
Đồng thời, ông Trump nhấn mạnh rằng "không có cơ hội nào" để BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế.
BRICS là nhóm những nền kinh tế mới nổi. Hiện nay, BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới, với các thành viên là Nga, Braxil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga) vào cuối tháng 10 vừa qua, các quốc gia trong khối này đã ra tuyên bố chung về "tăng cường mạng lưới ngân hàng đại lý trong BRICS và cho phép thanh toán bằng tiền tệ địa phương theo Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới BRICS". Thế nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh này rằng, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thay thế nào được đưa ra để cạnh tranh với hệ thống SWIFT.
Mấy ngày trước đó, ông Trump cũng dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ hàng hóa Mexico, Canada và thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Việc này để kiểm soát người di cư bất hợp pháp cũng như hoạt động buôn bán ma túy từ những quốc gia trên vào Mỹ.
Trên thực tế, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã đề xuất thuế nhập khẩu 10% đối với toàn bộ sản phẩm vào Mỹ. Trong đó, riêng Trung Quốc có thể bị áp thuế từ 60 – 100%. Trước đó, ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 350 tỷ USD hàng hóa của nước này.
Vì sao ông Trump lại thích áp thuế nhập khẩu?
Theo các chuyên gia, thuế nhập khẩu hiện là công cụ ưa thích của ông Donald Trump. Trên thực tế, ông đã nhiều lần công khai quan điểm này với giới truyền thông, đồng thời gọi mình là "người áp thuế". Thậm chí, vào hồi tháng 10, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg tại CLB Kinh tế Chicago, ông Trump còn khẳng định ông yêu thích từ "thuế nhập khẩu".
Tuy nhiên, quan điểm này của ông Trump đang là nguồn cơn lo ngại của nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế học. Theo các chuyên gia này, các đối tác thương mại của Mỹ sẽ tiến hành trả đũa. Điều này sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế, thổi bùng lạm phát, đồng thời châm ngòi cho chiến tranh thương mại trên quy mô lớn.
Nhưng ông Trump và các quan chức mà ông đề cử, trong đó có Scott Bessent, người được lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ, khẳng định rằng thuế nhập khẩu trong nhiệm kỳ đầu tiên không làm châm ngòi lạm phát và lợi ích có thể vượt xa bất kỳ tác động tiêu cực nào.
Lý do đầu tiên mà ông Trump đưa ra để giải thích cho quyết định áp thuế nhập khẩu là giúp bảo vệ ngành sản xuất Mỹ. Ông tin rằng việc áp thuế nhập khẩu lên những đối tác thương mại sẽ giúp bảo vệ cho các doanh nghiệp Mỹ, nhất là trong thời điểm mà việc làm sản xuất trong nước giảm mạnh so với đỉnh kể từ năm 1979.
Xét theo tiêu chí này, thuế nhập khẩu mà ông Donald Trump áp dụng trong giaia đoạn 2018 – 2019 đã phần nào đạt được mục tiêu này, Theo Viện nghiên cứu Brookings Institution, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc làm trong một số ngành cụ thể ở Mxy đã được nâng kên, Chẳng hạn, thuế nhập khẩu với máy giặt đã giúp tạo thêm 1.800 việc làm mới ở Mỹ và tại các doanh nghiệp như Whirlpool và nhiều hãng khác.
Nhưng nếu bỏ qua tác động này, theo nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các công ty cũng phải đối mặt với chi phí cao hơn cho nguyên liệu thô và thuế trả đũa của các nước. Ngoài ra, số việc làm tổng thể trong ngành sản xuất giảm khoảng 2% trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Mặc dù vậy, giới phân tích thừa nhận có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sự suy giảm này.
Nghiên cứu của Fed cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thuế nhập khẩu không là tăng việc làm hay sản lương, nhưng nó khiến giá sản xuất leo thang".
Lý do thứ hai mà ông Trump muốn khi tiến hành áp thuế nhập khẩu quy mô lớn là các hãng sản xuất nước ngoài mở nhà máy ở Mỹ. "Thuế nhập khẩu càng cao thì các doanh nghiệp lại càng có khả năng đến Mỹ để xây nhà máy", ông Trump chia sẻ với tờ Bloomberg vào hồi tháng 10.
Mặc dù thừa nhận về khả năng này có thể xảy ra nhưng giới phân tích cho rằng, những thay đổi trên sẽ phải mất nhiều năm và không thể diễn ra ngay lập lực như ông Trump khẳng định. Bởi vì quyết định này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, nguồn lao động, chính sách quản lý.
Hơn nữa, nếu một số doanh nghiệp có kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất vì thuế nhập khẩu thì cũng chưa chắc có lợi cho Mỹ. Chẳng hạn, hãng giày Steve Madden nói rằng, nếu ông Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì họ sẽ chuyển sản xuất sang các quốc gia lân cận nước này.
Thứ ba, ông Trump ca ngợi rằng việc áp thuế nhập khẩu là cách để tạo nguồn thu mới cho ngân sách cũng như bù đắp việc giảm thuế trong nước. Theo Tax Foundation, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thuế nhập khẩu giúp ngân sách của nước Mỹ có thêm 80 tỷ USD. Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ thì ngân sách liên bang sẽ thu được thêm 2.000 tỷ USD từ năm 2025 – 2034.
Trong khi đó, theo ước tính của Goldman Sachs, thuế nhập khẩu áp lên Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ giúp tạo thêm 300 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, có khoảng 43% hàng nhập khẩu vào Mỹ đến từ 3 quốc gia này.
Nhưng theo các chuyên gia nhận định, nguồn thu này cũng chủ yếu đến từ doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Bởi vì thuế nhập khẩu thường sẽ do các công ty ở Mỹ gánh.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson hồi tháng 8 cũng cho thấy, thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ tốn thêm 2.600 USD mỗi năm.
Cuối cùng, sở dĩ ông Trump muốn tăng thuế nhập khẩu là để chặn làn sóng nhập cư trái phép và buôn ma túy vào Mỹ.
Đầu tuần trước, ông Trump khẳng định sẽ duy trì việc áp thuế cho tới khi các nước như Mexico, Canada và Trung Quốc siết chặt kiểm soát ma túy, đặc biệt là fentanyk và kiểm soát dòng người di cư đang vượt biên trái phép vào nước Mỹ.
Hiện nay, mặc dù có khả năng Canada, Mexico và Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi chống buôn lậu ma túy hoặc nhập cư để tránh bị ông Trump áp thêm thuế, nhưng hiện chưa rõ là liệu việc đe dọa có giúp Tổng thống đắc cử đạt được mục tiêu này hay không.
Bài tham khảo nguồn: CBS, Reuters, Fed