Đỉnh cao Trung Quốc: Sắp thống trị thị trường OLED, Samsung không có cửa cạnh tranh, các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc phải cúi đầu

Vũ Anh | 09:47 20/09/2024

Thành công đánh dấu chiến thắng mới nhất của các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc - những người từ lâu đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc và trong lĩnh vực màn hình tinh thể lỏng (LCD) - về cả khối lượng sản xuất lẫn giá cả.

Đỉnh cao Trung Quốc: Sắp thống trị thị trường OLED, Samsung không có cửa cạnh tranh, các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc phải cúi đầu

Khi Tổng giám đốc điều hành Honor Device, George Zhao, bước lên sân khấu tại Berlin vào tháng 9 để ra mắt các mẫu điện thoại thông minh mới nhất, người ta dễ dàng nhận ra có một điểm chung lớn giữa tất cả các thiết bị hàng đầu của công ty đến từ Trung Quốc: màn hình OLED.

Màn hình sử dụng OLED không chỉ mang lại hình ảnh sắc nét hơn mà còn giúp thiết kế thiết bị trở nên mỏng hơn; hiệu suất năng lượng tốt và hoạt động linh hoạt. Dòng điện thoại thông minh Mate XT gập 3 của Huawei Technologies cũng được ca ngợi là có tính năng uốn cong của màn hình OLED.

Về phần mình, Honor, công ty có thị phần điện thoại gập vượt qua Samsung tại Tây Âu, đã chào hàng điện thoại thông minh Magic V3 chỉ dày 9,3 mm, là chiếc điện thoại thông minh có thể gập lại mỏng và nhẹ nhất thế giới. Theo Zhao, Magic V3 có thể gập lại hơn 500.000 lần; có độ sáng và khả năng chống trầy xước tốt hơn hẳn so với iPhone cao cấp và điện thoại Samsung.

Máy tính bảng và máy tính xách tay Honor, bao gồm cả máy tính AI đầu tiên của công ty, cũng được trang bị màn hình OLED. Honor lấy nguồn màn hình chủ yếu từ các nhà cung cấp Trung Quốc như BOE Technology Group và Everdisplay Optronics, theo các giám đốc điều hành trong ngành.

Sự kiện đánh dấu chiến thắng mới nhất của các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc - những người từ lâu đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực màn hình tinh thể lỏng (LCD) truyền thống được sử dụng trong màn hình máy tính và TV, về cả khối lượng sản xuất và giá cả.

Theo Quỹ Công nghệ thông tin và Đổi mới (ITIF) có trụ sở tại Washington, các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc hiện chiếm hơn 70% năng lực sản xuất LCD toàn cầu. Thị phần đó sẽ tăng lên khi nhiều công ty khác bị loại khỏi thị trường.

Một câu chuyện tương tự đang diễn ra trong OLED. Chỉ 5 năm trước, các công ty màn hình hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung Display và LG Display nắm giữ gần 90% thị trường màn hình OLED cho điện thoại thông minh, song tính đến năm nay, thị phần của họ đã giảm xuống còn dưới 60%.

Trong khi đó, thị phần của các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc, dẫn đầu là công ty vô địch quốc gia BOE, tăng vọt lên hơn 40%. ITIF ước tính thị phần của các nhà sản xuất OLED Trung Quốc hiện đã vượt quá 50%.

“Samsung Display đang xoay trục chiến lược OLED của mình để tập trung vào những khách hàng cao cấp nhất, cụ thể là phục vụ cho chính Samsung và Apple”, David Hsieh, giám đốc nghiên cứu cấp cao về màn hình tại Omdia cho biết.

Theo Omdia, màn hình OLED cho điện thoại thông minh do Samsung sản xuất có giá khoảng 80 đến 100 USD, trong khi các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc có thể bán với giá 30 đến 40 USD. Tuy nhiên, chất lượng có thể không bằng.

Một giám đốc điều hành tại công ty cung cấp thiết bị cho Samsung và BOE cho biết để bù đắp cho tần suất lỗi sản xuất cao hơn, các nhà sản xuất OLED Trung Quốc thường tặng kèm một lô màn hình miễn phí với mỗi đơn hàng. “Mô hình kinh doanh này phần lớn sẽ giúp bạn duy trì biên lợi nhuận điện thoại thông minh, vậy tại sao bạn lại không chọn sử dụng OLED Trung Quốc?”. 

Màn hình OLED là linh kiện đắt nhất trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, vượt qua chi phí của bộ xử lý trung tâm trong các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính. Chúng đã thâm nhập đáng kể vào điện thoại thông minh và hiện nay, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử đang cân nhắc OLED cho các thiết bị lớn, bao gồm máy tính bảng và máy tính xách tay.

Một phần động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp màn hình OLED Trung Quốc đến từ chính nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng công nghệ. Huawei sử dụng OLED trong phần lớn các thiết bị của mình, bao gồm Mate XT. 

Huawei là một trong những công ty đầu tiên trong ngành sử dụng OLED trong máy tính bảng và máy tính xách tay. Oppo, Vivo và Xiaomi đều đã làm theo và bắt đầu tận dụng các nhà cung cấp địa phương.

Trong khi Mỹ áp dụng nhiều vòng kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ bán dẫn Trung Quốc, công nghệ hiển thị phần lớn không bị ảnh hưởng. Căng thẳng song phương leo thang đã thúc đẩy nỗ lực của Trung Quốc nhằm nội địa hóa toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

“Đối mặt với những thách thức trong việc mua các chất bán dẫn tiên tiến nhất, Huawei đang tập trung nâng cao các thành phần khác trong phạm vi của mình”, một giám đốc điều hành của một nhà cung cấp trong ngành cho biết. “Điều này bao gồm việc kết hợp màn hình cao cấp hơn; máy ảnh và ống kính có thông số kỹ thuật cao hơn để thu hút khách hàng”.

Việc mở rộng thị phần trong sản xuất màn hình đã giúp Trung Quốc thúc đẩy chuỗi cung ứng mạnh mẽ, cho phép các công ty trong nước cung cấp vật liệu thiết yếu cho sản xuất OLED. Các công ty trong nước như Changchun Hyperions Technology, Shaanxi Lighte Optoelectronics Material và Guangdong Aglaia Optoelectronic Materials đều đang giành được thị phần trước các đối thủ nước ngoài như Solus Advanced Materials, Duksan Neolux, Merck và Dupont.

Việc thúc đẩy nội địa hóa cũng mang đến cho các nhà cung cấp OLED Trung Quốc cơ hội tuyệt vời để cải thiện năng lực công nghệ.

“Dựa trên dự báo nội bộ của chúng tôi, khoảng cách công nghệ giữa các nhà sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ còn 1-2 năm”, quản lý một nhà cung cấp thiết bị hiển thị có trụ sở tại Mỹ cho biết. “Các nhà cung cấp màn hình Trung Quốc đã săn đón quá nhiều kỹ sư Hàn Quốc. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc hoàn toàn thống trị ngành công nghiệp OLED”. 

Về các màn hình LCD truyền thống hơn, BOE, TCL China Star Optoelectronics Technology và HKC của Trung Quốc hiện đã kiểm soát hơn 57% thị trường toàn cầu tính đến năm 2023, theo dữ liệu của Omdia. Đây là sự tương phản rõ rệt so với năm 2011, khi Samsung và LG Display của Hàn Quốc cùng nhau nắm giữ khoảng 55% thị trường. Samsung đã rời khỏi thị trường sản xuất LCD vào năm 2022, trong khi LG Display chỉ chiếm 6% thị phần vào năm ngoái.

Các nhà cung cấp Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong mảng vật liệu sản xuất LCD. Ví dụ, Shanjin Optoelectronics và Hengmei Optoelectronics đã trở thành hai nhà cung cấp phân cực hàng đầu thế giới, vượt qua các đối thủ Nhật Bản là Sumitomo Chemical và Nitto Denko. 

Theo đại diện Merck, nhà sản xuất chip kiêm vật liệu màn hình quan trọng, việc sản xuất màn hình có tính mô-đun hóa hơn so với sản xuất chất bán dẫn đã giúp Trung Quốc làm chủ phân khúc tương đối nhanh chóng.

“Không giống như sản xuất chip, bao gồm các quy trình phức tạp và nhiều biến số, sản xuất màn hình là một ngành công nghiệp được chuẩn hóa. Mỗi giai đoạn của quy trình sản xuất có thể được coi là một mô-đun riêng biệt, giúp quản lý và tối ưu hóa dễ dàng hơn”, giám đốc điều hành cho biết.

Theo Nikkei Asia, ông lớn BOE đang xây dựng dây chuyền sản xuất đầu tiên cho thứ gọi là OLED "thế hệ 8.6", dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Các công ty Trung Quốc khác, như Visonix, cũng đang cân nhắc xây dựng dây chuyền tương tự, dù cho phải đối mặt với những thách thức về tài chính. Bên ngoài Trung Quốc, chỉ có Samsung tiếp tục đầu tư vào sản xuất màn hình tiên tiến theo cách này.

“Sự cạnh tranh trên thị trường nội địa Trung Quốc rất khốc liệt”, Chiou, phó chủ tịch nghiên cứu tại Trendforce, nói. “Một vòng đua sinh tồn khác sắp diễn ra”. 

Theo: Nikkei Asia 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đỉnh cao Trung Quốc: Sắp thống trị thị trường OLED, Samsung không có cửa cạnh tranh, các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc phải cúi đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO