Đỏ mắt tìm ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao và bền vững

Văn Tuệ - Kim Ngân | 07:18 26/04/2023

Phần lớn các nhà đầu tư đều thích doanh nghiệp có lợi nhuận và tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm nay, lợi nhuận bền vững có thể sẽ là thứ nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn.

Đỏ mắt tìm ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao và bền vững

Những ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận cao nhất năm nay

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh doanh chi tiết. Theo thống kê của chúng tôi, hiện chỉ có 8/27 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trên vạn tỷ.

Cụ thể, Vietcombank đứng đầu danh sách với lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến ở mức tối thiểu khoảng 43.000 tỷ. Cụ thể, vừa qua đại hội cổ đông của ngân hàng này đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15%. Trước đó, Vietcombank ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank sẽ phấn đấu để đạt được lãi hơn 42.972 tỷ đồng.

Theo sau là MB với mục tiêu lợi nhuận là 26.100 tỷ đồng, tăng ~15% so với năm trước.

Tiếp đến là VPBank, nhà băng này kỳ vọng lãi trước thuế sẽ đạt 24.003 tỷ, tăng 13% so với năm 2022.

Một ngân hàng khác cũng kỳ vọng lợi nhuận vạn tỷ là Techcombank. Tuy nhiên, năm nay nhà băng này lại đặt tăng trưởng giảm 14%, xuống mức 22.000 tỷ.

ACB theo sau với mức lãi trước thuế kỳ vọng là 20.058 tỷ, tăng 17,2% so với năm 2022.

Tiếp đến là HDBank và VIB, lãi trước thuế dự kiến trong năm 2023 của 2 nhà băng này lần lượt là 13.197 tỷ và 12.200 tỷ đồng.

Với SHB, vừa qua, đại hội cổ đông nhà băng này đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản: 1) tăng trưởng tín dụng 10% và 2) tăng trưởng tín dụng 14%. Trong cả 2 trường hợp, lợi nhuận ngân hàng đều trên 10.000 tỷ. Ngoài ra, nếu mọi việc diễn ra đúng với kế hoạch, đây cũng sẽ là năm đầu tiên SHB bước vào câu lạc bộ ngân hàng có lãi vạn tỷ.

Chú trọng bền vững

Tính từ giữa năm 2022, trong nền kinh tế đã xuất hiện tình trạng tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động. Đây là điều chưa từng xảy ra trong 10 năm trở lại đây.

Đến hết quý I/2023, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt. Cụ thể, các số liệu của tổng cục thống kê chỉ ra, quý I/2023 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%, trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77%.

Việc tăng trưởng cho vay nhiều hơn huy động đã tác động không nhỏ đến tình hình thanh khoản và chi phí huy động của các nhà băng. Điển hình như hồi cuối năm 2022 đầu năm 2023, các ngân hàng đã bước vào cuộc đua lãi suất huy động. Từ đó, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và gián tiếp tác động đến chất lượng tín dụng của các nhà băng.

Trong 8 ngân hàng kể trên, chỉ có HDBank, VIB, VPBank và SHB chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng huy động cao hơn so với tín dụng trong năm nay.

Đáng chú ý nhất là SHB, trong cả 2 kịch bản kinh doanh, ngân hàng đều ưu tiên tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 10%, tăng trưởng huy động từ thị trường 1 dự kiến là 12,05%; đối với trường hợp hạn mức cho vay được cấp ở mức 14%, tăng trưởng huy động là 14,78%.

Ngoài ra, năm nay SHB còn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% (Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 18 cổ phiếu thưởng) và phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên trên 36.600 tỷ đồng. Với kế hoạch như trên, năm nay SHB sẽ giữ vững được vị thế top các NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn.

Tại đại hội cổ đông SHB hôm 11/04, đã có nhà đầu tư nêu thắc mắc về việc vì sao không đặt mục tiêu chia cổ tức cao hơn trong năm kỷ niệm 30 năm thành lập. 

Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Hội đồng quản trị cho SHB cho biết, ngân hàng có dự kiến tín dụng tăng 14%. Nếu doanh thu và lợi nhuận tăng, ban lãnh đạo sẽ lắng nghe và đảm bảo lợi ích cổ đông.

"Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mức chia cổ tức bằng hoặc hơn năm nay. Nếu trong năm sau, sức khỏe tài chính được cải thiện chúng tôi sẽ phân tích và sớm trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức bằng tiền mặt", ông Hiển chia sẻ.

Nhìn chung, mặc dù thấu hiểu nhu cầu mong muốn cổ tức tiền mặt cao của cổ đông, song ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đang tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Chiến lược này đã góp phần đưa SHB nằm trong vị trí các ngân hàng có hiệu quả cao.

Đơn cử như trong năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt tới 24,7%, thuộc top đầu các ngân hàng hiệu quả; chỉ số CIR (chi phí hoạt động trên thu nhập) ở mức 22,7%, trong khi bình quân 27 ngân hàng niêm yết con số này là trên 30%.

SHB hiện còn là một trong số ít các ngân hàng hoàn thành chuẩn mực Basel II. Ngoài ra, trong năm 2022 vừa qua, ngân hàng đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB) và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, tiến tới đáp ứng ngày càng cao các chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Ngày 19-4-2023 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s  đã công bố cập nhật xếp hạng tín nhiệm cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, cơ quan này giữ nguyên xếp hạng B1 cho SHB, trong bối cảnh thị trường toàn cầu trải qua nhiều biến động và đầy thách thức trong năm 2022 và đầu năm 2023.

Với uy tín và năng lực tài chính, SHB còn là đối tác của nhiều định chế tài chính quốc tế như: IFC, ADB, WB…


(0) Bình luận
Đỏ mắt tìm ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO